Một số quốc gia cam kết hỗ trợ tiền để chi trả cho các hệ thống cảnh báo lũ lụt - Ảnh: NEWS9
Thủ tướng đảo quốc Tuvalu, ông Karors Natano, mô tả mực nước biển dâng cao đã ảnh hưởng đến mọi thứ. Từ đất trồng trọt, đến nhà cửa, đường sá và đường dây điện đều bị cuốn trôi.
Ông nói chi phí kiếm sống trở nên quá sức chịu đựng, khiến các gia đình phải rời đi và bản thân quốc gia cũng sẽ biến mất. "Cứ thế này thì các hòn đảo của chúng tôi sẽ không còn tồn tại", ông Natano nhấn mạnh.
Theo hãng tin AP, Thủ tướng Natano đang phải chạy đua để cứu quốc đảo nhỏ bé của mình khỏi bị "chết đuối". Ông cho cải tạo đất để nâng cao mặt bằng đảo Tuvalu lên thêm 4-5 m so với mực nước biển.
Khi các chuyên gia đưa ra cảnh báo về khả năng không thể sinh sống của quần đảo Marshall, Tổng thống David Kabua cũng đã phải cho xây dựng tường đê chắn sóng để bảo vệ đảo.
Thủ tướng của đảo quốc Malta, ông Robert Abela, cũng chỉ ra mối đe dọa nghiêm trọng mà biến đổi khí hậu gây ra cho tất cả mọi người, đặc biệt là đối với các đảo nhỏ đang phát triển và các cộng đồng ven biển.
"Sáng kiến các quốc gia đang trỗi dậy" được khởi động nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để bảo tồn chủ quyền, di sản và quyền của các quốc đảo san hô ở Thái Bình Dương - những quốc gia vốn đang bị biến đổi khí hậu đe dọa.
Các quốc đảo sẽ lên kế hoạch toàn diện để kêu gọi quốc tế xây dựng và tài trợ cho các dự án thích ứng và chống chịu trước biến đổi khí hậu, giúp cộng đồng địa phương duy trì sinh kế. Đồng thời bảo vệ kho lưu trữ sống động về văn hóa và di sản độc đáo của từng quốc đảo san hô ở Thái Bình Dương.
Sáng kiến này đã nhận được sự ủng hộ của các quốc gia như Mỹ, Đức, Hàn Quốc và Canada.
Một báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc được công bố vào tháng 2-2022 đã chỉ ra tính dễ bị tổn thương của các quốc đảo nhỏ đang phát triển và các điểm nóng toàn cầu khác như châu Phi và Nam Á.
Thủ tướng Natano cũng lưu ý rằng Tuvalu và các nước láng giềng ở Thái Bình Dương "không làm gì để gây ra biến đổi khí hậu". Mức đóng góp vào phát thải carbon của họ chiếm chưa đến 0,03% tổng lượng khí thải của thế giới.
Một số nước đã cam kết giúp tiền để các quốc đảo xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Antonio Guterres cũng khuyến khích việc truy quét "những kẻ" gây ô nhiễm lớn nhất thế giới.
Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 20-9, ông Guterres thúc giục các nước giàu hơn đánh thuế lợi nhuận các công ty năng lượng, chuyển nguồn tiền này đến "những quốc gia chịu tổn thất và thiệt hại do khủng hoảng khí hậu" và những quốc gia đang phải vật lộn với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.