Đường làng khang trang nhờ sáng kiến lạ
Làng Trinh Tiết (xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) nằm bên dòng sông Đáy thơ mộng, hiền hòa là nơi sinh ra các thiếu nữ xinh đẹp, trong trắng, lại khéo may vá, thêu thùa nên gái làng rất có “giá”. Thời kỳ phong kiến, không ít người được tuyển chọn vào cung làm phi tần. Nhiều chàng trai nghe tiếng đồn, lặn lội đến đây hỏi vợ.
Làng Trinh Tiết nằm bên bờ của con sông Đáy thơ mộng, nước chảy hiền hòa
Thế nhưng từ ngày xưa, làng có một quy ước đó là, con gái khi xuất giá phải góp cho làng 200 viên gạch để lát đường làng. Nhà gái không lo được thì nhà trai có trách nhiệm giúp đỡ thì mới được cưới hỏi, rước dâu.
Chia sẻ về tục góp gạch trước khi xuất giá của các thiếu nữ, ông Bùi Văn Thái – Trưởng thôn Trinh Tiết kể, tục này đã có từ lâu đời và tồn tại hàng trăm năm.
Xưa kia, làng Trinh Tiết nằm trong vùng chiêm trũng. Mùa mưa đường sình lầy, đi lại khó khăn. Dân làng lấy thân cây tre đập nhỏ ra, buộc lại thành tấm ván trải ra đường nhưng lối đi vẫn nhớp nháp bùn đất.
Ông Bùi Văn Thái – Trưởng thôn Trinh Tiết
Năm nào trai tráng trong làng cũng phải đào đất lấp đường thế nhưng chỉ vài tháng đường lại lầy lội. Các vị cao niên trong làng mới họp bàn và vận động người dân trong thôn đóng góp gạch làm đường nhưng không hiệu quả.
Một lần, trong cuộc họp dân tại đình làng, có người đưa ra ý kiến: “Cô gái nào lấy chồng xa phải đóng 2 mâm đồng để làng làm cỗ. Ai lấy chồng gần thì nộp 200 gạch lát đường. Nếu nhà gái không lo đủ, nhà trai có trách nhiệm lo giúp. Bao giờ nộp đủ gạch, lễ cưới mới được diễn ra”.
Mọi người thấy đây là một ý kiến hay, nhất loạt đồng ý. Và thế là quy định này được đưa vào khế ước của làng. Cứ thế, việc góp gạch trước khi xuất giá của con gái trong làng được truyền qua nhiều thế hệ và trở thành tục lệ.
Đường làng Trinh Tiết ngày nay đã được trải nhựa, bê tông phẳng lì
Trải qua hàng trăm năm, các con đường, ngõ xóm ở làng Trinh Tiết đã được lát gạch phẳng phiu, mùa mưa đi không còn lo trơn trượt. Mãi đến những năm 1945-1950, tục lệ này mới kết thúc.
Những con đường lát gạch ngày xưa giờ cũng chỉ còn trong hoài niệm của người dân bởi nó đã được thay thế hoàn toàn bằng đường bê tông, đường nhựa.
“Chúng tôi cũng tiếc nuối lắm nhưng đường gạch ngày xưa chỉ rộng có 1m2, giờ ô tô đi nhiều nên đã hư hỏng phần nào. Thêm nữa, do chương trình Nông thôn mới nên đường làng ngõ xóm trong thôn đã được bê tông hóa hết”, ông Thái tâm sự.
Ngôi làng của những người phụ nữ thủ tiết thờ chồng
Con gái làng Trinh Tiết không chỉ nổi tiếng là xinh đẹp, dịu dàng và khéo tay mà còn được ca tụng ở đức hạnh, thủy chung tình vợ chồng. Bà Trần Thị Thanh - mẹ Thành hoàng làng Nguyễn Đức Bảo, một mực thủ tiết thờ chồng, nuôi con thành tướng tài đã trở thành một tấm gương mà nhiều người phụ nữ trong làng noi theo.
Chẳng thế mà từ xa xưa, trải qua những năm tháng chiến tranh đau thương, nhiều người vợ ở làng Trinh Tiết có chồng hy sinh nơi chiến trường vẫn giữ tiết hạnh, không đi bước nữa.
Trưởng thôn Bùi Văn Thái chia sẻ: “Không có quy định nào cấm người dân trong thôn đi bước nữa cả, mà nó như là một điều đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người. Tất cả là họ tự nguyện, tự bản thân họ không muốn tái hôn dù có nhiều người theo đuổi”.
Những người phụ nữ Trinh Tiết xưa nổi tiếng đức hạnh, thủ tiết thờ chồng
Ông Thái liệt kê một danh sách những người phụ nữ trong thôn góa chồng và cho biết nhiều người trong đó chồng mất khi họ còn rất trẻ, có khi chỉ mới mười tám, đôi mươi nhưng họ vẫn một mực thủy chung thờ chồng, nuôi con. Sự thủy chung ấy như một niềm kiêu hãnh với những người phụ nữ xưa ở làng Trinh Tiết.
Ngày nay, ở xã hội hiện đại, cuộc sống năng động có nhiều đổi thay. Những phong tục, tập quán ở làng Trinh Tiết vẫn được những người dân trong thôn gìn giữ nhưng không còn “sao chép” từ đời này sang đời khác. Chuyện yêu đương, hôn nhân của giới trẻ bây giờ đã “thoáng”.
“Các cháu trẻ bây giờ yêu đương tự do, có bầu trước cũng chả sao, chồng mất lấy chồng khác cũng chả ai trách, cốt làm sao sống với nhau thật lòng và có trách nhiệm là được”, ông Thái nói.