Thời sự

Chuyên gia: "Sức ép tỷ giá hạ nhiệt, VND khó có thể mất giá nhiều trong năm 2023"

Theo báo cáo từ Công ty Chứng khoán SSI, lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được các chuyên gia kỳ vọng ở mức 5,25%, tức là còn ba lần tăng lãi suất nữa trong năm nay (tăng thêm 75 điểm cơ bản).

Việc Fed được dự báo tiếp tục tăng lãi suất khiến đồng USD có dấu hiệu tăng giá, khi chỉ số DXY tăng 0,7% trong khi các đồng tiền chủ chốt đều mất giá so với USD như EUR -1,08%, JPY -0,13%,…

Tại thị trường trong nước, áp lực từ thị trường quốc tế và nguồn cung ngoại tệ chậm lại đã khiến tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá chợ đen và tỷ giá liên ngân hàng bật tăng gần đây.

 Tính đến ngày 31/1, tỷ giá USD/VND đã tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2022. (Nguồn: SSI).

Tính đến ngày 31/1, tỷ giá trung tâm tăng 3,2% so với cùng tháng 1/2022, trong khi USD Index đã tăng đến 5,9%. Điều này cho thấy, tỷ giá vẫn nằm trong tầm kiểm soát bởi VND.

Năm 2022, có thời điểm VND từng mất giá đến 9,17% so với USD và nhanh chóng thu hẹp khoảng cách chỉ còn mất giá 3,8% tính đến ngày 27/12/2022.

Báo cáo từ Công ty Chứng khoán BSC cũng chỉ ra rằng, giá trị đồng USD bắt đầu giảm kể từ tháng 11/2022 khi lạm phát tại Mỹ liên tục cho thấy sự hạ nhiệt, FED giảm dần mức độ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Bước sang năm 2023, giá trị đồng VND tiếp tục tăng trong tháng 1/2023, trong khi Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu mua vào ngoại tệ. Tính riêng trong tháng 1, SBV đã mua thêm 2,78 tỷ USD nâng mức dự trữ ngoại hối hiện tại đạt khoảng 91,78 tỷ USD.

Tỷ giá USD/VND từng biến động rất mạnh vào quý IV/2022 và nhanh chóng hạ nhiệt. (Nguồn: SSI).

Lãi suất cao, VND đang khá hấp dẫn

Nhận định về vấn đề tỷ giá trong năm 2023,PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho rằng, đồng Việt Nam đang khá hấp dẫn và khó có khả năng mất giá nhiều nữa.

Ông Thế Anh đánh giá, chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ đang tương đối lớn, nếu so sánh với các nước khác, lãi suất của Việt Nam cũng cao hơn khá nhiều. Trong khi đó, đồng Việt Nam lại mất giá kha khá kể từ đầu năm 2022 đến nay. 

Theo chuyên gia, lãi suất của Mỹ sẽ quay đầu giảm trong năm 2023, trên đường giảm nó có thể “gập ghềnh” hoặc chậm lại đôi chút nhưng đến tháng 5/2023, lạm phát yoy của Mỹ sẽ rơi xuống khoảng 3,5% làm giảm khả năng tăng lãi suất của Fed.

Trong kịch bản xấu, Fed có thể phải tăng lãi suất một lần nữa vào tháng 3 và mức tăng chỉ khoảng 0,25% còn kỳ họp tháng 5 có thể họ sẽ dừng tăng lãi suất. Từ đó, sức ép lên tỷ giá của Việt Nam còn rất ít.

 (Đồ hoạ: Hạ An).

Cán cân thương mại dễ duy trì thặng dư

Một yếu tố nữa giúp tỷ giá không quá biến động trong năm 2023 là mặc dù xuất khẩu giảm nhưng cán cân thương mại của Việt Nam trong năm nay vẫn có thể duy trì thặng dư.

Bản chất là Việt Nam xuất khẩu nhiều nhưng nhập khẩu cũng không kém. Khi tiêu dùng yếu đi, tăng trưởng chậm lại, kim ngạch nhập khẩu sẽ giảm nhanh chóng, chuyên gia Phạm Thế Anh chỉ ra.

"Nhìn lại lịch sử, trong những năm Việt Nam gặp khó về kinh tế duy trì thặng dư thương mại dễ dàng hơn những năm tăng trưởng cao. Do đó, không đáng lo ngại về việc thâm hụt thương mại ảnh hưởng đến tỷ giá", ông Thế Anh nói.

Dự báo tỷ giá không biến động mạnh trong năm 2023, song theo chuyên gia Phạm Thế Anh, với bối cảnh thế giới, cần quan tâm đến suy giảm kinh tế của Mỹ và EU, hai khu vực này hiện đang chiếm 42-43% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Việc tăng trưởng chậm lại ở khu vực này và có thể suy thoái ở châu Âu có thể dẫn tới giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay có thể suy giảm.

Đối với đầu tư nước ngoài, hai khu vực Mỹ và EU chiếm tỷ trọng đầu tư trực tiếp FDI rất thấp, chỉ chiếm khoảng 10% tổng vốn FDI ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi các nhà đầu tư FDI vào Việt Nam, họ đều hướng đến việc xuất khẩu và nếu các thị trường xuất khẩu gặp khó, dòng vốn đầu tư từ các nước khác vào Việt Nam có thể giảm.

Nhưng xu hướng này chỉ diễn ra trong ngắn hạn còn về dài hạn thì Việt Nam vẫn đang là “điểm sáng” trong thu hút đầu tư nhờ các ưu thế về FTA, lao động giá rẻ, dịch chuyển dòng vốn trên các thị trường đầu tư trên thế giới.

"Ảnh hưởng của xuất khẩu có thể diễn ra vào các nhóm hàng không thiết yếu hoặc các mặt hàng vật liệu xây dựng. Bởi khi các nước tăng lãi suất sẽ khiến có số công trình khởi công giảm mạnh", ông Thế Anh nhận định.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm