Với hơn 84.000 ha hiện có - Sơn La đã trở thành địa phương có diện tích cây ăn quả lớn nhất miền Bắc và đứng thứ 2 cả nước
Có thể những cách làm, những mô hình tiêu biểu này chưa phải là bộ giải pháp của quốc gia, nhưng hoàn toàn có thể coi là cuộc cách mạng trong nông nghiệp ở địa phương miền núi Tây Bắc này. Trong chương trình hôm nay, mời quý vị và các bạn cùng đọc bài 1 với nhan đề: “Chuyện những tỷ phú nông dân nơi đại ngàn”.
Đưa mận và các loại cây xoài, nhãn… lên sườn dốc, gia đình anh Vì Văn Việt, dân tộc Sinh Mun ở bản Bon Khằm, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đồng thời cũng tìm tòi, học hỏi và đầu tư hệ thống tưới nước tự động cho vườn cây của gia đình, trong đó có hơn 1 ha mận chín sớm.
Theo anh Việt: "Trước đây, diện tích đất của gia đình chủ yếu trồng ngô, sắn nhưng hiệu quả kinh tế kém. Qua quá trình nghiên cứu và đi học hỏi các vườn mận của các mô hình đẹp về tôi đã đầu tư trồng mận. Vừa rồi tuy ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng mỗi năm vẫn thu được 200 triệu đồng".
Gia đình anh Việt và hầu hết các hộ dân ở Bon Khằm vốn gắn bó với cây ngô, sắn từ nhiều đời nay; số ít cây ăn quả có trong vườn nhà cũng thường để tự lớn, tự ra hoa, kết trái, quả thu được chừng nào hay chừng đó. Khi xã, bản vận động chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, anh cũng không dám chắc là cây sẽ cho trái.
Tuy nhiên vừa làm, vừa học hỏi. Với cây mận, khi ra quả, gia đình chịu “hy sinh” đến 30% sản lượng mỗi cây, chỉ để lại những trái ngon nhất để phát triển thành mận chín sớm; đồng thời, mạnh dạn đầu tư hàng chục triệu đồng hệ thống tưới nước tự động cho vườn cây… Kết quả, đã cho ra sản phẩm mận chín sớm với những quả da căng bóng, to giòn, giá bán từ 70.000 – 80.000 đồng một cân, nên chỉ riêng hơn 1 ha mận đã giúp gia đình anh trở thành triệu phú trên đất Bon Khằm.
Tỷ phú trẻ Phạm Văn Dương, Giám đốc HTX nhãn chín sớm Bảo Dương ở bản Trại Giống, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã (Sơn La) cũng là một nông dân chính hiệu. Thực hiện chủ trương chuyển đổi trồng và thâm canh cây ăn quả trên đất dốc; tận dụng lợi thế diện tích nhãn truyền thống sẵn có ở địa phương và từ khát vọng vươn lên của tuổi trẻ, anh đã mạnh dạn tìm tòi, học hỏi, để rồi trở thành người đầu tiên triển khai mô hình nhãn chín sớm cho hiệu quả kinh tế cao ở vùng đất biên cương này.
"Bắt đầu tôi cũng làm từ cây nhãn miền suy ra cây nhãn sớm, nhưng chưa thành công cho lắm. Tôi có đi miền Nam 2 lần tìm hiểu và mang được thuốc về sử dụng thì thấy hợp. Sau đó ra được hoa thì tôi lại chưa hiểu về quy trình chăm sóc và tỉa cành. Cây này đòi hỏi phải tỉa mạnh tay hơn nhãn chính vụ.
Nhãn chính vụ nó tự bỏ quả khi không nuôi được, nhưng nhãn này nó đeo, không bỏ quả nào, nên tôi phải tỉa. Một cây tôi xác định để 1 tạ, từ đó phải tính để bao nhiêu chùm cho đủ 1 tạ, nếu để quá thì quả sẽ không to, không bán được đầu vụ và giá thành cũng không được cao" - anh Dương chia sẻ.
Sau hơn 6 năm ghép những mắt giống đầu tiên của nhãn chín sớm với cây nhãn truyền thống sẵn có ở địa phương, đến nay, toàn bộ 13 ha nhãn của HTX do anh chủ nhiệm đều đã chuyển thành nhãn chín sớm. Vụ nhãn năm 2022 này, với giá bán ổn định từ 30.000 - 40.000 đồng/cân, anh và nhiều thành viên trong HTX đã thu hàng tỷ đồng.
Toàn tỉnh Sơn La hiện có hơn 28.300 hộ nông dân SXKD giỏi các cấp. (Ảnh: Anh Phạm Văn Dương, Giám đốc HTX nhãn chín sớm Bảo Dương, Sông Mã, Sơn La)
Anh Dương cho biết thêm: "Cây này khi đã đậu quả bắt buộc phải có nước cho đến gần lúc thu hoạch để bán. Cây nhãn miền có thể 1 tháng không có nước vẫn chịu được hạn, nhưng nhãn chín sớm trong vòng 1 tháng mà khô hạn, không có nước tưới thì quả nó sẽ dừng, không lớn. Về ủ mầm hoa thì cây nhãn sớm nó ủ dài hơn nhãn chính vụ 10 ngày; nhãn kia ủ mầm hoa chỉ từ 25 - 30 ngày, nhưng nhãn chín sớm phải từ 30 – 35 ngày".
Anh Việt, anh Dương chỉ là 2 trong số hàng nghìn nông dân Sơn La “đổi đời” nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Theo ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, địa phương hiện đã có khoảng 30% nông dân sống được từ trồng hoa quả; trong đó, rất nhiều hộ gia đình mỗi năm có mức thu nhập từ 200 triệu trở lên; số có mức thu hàng tỷ đồng mỗi năm cũng không còn là hiếm.
"Chúng ta thấy xoài, nhãn, hay cá biệt là na đều đã cho các hộ dân thu nhập trên một diện tích canh tác từ 200 - 300 triệu đông, cá biệt là na trên 1 tỷ đồng. Điều này khẳng định hiệu ứng trong việc tổ chức thực hiện và những kết quả đạt được đã góp phần cho sự tăng trưởng trong sản xuất; đồng thời góp phần nâng cao thu nhập của người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trên chính mảnh đất của mình" - ông Công cho biết.
Thống kê trong năm 2022, toàn tỉnh Sơn La có hơn 28.300 hộ nông dân SXKD giỏi các cấp; trong đó có 188 hộ SXKD giỏi Trung ương, hơn 1.200 hộ SXKD giỏi cấp tỉnh, còn lại là hộ nông dân SXKD giỏi cấp huyện và cấp xã.
Các hộ SXKD giỏi các cấp đã tạo việc làm cho hơn 12.000 lao động; giúp đỡ vốn, giống cây trồng, vật nuôi và kinh nghiệm sản xuất cho các hộ nghèo. Nhờ vậy, hàng năm, toàn tỉnh có hơn 1.000 hộ nông dân thoát nghèo.
Những con số vừa đề cập là minh chứng rõ nét về hiệu quả của sự mạnh dạn thay đổi trong tư duy sản xuất của người nông dân Sơn La, cùng chủ trương phát huy các thế mạnh của một vùng đồi núi, đất dốc trong phát triển nông nghiệp bền vững của địa phương này.
GS – TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong buổi hội thảo khoa học “Phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La trong bối cảnh mới” tổ chức tại Sơn La gần đây đã nhấn mạnh: Việc triển khai đưa cây ăn quả lên sườn dốc thực sự là cách làm đột phá, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của Sơn La, giúp người nông dân nơi đây có cơ hội “đổi đời”.
Theo GS – TS Nguyễn Xuân Thắng: "Sơn La là thực tiễn rất sinh động trong việc triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Ban chấp hành TW. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sơn La đã đổi mới tư duy và có những cách làm sáng tạo trong phát triển nông nghiệp, trở thành điểm sáng của cả nước.
Với sự cố gắng bền bỉ, nỗ lực tìm kiếm hướng đi mới, trong một thời gian không dài, nền nông nghiệp Sơn La đã phát triển toàn diện, đạt được nhiều thành tựu nổi bật; thu nhập bình quân đầu người đã đạt 45,2 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo từ 60-70% mà giảm xuống hiện còn hơn 10% thì thực sự là những thành tựu rất ngoạn mục".
Không chỉ giúp những người nông dân đơn lẻ trở thành triệu phú, tỷ phú, từ chủ trương chuyển đổi mạnh mẽ kinh tế nông nghiệp, trọng tâm là chuyển đổi trồng cây ăn quả trên đất dốc cho hiệu quả kinh tế cao hơn; xác định người nông dân là chủ thể, giải pháp được tỉnh Sơn La đẩy mạnh là thực hiện quan hệ sản xuất theo kiểu mới là thành lập các HTX nông nghiệp.
Từ đây, nông dân Sơn La có cơ hội bước tới một nấc thang mới là làm chủ HTX, điều rất mới ở địa phương này. Đây sẽ là nội dung trong bài thứ 2 của loại bài "Nghị quyết về ‘tam nông’: Bài học thực tiễn từ Sơn La", mời quý vị và các bạn cùng đón đọc./.