Chứng khoán thấp thỏm tỉ giá
* Ông Trương Thái Đạt - giám đốc Trung tâm phân tích chứng khoán DSC:
- Tỉ giá tăng "chóng mặt" sau chuỗi ngày điều chỉnh, nguyên nhân do chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND lên đến -3%, nhu cầu nhập khẩu phục hồi cuối năm. Kho bạc Nhà nước chào mua ngoại tệ để thanh toán trái phiếu quốc tế đáo hạn (quy mô 1 tỉ USD, lãi suất cố định 4,8% kỳ hạn 10 năm)… khiến nguồn cung ngoại tệ thâm hụt cục bộ ngắn hạn.
Ngân hàng Nhà nước đã bán ngoại tệ để giảm bớt sức ép trên hệ thống. Thông tư 46 về việc quy định mức lãi suất tiền gửi bằng USD áp dụng từ 20-11-2024 cũng sẽ hỗ trợ giảm bớt áp lực rút ròng ngoại tệ, đặc biệt là dòng vốn đầu tư gián tiếp.
Nhìn chung, lực tỉ giá có thể chỉ diễn ra ngắn hạn. Thực tế, dòng vốn đầu tư rút ròng đã thu hẹp, giảm mạnh so với bảng cán cân thanh toán quý 2, nguồn cung ngoại tệ được đảm bảo qua do thặng dư thương mại, vốn FDI, khách quốc tế.
Phần lớn doanh nghiệp xuất nhập khẩu ghi nhận doanh thu tài chính từ ngoại tệ cao trong quý 3 năm nay, điều này phản ánh việc găm giữ tỉ giá đã không còn lớn.
DSC cũng cho rằng bầu cử tổng thống Mỹ không phải là yếu tố tác động trực tiếp lên diễn biến tỉ giá trong nước và kế hoạch chính sách điều hành hiện tại của ông Trump không làm tăng đáng kể xu hướng sức mạnh của chỉ số đồng USD (DXY).
Song biến động tỉ giá khiến hoạt động trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng sôi động trở lại. Lãi suất liên ngân hàng tạo đỉnh mới, đạt 6,08% vào ngày 5-11.
Tình trạng thiếu hụt thanh khoản diễn ra ngay sau khi NHNN can thiệp ngoại tệ giao ngay và phát hành tín phiếu gấp rút với quy mô 89.000 tỉ đồng sau 10 ngày. Ngoài ra điều này cũng khiến cho dư địa của NHNN trong việc điều chỉnh lãi suất chính sách bị thu hẹp.
Tỉ giá căng, khối ngoại bán ròng, cổ phiếu nào lo ngại?
* Ông Đoàn Minh Tuấn - trưởng phòng nghiên cứu và đầu tư FIDT:
- Kết tuần, VN-Index chạm 1.252 điểm. Chỉ số phản ánh hai sự kiện toàn cầu quan trọng: bầu cử Mỹ và cuộc họp Fed.
Theo xu hướng thị trường chứng khoán toàn cầu vượt đỉnh chào mừng tân tổng thống Mỹ, chứng khoán Việt Nam cũng hưởng lợi. Tuy nhiên, đà hồi phục VN-Index chỉ diễn ra ngắn ngủi với áp lực bán ròng rất mạnh từ khối ngoại do dòng vốn bị hút ròng quay trở về thị trường Mỹ.
Khối lượng giao dịch duy trì mức rất thấp, khi thị trường cần thời gian để đánh giá ảnh hưởng từ bầu cử tổng thống Mỹ.
Chúng tôi cho rằng khối lượng giao dịch thấp ở thời điểm tâm lý dòng tiền chưa ổn định là phù hợp.
Khối lượng giao dịch thấp cũng cho thấy lượng cung cổ phiếu từ cá nhân đã giảm đáng kể, thị trường chung khó có kịch bản giảm sâu.
Điểm tích cực ở thời điểm hiện tại là thông tin vĩ mô trọng yếu đã xảy ra và đã phản ánh. Áp lực đến thị trường còn lại chỉ một số yếu tố, có thể gây ra sự phân hóa trong ngắn hạn.
Cụ thể, áp lực từ DXY và lãi suất USD vùng cao sẽ khiến dòng tiền khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh tay ngắn hạn. Đây là yếu tố tiêu cực đối với các nhóm bị bán ròng ngắn hạn như ngân hàng, nhóm Vin (VIC - VHM - VRE), MSN và MWG...
Ngoài ra, các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tiêu cực trong quý 3 sẽ tiếp tục phản ánh xu hướng không tốt. Dòng tiền trên thị trường yếu sẽ càng làm tình trạng phân hóa theo kết quả kinh doanh diễn ra mạnh hơn.
Chờ tỉ giá hạ nhiệt, ngóng tác động từ chính sách tân tổng thống Mỹ
* Ông Đinh Quang Hinh - trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường - khối phân tích chứng khoán VNDirect:
- Thị trường trải qua thêm một tuần giao dịch giằng co khi nhà đầu tư duy trì sự thận trọng.
Sự hứng khởi của thị trường trong nước sau khi đón nhận thông tin ông Trump thắng cử nhiệm kỳ tới sau đó lại chuyển thành sự hoài nghi về tác động của những chính sách kinh tế sắp tới đối với quan hệ thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Việt Nam dù còn quá sớm để đánh giá những tác động chi tiết...
Trong khi việc Fed cắt giảm lãi suất điều hành thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp vừa diễn ra đã được thị trường phản ánh từ trước.
Bước sang tuần giao dịch tới, thị trường sẽ tiếp tục giao dịch giằng co khi chưa xuất hiện những thông tin hỗ trợ đủ mạnh.
Nhà đầu tư đang chờ đợi tín hiệu hạ nhiệt của tỉ giá cũng như những động thái điều hành tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước để đánh giá tình hình.