Đọc báo cáo tài chính để đưa ra quyết định giao dịch là một phần không thể thiếu. Những thông tin về doanh thu, lợi nhuận, cấu trúc nguồn vốn, tài sản là cơ sở để đánh giá cổ phiếu, tiềm năng đầu tư. Tuy nhiên, trong không ít trường hợp, báo cáo tài chính đã bị "xào nấu" khiến những thông tin nhà đầu tư nhận được không còn chính xác.
Trong quá khứ, cổ phiếu TTF của Gỗ Trường Thành từng giảm sàn hàng chục phiên sau thông tin hàng tồn kho "bốc hơi" hàng nghìn tỷ đồng. Bởi vậy những thủ thuật trên báo cáo tài chính là những điều nhà đầu tư cần lưu ý khi đưa ra quyết định mua bán.
Mới đây, trong chương trình Bí mật đồng tiền của VTV24 phát sóng ngày 23/3, ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc SSI Research và ông Đỗ Thái Hưng, Giám đốc CTCP Đầu tư Finpros đã có những chia sẻ xung quanh câu chuyện "xào nấu" báo cáo tài chính của các công ty trên sàn như giấu lãi, giấu lỗ, "đếm cua trong lỗ".
Theo ông Phạm Lưu Hưng, việc các công ty giấu lãi xuất phát từ tâm lý thích những công ty tăng trưởng đều đặn, không thích các công ty tăng trưởng giật cục.
Doanh nghiệp cũng nghĩ là năm nay lợi nhuận tăng 50% hay tăng 100% thì cổ phiếu chỉ tăng được thế thôi nên chỉ tăng lợi nhuận 50% để 50% cho năm sau. Biết đâu năm sau tình hình kinh doanh khó hơn sẽ hạch toán vào và để lợi nhuận tăng khá ổn định, Phó Giám đốc của SSI Research nói thêm.
Cũng nói về chủ đề giấu lãi, ông Đỗ Thái Hưng cho rằng nhà đầu tư có thể đánh giá nguồn lợi nhuận tiềm ẩn trong tương lai ở khoản mục doanh thu chưa thực hiện hoặc trả trước người mua. Khi khoản doanh thu chưa thực hiện tăng mạnh có thể thấy rằng nguồn doanh thu và lợi nhuận trong tương lai sẵn sàng được hạch toán.
"Chúng ta có thể nhìn thấy điều đấy rất dễ. Nhưng ít nhà đầu tư tìm hiểu đến cái đấy và chúng ta thường chỉ nghe đâu đó P/E thị trường bao nhiêu, EPS bao nhiêu, chúng ta mua xong mà không biết tương lai thế nào. Chúng ta không sẵn sàng chấp nhận việc tăng trưởng dài hạn hay biến động trong ngắn hạn", ông Giám đốc Finpros nói.
Đánh giá về thủ thuật giấu lãi, ông Đỗ Thái Hưng cho rằng nhà đầu tư sẽ thiệt hại lớn. Vị chuyên gia này cho rằng trong một số trường hợp, chủ doanh nghiệp tự kinh doanh cổ phiếu của công ty. Khi lãnh đạo doanh nghiệp muốn gia tăng sở hữu sẽ không muốn cho nhà đầu tư thấy doanh nghiệp còn nhiều tiều năng trong tương lai và thực hiện mua vào trước.
Trong hệ thống báo cáo tài chính của doanh nghiệp gồm 4 phần là bản cân đối kế toán, lưu chuyển tiền tệ, bảng kết quả kinh doanh và thuyết minh. Thông thường nhà đầu tư sẽ quan tâm đến kết quả kinh doanh.
Theo ông Phạm Lưu Hưng, khi doanh nghiệp "xào nấu" báo cáo tài chính sẽ chọn những khoản mục dễ làm nhất. Doanh thu và chi phí dễ tác động và có kết quả nhanh đến báo cáo kết quả kinh doanh. Một số chi phí có thể được giấu với cách dùng đơn giản.
Chia sẻ về mẹo theo dõi báo cáo tài chính của doanh nghiệp, ông Đỗ Thái Hưng cho biết nhà đầu tư nên xem xét một cách dài hạn. Khi nghiên cứu về nguồn vốn của doanh nghiệp, cần phân chia nguồn vốn và tài sản ngắn hạn và dài hạn.
Doanh nghiệp không thể mang nguồn vốn vay đi đầu tư vào kế hoạch dài hạn vì nguồn vốn ngắn hạn cần có nguồn trả thường xuyên và tài sản ngắn hạn có thanh khoản cao nhất. Khi bán hết tài sản ngắn hạn và không đủ trả nợ thì doanh nghiệp lớn cũng có thể phá sản. Câu chuyện mất cân đối nguồn vốn của Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HAG) giai đoạn 2014 – 2015 là ví dụ điển hình.