Chứng khoán

Chuyên gia HSC: Lãi suất tăng sẽ khiến định giá cổ phiếu giảm, áp lực vẫn còn

Liên quan đến động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây, ông Phạm Vũ Thăng Long – Giám đốc Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô, Chứng khoán HSC có đưa ra một số nhận định về tác động của việc này đến kinh tế vĩ mô cũng như TTCK.

1. Ông đánh giá thế nào về mức tăng lãi suất điều hành của NHNN? Phải chăng mức tăng này là vượt kỳ vọng của thị trường?

NHNN vừa ban hành 2 quyết định 1606 và 1607 về điều chỉnh một số mức lãi suất điều hành, có hiệu lực kể từ ngày 23/9. Lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu tăng 1 điểm phần trăm lên 5,0%/năm và 3,5%/năm; nâng trần lãi suất thêm 1 điểm phần trăm đối với tiền gửi bằng VND của tổ chức và cá nhân tại các TCTD ở kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng lên 5%/năm.

Theo đó, mức tăng đối với lãi suất tái chiết khấu và cấp vốn mang tính tín hiệu chính sách, chấm dứt chu kỳ nới lỏng tiền tệ, là hành động kịp thời trước động thái Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ tiếp tục nâng lãi suất cơ bản của ngân hàng trung ương lên thêm 0,75 điểm phần % lên phạm vi 3,0% - 3,25% vào sáng thứ 5 ngày 22/9 giờ Việt Nam. Đây là lần tăng lãi suất chính sách thứ 5 của Mỹ trong năm, và dự báo sẽ còn 2 lần tăng lãi suất tại Mỹ tại kỳ họp tháng 11 và 12 năm nay, và 1 lần tăng cuối cùng vào tháng 2 năm sau.

Như vậy, mức tăng 100 điểm cơ bản lãi suất điều hành ở Việt Nam là phù hợp so với mức tăng 300 điểm cơ bản tại Mỹ, trước bối cảnh lạm phát tại Việt Nam vẫn duy trì ở mức thấp, nhưng áp lực lên tỷ giá và dự trữ ngoại hối gia tăng trước sự mạnh lên của đồng Đô la Mỹ trên toàn cầu.

Đặc biệt, mức tăng 100 điểm cơ bản trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng lên 5%/năm sẽ giúp thanh khoản của hệ thống ngân hàng được duy trì ổn định, tăng trưởng huy động sẽ cải thiện trong các tháng cuối năm và bắt kịp dần hơn với tăng trưởng cho vay của hệ thống. Thống kê cho thấy trong 7 tháng đầu năm, tăng trưởng huy động chỉ tăng 4,8% so với cuối năm ngoái trong khi tăng trưởng tín dụng đã tăng 9,55%.

2. Việc tăng lãi suất điều hành như vậy sẽ ảnh hưởng thế nào đến kinh tế vĩ mô, thưa ông?

Thứ nhất, tăng lãi suất điều hành sẽ giúp ổn định tỷ giá từ giờ đến cuối năm, và làm giảm sức ép lên việc NHNN phải can thiệp trên thị trường ngoại hối giúp tỷ giá duy trì ổn định, khiến dự trữ ngoại hối không bị suy giảm quá nhiều, làm sói mòn thành quả đã tích lũy được trong mấy năm gần đây, đảm bảo ở tỷ lệ dự trữ ngoại hối tương đương quanh mức 3 tháng nhập khẩu, là tiêu chuẩn đánh giá mức ổn định của dự trữ ngoại hối của 1 quốc gia theo thông lệ quốc tế.

Việc tỷ giá ổn định cũng sẽ giúp cho duy trì dòng vốn nước ngoài, đặc biệt là vốn FDI, động lực cho khu vực sản xuất hướng tới xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, môi trường lãi suất tăng cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, khiến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp nói chung có khả năng bị thu hẹp trong thời gian tới.

3. Thông thường, lãi suất biến động ngược chiều với giá cổ phiếu. Theo ông, việc giá cổ phiếu sụt giảm mạnh trong thời gian vừa qua đã phản ánh hết rủi ro tăng lãi suất lần này hay chưa? Hay thị trường sẽ tiếp tục diễn biến tiêu cực trong thời gian tới?

Lãi suất tăng sẽ khiến định giá cổ phiếu giảm, thứ nhất do lợi nhuận doanh nghiệp có khả năng suy giảm, đồng thời chi phí cơ hội gia tăng, điều này ít nhiều sẽ còn tiếp tục tác động, tùy thuộc vào những động thái chính sách tiếp theo của lãi suất chính sách.

Nhưng áp lực vẫn còn, do Việt Nam là nền kinh tế mở, và chính sách tiền tệ của các đối tác thương mại sẽ có ảnh hưởng đến quyết định linh hoạt của NHNN trong thời gian tới. Mỹ và châu Âu là hai đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, vẫn chưa chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất chính sách.

4. Theo ông, nhà đầu tư nên ứng xử thế nào trước thông tin tăng lãi suất điều hành từ Ngân hàng Nhà nước?

Thông thường, thị trường chứng khoán, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng cần có thời gian để hấp thụ thông tin và tác động của thông tin đó lên các doanh nghiệp niêm yết, đồng nghĩa trong môi trường lãi suất tăng.

Nhà đầu tư thiên về xu hướng chọn cổ phiếu có tính chất phòng thủ nhiều hơn, là những cổ phiếu ít bị ảnh hưởng hơn từ việc tăng chi phí lãi vay. Thực tế trong mỗi ngành nghề đều có những cổ phiếu có tính chất như vậy. Nhưng tôi không đi sâu thêm về vấn đề này, vì nó thuộc chuyên môn của các nhà phân tích ngành, và cổ phiếu đại diện cho các nhóm ngành của nền kinh tế.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm