Thời sự

Chuyên gia: Nhiều lý do để ông Trump không lấy Việt Nam làm trọng tâm đánh thuế

Tại Toạ đàm Data Talk số đầu năm 2025 với chủ đề "Bản đồ tài sản 2025 - Chiến lược từ các quỹ lớn" do Vietnambiz tổ chức chiều ngày 9/1, các chuyên gia đã có những chia sẻ về những tác động của việc ông Trump version 2 với các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đồng thời đưa ra những nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam 2025.

Rủi ro của Trump 2.0 với Việt Nam đang bị 'thổi phồng'?

Chia sẻ tại toạ đàm, ông Đinh Đức Minh, Giám đốc đầu tư, Nhà điều hành quỹ VinaCapital cho rằng, sẽ có những ảnh hưởng nhất định từ các chính sách của Tổng thống Trump đến Việt Nam khi ông chính thức bước vào Nhà Trắng trong vài tuần tới nhưng cũng không cần quá lo lắng bởi nước ta có vai trò rất quan trọng đối với mục tiêu cả về kinh tế và chính trị của Mỹ.

"Vào tháng 9/2023, quan hệ Việt - Mỹ đã được nâng lên thành Đối tác Chiến lược toàn diện, mức cao nhất trong quan hệ ngoại giao cho thấy vai trò quan trọng của Việt Nam", ông Minh nói.

Ông Đinh Đức Minh, Giám đốc đầu tư, Nhà điều hành quỹ VinaCapital. (Ảnh: Chụp màn hình từ toạ đàm).

Liên quan đến những rủi ro với Việt Nam, ông cho biết xu hướng của Tổng thống Trump là đưa sản xuất về Mỹ và tạo công ăn việc làm cho lao động người Mỹ. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu hàng hoá xuất khẩu Việt Nam, việc chuyển những mặt hàng này về Mỹ sản xuất là không khả thi và không tạo hiệu quả.

Vì vậy, việc đánh thuế cao đối với Việt Nam vừa không phải mục tiêu chính trị, vừa không thể giải quyết bài toán kinh tế với những kế hoạch Tổng thống Trump đặt ra, chuyên gia từ VinaCapital nhận định. 

Thêm nữa, sau khi Tổng thống Trump đắc cử, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ vẫn cao, chứng tỏ nền kinh tế Mỹ ổn định, thu nhập của người dân vẫn ở mức cao. Dự báo nhu cầu về tiêu dùng, hàng hoá với những sản phẩm Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ vẫn sẽ ổn định trong năm 2025, mặc dù mức tăng trưởng có thể không cao bằng năm 2024.

Trung Quốc hay Mexico có thể sẽ là mục tiêu cao hơn đối với Tổng thống Trump. Thậm chí nếu các quốc gia đều bị đánh thuế, nhiều khả năng Việt Nam sẽ được áp mức thuế thấp hơn hoặc không phải toàn bộ sản phẩm hàng hoá đều bị đánh thuế. "Việt Nam vẫn có lợi thế nhất định”, ông Minh nhận định.

Đánh giá nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump sẽ là yếu tố quan trọng tác động đến thị trường năm 2025, bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ Manulife Investment Việt Nam, cho rằng những tác động này không lớn như các nhà đầu tư đang nhận thấy.

Bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ Manulife Investment Việt Nam. (Ảnh: Chụp màn hình từ toạ đàm).

Dù Tổng thống Trump áp thuế 60% cho Trung Quốc và 10 - 20% thì Việt Nam vẫn có lợi thế trong xuất khẩu. Như trong phân tích của Công ty Chứng khoán TP HCM, trong năm 2018, ông Trump đã áp thuế cho hàng thép nhập khẩu vào thị trường Mỹ với mức thuế suất lên đến 50% cho mặt hàng thép từ Trung Quốc và 25% từ các nước khác, bà Thảo dẫn chứng.

Tuy nhiên, trong giai đoạn từ 2018 - 2023, xuất khẩu thép của Việt Nam sang Mỹ không bị giảm thị phần mà còn tăng 0,2%. Do đó, có thể kỳ vọng những sách của ông Trump sẽ không lấy Việt Nam làm trọng tâm.

Xét về cơ hội, bà Thảo cho biết, nếu Trung Quốc là trọng tâm trong chính sách của Tổng thống Trump thì Việt Nam có thể có khả năng hưởng lợi từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam như đã từng thấy trong nhiệm kỳ đầu của ông.

Thống kê đến tháng 12/2024, đã có khoảng 20 tập đoàn bán dẫn đến Việt Nam, lên kế hoạch cho khoảng 13 dự án với số vốn cam kết lên khoảng 15 tỷ USD. Đây là một tín hiệu tốt vì từ đó có thể kỳ vọng có một đợt dịch chuyển về chuỗi cung ứng, sản xuất và đặc biệt là những sản phẩm, nhà máy công nghệ cao sang Việt Nam, bà Thảo nhận định. 

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank. (Ảnh: Chụp màn hình từ toạ đàm).

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) phân tích, ngay bản thân Trump cũng thừa nhận thuế quan là công cụ để đàm phán.

Ví dụ điển hình được ông Linh đưa ra là trong nhiệm kỳ đầu tiên từ 2017 - 2020, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã lập tức rút khỏi đàm phán hiệp định thương mại TPP sau 10 năm chính quyền Mỹ theo đuổi, với lý do được công khai là ông muốn đàm phán song phương thay vì đa phương để tối ưu hoá lợi ích của Mỹ.

Tuy nhiên, ông Linh nhận định, ông Trump hoàn toàn không muốn đánh thuế toàn diện lên các quốc khác vì kinh tế Mỹ là nền kinh tế tiêu dùng. Nếu Trump đánh thuế toàn diện, chắc chắn người tiêu dùng Mỹ bị ảnh hưởng đầu tiên và không loại trừ khả năng đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái - là điều không vị Tổng thống nào muốn xảy ra.

Đối với sản xuất, ông Linh cho rằng Tổng thống Trump chỉ muốn kéo về Mỹ những ngành mang tính chiến lược hoặc những ngành mang tính biểu tượng của kinh tế Mỹ như: Bán dẫn, sản xuất hàng điện tử hay sắt thép và ô tô.

“Mỹ không muốn cũng như không thể nào sản xuất mọi loại hàng hoá mình cần, vì vậy, Mỹ cần đối tác cung ứng hàng hoá và Việt Nam là một trong số đó”, ông Linh khẳng định.

Trong số các quốc gia có thể thay thế cho Trung Quốc và tiếp tục gia tăng ở Mỹ, VCBF đã so sánh lợi thế cạnh tranh của Việt Nam với các nước như Indonesia hay Ấn Độ và nhận thấy Việt Nam có thể thua về quy mô dân số nhưng có lợi thế hơn về tay nghề, lao động, hiệu của của người lao động và đặc biệt về chuỗi cung ứng.

Cụ thể, về chuỗi cung ứng cho sản xuất và lắp ráp điện tử, công nghệ, Việt Nam đã có 15 năm kinh nghiệm từ khi nhà máy đầu tiên của Samsung tại Việt Nam hoạt động.

“Trong dài hạn tôi tin xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ cũng như toàn cầu sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thận trọng rằng Trump hay có những lời nói và phát ngôn mang tính cứng rắn trên mạng xã hội. Mặc dù ông có thể không thực sự làm nhưng điều này sẽ gây tác động tâm lý rất tiêu cực đến thị trường trong ngắn hạn”, ông Linh lưu ý.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm