Theo ông Phan Duy Hưng, hồ sơ tín nhiệm ngành chứng khoán 9 tháng đầu năm đã cải thiện nhờ tăng trưởng lợi nhuận đầu tư, cho vay ký quỹ (margin), và các đợt tăng vốn lớn.
Trong thời gian vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có khá nhiều biến động. Thị trường tăng mạnh trong ba tháng đầu năm, nhưng xuất hiện những điều chỉnh gần đây về điểm số cũng như thanh khoản, khi nhà đầu tư lo ngại về vấn đề tỷ giá ở trong và ngoài nước. Điều này đã ảnh hướng đến tình hình kinh doanh của các công ty chứng khoán (CTCK) trong 9 tháng đầu năm.
Với góc nhìn của đơn vị xếp hạng tín nghiệm, VIS Rating cho rằng hồ sơ tín nhiệm của ngành chứng khoán đã có sự cải thiện, nhờ vào tăng trưởng của hoạt động kinh doanh chính là cho vay margin cũng như lợi nhuận hoạt động đầu tư (tự doanh), được dẫn dắt bởi các đơn vị quy mô lớn (top 10 tổng tài sản của ngành).
Về khung xếp hạng, VIS Rating sẽ đánh giá trên 4 chỉ tiêu chính. Đó là khả năng sinh lời, rủi ro tài sản, tỷ lệ đòn bẩy, rủi ro thanh khoản.
Đầu tiên, về khả năng sinh lời. Trong giai đoạn quý II và quý III thị trường có xuất hiện nhịp điều chỉnh. Tuy vậy, tổng tài sản các CTCK quy mô lớn vẫn tăng trưởng mạnh so sánh với các công ty quy mô vừa và nhỏ. Điều này đến từ hai cấu phần chính, tăng trưởng lợi nhuận vay margin và tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động đầu tư fixed-income (tài sản sinh lợi cố định như trái phiếu, tiền gửi).
Với cho vay margin, những công ty quy mô lớn có những tệp khách hàng lớn, cũng như khả năng tiếp cận vốn lớn từ ngân hàng, từ đó có thể mở rộng quy mô doanh mục cho vay margin nhanh hơn các nhóm còn lại, đẩy mạnh được lợi nhuận của hoạt động cho vay margin.
Ngoài ra, một điểm quan trọng khi so sánh giữa nhóm công ty quy mô lớn với nhóm vừa và nhỏ là cơ cấu lợi nhuận của hoạt động đầu tư fixed-income.
Lợi nhuận của hoạt động đầu tư fixed-income chiếm tỷ trọng cao hơn đối với các công ty quy mô lớn. Chính vì vậy, khi thị trường có những điều chỉnh như trong giai đoạn vừa qua, CTCK lớn nó có thể tăng trưởng lợi nhuận của hoạt động này; ngược lại, CTCK quy mô vừa và nhỏ đầu tư cổ phiếu nhiều hơn dễ bị giảm tăng trưởng lợi nhuận.
Đi sâu hơn về nhóm CTCK lớn đầu tư vào mảng fixed-income, chuyên gia VIS Rating chia thành hai nhóm chính. Nhóm thứ nhất tập trung đầu tư vào các sản phẩm về trái phiếu của ngân hàng hoặc chứng chỉ tiền gửi của ngân hàng. Bản chất là những công ty này sẽ tận dụng những nguồn vốn vay của ngân hàng với lãi suất thấp, tận dụng chệnh lệch lãi suất trên thị trường 1 và 2 để có thể thu được lợi nhuận ổn định.
Nhóm thứ hai tập trung đầu tư vào mảng trái phiếu doanh nghiệp và bán lẻ. Nhóm này đa phần có sự liên kết với ngân hàng, tận dụng lợi thế về khách hàng bán lẻ của ngân hàng để có thể từ đó phân phối trái phiếu cho khách hàng. Trong giai đoạn 9 tháng vừa qua, sau đợt khủng hoảng trái phiếu hạ nhiệt, nhu cầu đầu tư của các đầu tư cá nhân đối với sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp cũng đang cải thiện. Điều này hỗ trợ cho hoạt động của các CTCK nhóm này.
Theo ông Phan Duy Hưng quan sát, quy mô đầu tư các tài sản rủi ro của CTCK bao gồm là các sản phẩm đầu tư về cổ phiếu chưa niêm yết, những khoản cho vay quá hạn hoặc những khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, khoản cam kết mua lại từ khách hàng. Những rủi ro tài sản này đang dần được giảm đi.
Tỷ lệ trái phiếu chậm trả gốc, lãi phát sinh mới đã giảm mạnh. Như trong báo cáo về thị trường trái phiếu mới đây của VIS Rating, trong 10 tháng đầu năm trái phiếu chậm trả phát sinh mới ở mức khoảng gần 17.000 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn của cả năm 2023 là khoảng gần 140.000 tỷ đồng. Điều này giúp giảm rủi ro của việc nằm giữ trái phiếu của các CTCK.
Nghị định 08 ban hành năm 2023 đã cho phép các tổ chức phát hành có thêm thời gian để thu xếp dòng tiền cũng như là những cải thiện về môi trường kinh doanh, giúp họ có thể có được dòng tiền để trả cho trái chủ.
Nhìn chung, rủi ro về thanh toán trái phiếu của các CTCK đang được giảm đi. Tuy nhiên trong thời gian gần đây VIS Rating nhận thấy rủi ro về cho vay margin.
Việc tăng cho vay margin của các khách hàng có thể đem rủi ro cho các CTCK. Giai đoạn quý III thanh khoản thị trường giảm 20% so với quý II, trong khi CTCK vẫn tiếp tục tăng trưởng margin mạnh, dẫn tới rủi ro cho CTCK khi thị trường gặp sự điều chỉnh. Ví dụ như trong giai đoạn năm 2022, rất nhiều CTCK gặp một khoản nợ xấu do phải liên kết tài sản đảm bảo liên quan đến khoản margin này. Đây là rủi ro VIS Rating sẽ tiếp tục theo dõi trong thời gian tiếp theo.
Chia sẻ tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025, vị chuyên gia cũng nhận thấy trong năm vừa qua có một xu hướng lớn với ngành chứng khoán là tăng vốn. Các đợt tăng vốn lớn trong năm nay góp phần tăng thêm vốn cho các CTCK, cũng như nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh chính liên quan đến cho vay margin, cũng như là hoạt động đầu tư cổ phiếu, fixed-income.
Trong giai đoạn 9 tháng đầu năm, tổng kế hoạch tăng vốn của các CTCK đạt hơn 50.000 tỷ đồng, gấp ba lần so với cả năm 2023. Với nhóm quy mô lớn, điều này giúp đón đầu câu chuyện thị trường có thể ngân hạng rong thời gian tới, cũng như là có thể là tăng thêm nguồn lực để đẩy mạnh cho hoạt động kinh doanh cốt lõi. Việc tăng vốn mới cũng giúp kiểm soát tỷ lệ cho vay margin dưới mức 200% trên vốn chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, cũng thực hiện kế hoạch tăng vốn tương đối lớn là nhóm liên quan đến ngân hàng. Chiến lược của các ngân hàng mẹ là muốn đẩy mạng lĩnh vực dịch vụ chứng khoán, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ.
Với kế hoạch tăng vốn lớn nêu trên, về cơ bản, rủi ro kết quả của các CTCK cũng được kiểm soát rất tốt.
Tuy nhiên, tại một số đơn vị cụ thể, ông Hưng nhận thấy rủi ro khi phụ thuộc vào nguồn vốn vay từ các khách hàng cá nhân và các khách hàng tổ chức. Cấu trúc vốn của CTCK đa phần sẽ phụ thuộc vào nguồn vốn vay với hạng mức của các ngân hàng, chủ yếu là các ngân hàng quốc doanh.
Với CTCK ít có hạn mức từ ngân hàng sẽ phụ thuộc nguồn vốn từ khách hàng cá nhân. Điều này dẫn đến rủi ro khi thị trường gặp diễn biến bất lợi, từ đó, CTCK có thể gặp khó khăn về thanh khoản.