Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục ghi nhận một tuần giao dịch ảm đạm. Sau 5 phiên giao dịch, VN-Index điều chỉnh khá mạnh trong phiên cuối tuần, lui về sát mốc 1.200 điểm. Tâm điểm tuần xoay quanh sự kiện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lần thứ 3 liên tiếp nâng lãi suất thêm 0,75%, đồng thời phát tín hiệu sẽ tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất đến năm 2024 để kiềm chế lạm phát. Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã quyết định tăng 100 điểm cơ bản đối với một loạt các lãi suất điều hành chủ chốt.
Thanh khoản gần như "mất hút" trước những thông tin vĩ mô khó lường. Giá trị giao dịch trung bình chỉ đạt hơn 14.000 tỷ đồng/phiên, riêng khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HoSE cũng chỉ đạt hơn 450 triệu cổ phiếu/phiên, giảm hơn 4% so với tuần giao dịch trước cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang khá thận trọng.
Nhận định về diễn biến thị trường, ông Đặng Duy Việt, Chuyên gia cao cấp Chứng khoán MBS cho rằng thị trường đang kiểm nghiệm vùng điểm 1.200. Nhà đầu tư cần theo dõi phản ứng của thị trường tại mốc điểm này, bởi đây là hỗ trợ quan trọng cho thị trường.
Nếu chỉ số tuần sau để mất vùng 1.200 thì nên cân nhắc bán ra, bởi khi thị trường mất ngưỡng hỗ trợ tâm lý quan trọng thì tâm lý nhà đầu tư thường hoảng loạn và bán ra rất nhanh. Trong kịch bản tích cực nhất, VN-Index có thể tiếp tục tích luỹ trong vùng 1.200 - 1.230 điểm. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng khả năng cao tuần tới thị trường còn có một nhịp giảm nữa về vùng 1.165 - 1.180 điểm.
Bình luận về về bối cảnh vĩ mô, ông Hoàng Công Tuấn- Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MBS đánh giá, việc NHNN tăng lãi suất không tác động quá nhiều đến nền kinh tế. Thực tế, trước đó lãi suất huy động của các hệ thống NHNN thương mại đã có xu hướng tăng dần từ đầu năm. Những động thái trước đó của NHNN như hút bớt tiền VND ra khỏi hệ thống, đồng thời hạn chế tăng trưởng tín dụng cũng đã được thị trường chứng khoán phản ánh.
Do đó, động thái mới về việc tăng lãi suất chỉ thể hiện thông điệp mạnh mẽ của NHNN trong việc đặt vĩ mô lên hàng đầu thông qua việc điều hành lãi suất và tỷ giá hối đoái một cách chặt chẽ và ổn định.
Chuyên gia MBS dự báo đây không phải đợt tăng lãi suất huy động, lãi suất cho vay cuối cùng trong năm nay. Bởi nếu Fed tiếp tục chính sách "diều hâu" của mình thì Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu thế chung. Tuy nhiên, chuyên gia vẫn duy trì quan điểm là việc tăng lãi suất không tác động quá lớn. NHNN cũng sẽ không tăng lãi suất mạnh như các NHTW khác, bởi nền kinh tế Việt Nam đang khá vững vàng từ sự phục hồi của tiêu dùng cũng như lạm phát vẫn đang duy trì ở mức ổn định.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cho rằng lãi suất đã tăng hơn 1% từ đầu năm, song lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết không bị ảnh hưởng quá nhiều. Với mức tăng thêm dự kiến từ 0,3 - 0,5% trong thời gian tới, mức ảnh hưởng vẫn chưa đáng kể. Tuy vậy, chuyên gia cũng nhấn mạnh một số doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy lớn hoặc một số doanh nghiệp bất động sản mạnh tay huy động nguồn trái phiếu lớn sẽ chịu tác động lớn.
Mặt khác, lãi suất tăng cao cũng giúp các doanh nghiệp bảo hiểm hưởng lợi. Bởi lợi suất trái phiếu chính phủ và trái phiêu doanh nghiệp đều có xu hướng tăng sẽ tác động tích cực đến lợi nhuận của doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy chưa thể phản ánh ngay trong quý 3, song lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tích cực hơn trong quý 4 và đầu năm 2023.
Ngoài ra, các doanh nghiệp có nguồn tiền mặt dồi dào cũng sẽ duy trì tích cực. Vốn dĩ giá trị khoản mục tiền mặt là tài sản được xem là có tính an toàn cao trong giai đoạn thị trường biến động như hiện tại. Do đó, việc dự trữ được nguồn tiền mặt dồi dào có thể giúp nhiều doanh nghiệp phòng thủ tốt, thậm chí hưởng lợi lớn khi lãi suất tăng cao.
Bàn thêm về tác động của Nghị định 65 đến các doanh nghiệp bất động sản, ông Tuấn đánh giá quy định mới sẽ sàng lọc các doanh nghiệp tốt. Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp bất động sản giảm huy động trái phiếu, song dài hạn sẽ có tác động tích cực. Theo đó, một số doanh nghiệp bất động sản có sẵn sản phẩm để bán, nguồn vốn dồi dào sẽ khả quan. Ngược lại, đối với những doanh nghiệp dựa quá nhiều vào nguồn vốn huy động trái phiếu sẽ có sự chững lại trong KQKD.