Mới đây, trả lời phỏng vấn TTXVN, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phân tích rõ hơn những ảnh hưởng của đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đến kinh tế Việt Nam.
Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, đại dịch đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, gây nên thiếu hụt nguồn cung và lạm phát cao. Trong khi đại dịch chưa kết thúc, xung đột Nga-Ukraine là “cú bồi thêm” càng làm sâu sắc hơn những khó khăn của kinh tế thế giới và từng quốc gia.
Hiện nay, kinh tế thế giới đang đối mặt với các vấn đề nan giải, chưa biết khi nào kết thúc, bao gồm: giá năng lượng và lạm phát cao, làm giảm hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của các quốc gia; chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt với đứt gãy nghiêm trọng và chi phí tăng cao; thiếu hụt các kim loại công nghiệp thiết yếu; rối loạn hệ thống tài chính, tăng trưởng toàn cầu suy giảm.
Kinh tế nước ta có độ mở lớn, tham gia nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương, hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới; nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu cho sản xuất chiếm tỷ lệ cao. Khi kinh tế thế giới suy giảm và lạm phát cao, đặc biệt kinh tế của các đối tác quan trọng với Việt Nam suy giảm sâu sẽ tác động trực tiếp, khá mạnh đến đà phục hồi và phát triển kinh tế nước ta.
Đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng với chính sách kích cầu của các quốc gia nhằm đưa nền kinh tế trở về giai đoạn trước đại dịch đã gây nên thiếu hụt nguồn cung và lạm phát cao. Điều này càng trầm trọng hơn khi xảy ra khủng hoảng Nga-Ukraine.
Sản lượng sản xuất và thị phần xuất khẩu một số mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất và tiêu dùng như: xăng dầu, khí đốt, lúa mì, nhôm, nickel, ngô… của Nga và Ukraine rất lớn. Vì vậy, khi khủng hoảng kéo dài gây khó khăn về nguồn cung các loại nguyên, nhiên vật liệu này trong thời gian tới, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, gây nên áp lực lạm phát đối với kinh tế nước ta.
Chỉ riêng mặt hàng xăng dầu trong nước bình quân 4 tháng năm 2022 tăng 48,84% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp tới 1,76 điểm phần trăm trong mức lạm phát bình quân 2,1% của 4 tháng đầu năm nay; giá gas trong nước biến động theo giá xăng dầu và giá gas thế giới, bình quân 4 tháng giá gas tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,36 điểm phần trăm.
Bên cạnh xăng dầu và gas, giá các loại nông sản như: lương thực, bông; thức ăn chăn nuôi; phân bón; kim loại công nghiệp; sắt thép xây dựng tăng cao. So với cùng kỳ năm trước, giá nhập khẩu sắt thép của quý I/2022 tăng 43,87%; giá thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 27,73%.
Các yếu tố về nguồn cung, đặc biệt là tình hình căng thẳng địa chính trị đưa đến rủi ro làm gia tăng lạm phát. Gần đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo lạm phát năm 2022 của nước ta tăng 3,9%, sát ngưỡng mục tiêu kiểm soát 4% đặt ra. Trong khi đó ngân hàng Standard Chartered dự báo lạm phát Việt Nam năm nay vượt mục tiêu 4% Quốc hội đề ra và có thể lên 5,5% trong năm 2023.
Đáng chú ý, TS. Nguyễn Bích Lâm đề cập đến giá thép và vật liệu xây dựng tăng cao làm chậm tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, kể cả các dự án được chỉ định thầu. Khi giá vật liệu xây dựng tăng làm đội giá thành công trình. Các định mức theo đơn giá trong hồ sơ mời thầu không còn phù hợp với giá thị trường.
Chuyên gia cho rằng điều này ảnh hưởng đến việc triển khai Nghị quyết Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, làm chậm đà phục hồi và tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Cũng đưa ra nhận định về tăng trưởng đầu tư công, trong báo cáo mới đây, CTCP Chứng khoán VNDirect lưu ý các dự án đầu tư công cũng phải đối mặt với rủi ro chậm tiến độ trong thời gian tới nếu giá vật liệu xây dựng trong nước bao gồm thép, xi măng và đá xây dựng vẫn duy trì ở mức cao như hiện nay do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine và gián đoạn chuỗi cung ứng.
Các nhà thầu xây dựng có thể chậm triển khai dự án so với kế hoạch ban đầu do giá vật liệu xây dựng tăng cao làm biên lợi nhuận của các doanh nghiệp xây dựng thu hẹp đáng kể.
Đối với năm 2022, công ty duy trì dự báo vốn đầu tư công thực hiện tăng 20% so với số thực hiện thực tế của năm 2021, do tăng trưởng trong nửa cuối năm 2022 sẽ cao hơn nửa đầu năm nhờ mức nền thấp của cùng kỳ năm 2021.