Tại tọa đàm "Ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển thị trường trái phiếu" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 28/5, TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) cho rằng doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp khó khi lãi suất trái phiếu doanh nghiệp quá cao trong bối cảnh đồng tiền Việt Nam ổn định so với USD
"Ví dụ vừa rồi lãi suất trái phiếu doanh nghiệp 13% so với thế giới là rất cao, như vậy là rất khó. Nếu dùng đòn bẩy quá cao, tức là hầu hết dựa vào trái phiếu, để đầu tư xây dựng thì lại càng khó nữa vì lãi suất cao sẽ dễ làm lỗ", ông nói.
Trong khi đó, GS. TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết sang đầu năm 2022, khi có sự cố một số doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng pháp lý, nhiều nhà đầu tư nhận thấy rủi ro.
Theo ông Cường, rủi ro đó một phần đến từ doanh nghiệp phát hành trái phiếu không được kiểm soát, dẫn đến tình trạng phát hành nguồn tiền không có cơ sở, những yếu tố để bảo đảm cho giá trị trái phiếu.
Ngoài ra, rủi ro cũng đến từ chính nhà đầu tư. "Trái phiếu đó phần lớn là trái phiếu phát hành riêng lẻ, theo quy định của luật pháp thì chỉ dành cho đối tượng là những người đầu tư chuyên nghiệp hoặc nhà đầu tư tổ chức. Nhưng trên thực tế, phần lớn nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu với suy nghĩ rằng giống như gửi ngân hàng", ông nói và nhấn mạnh khi xảy ra sự cố như thế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp rơi vào khó khăn.
Nói về giải pháp xử lý khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, TS. Vũ Minh Khương đề cập đến ba tuyến phòng vệ trong vấn đề hỗ trợ các doanh nghiệp để tránh vấn đề hình sự.
Tuyến phòng vệ thứ nhất là các lãnh đạo doanh nghiệp khi chuẩn bị cần hiểu thật kỹ về quản trị doanh nghiệp. Tuyến phòng vệ thứ hai là bảo đảm vấn đề pháp lý, phản ứng cứu hộ. Tuyến phòng vệ thứ ba là cần kiểm toán hằng năm đề đánh giá, bởi tình hình kinh tế biến đổi rất nhanh, do đó cần cập nhật các ý kiến kiến nghị thường xuyên, liên tục.
Theo TS. Vũ Minh Khương, một số quốc gia không chú ý đầu tư nâng cấp hệ sinh thái cho trái phiếu nên khó phát triển, ví dụ như Indonesia hay Philippines vẫn quanh quẩn 30 USD cho doanh nghiệp trái phiếu, chỉ mức đó thì khó tiến lên được. Trong khi ở Hàn Quốc, họ có thể phát hành cả nghìn tỷ USD.
"Nói chung, xây dựng một nền tảng cho hệ thống tài chính lành mạnh cho tương lai của Việt Nam là vấn đề rất cấp bách. Tôi tin là Chính phủ nhiệm kỳ này có thể làm được vấn đề đó và coi thách thức hiện giờ chúng ta gặp phải là một quyết tâm chiến lược để Việt Nam để tạo ra một nền móng thật tốt trong thời gian tới", ông nói.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), lũy kế từ đầu năm đến ngày 5/5, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt gần 31.700 tỷ đồng. Trong đó có 7 đợt phát hành công chúng với giá trị 5.500 tỷ đồng (chiếm 17% khối lượng phát hành) và 15 đợt phát hành riêng lẻ với giá trị 26.140 tỷ (chiếm 83% khối lượng phát hành).
Theo VBMA, tính đến ngày 6/5, các đợt mua lại mới được công bố trong tháng 5 đều được thực hiện trong các tháng trước đó. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt gần 49.500 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ.
Tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong tháng 5 là hơn 21.400 tỷ đồng, tính theo công bố thông tin tới ngày 5/5. Một số nhóm ngành có giá trị đến hạn lớn bao gồm bất động sản (9.600 tỷ đồng), hàng tiêu dùng (3.700 tỷ đồng); nguyên vật liệu (2.900 tỷ đồng); ngân hàng (2.500 tỷ đồng).
Theo VBMA, tính từ ngày 24/4 - 6/5, có 8 công ty công bố chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu với tổng gốc, lãi chậm trả được công bố là 1tỷ đồng gồm và 6 công ty công bố phương án tái cơ cấu, chủ yếu thông qua kéo dài kỳ hạn trái phiếu với kỳ hạn mới kéo dài thêm từ 3 tháng đến 24 tháng so với kỳ hạn ban đầu.