Tài chính

2 năm sau tuyên bố của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng tại ĐHCĐ 2020, một công ty con trong Vingroup đã tăng vốn điều lệ tới... 264 lần

Vinhomes mạnh tay rót tiền vào BĐS KCN?

Còn nhớ năm 2020, thông tin Vinhomes sẽ xây dựng khu công nghiệp ở Thủy Nguyên, Hải Phòng đã khiến dư luận rất quan tâm theo dõi.

Theo đó, vào tháng 4/2020, Công ty CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes (Vinhomes IZ) đã đề xuất với Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng để được đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN Thủy Nguyên trên diện tích 319 ha với tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng.

Công ty CP Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes (Vinhomes IZ) tiền thân là công ty con của Vingroup, sau đó đến tháng 03/2020, Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup đã quyết định chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của Vinhomes IZ sang cho các công ty con là CTCP Vinhomes (VHM) và CTCP Phát triển Thành phố Xanh.

Vinhomes thông qua công ty con Vinhomes IZ sẽ đầu tư một số khu công nghiệp trên cả nước.

Bà Nguyễn Diệu Linh, cựu Chủ tịch HĐQT Vinhomes khi đó từng chia sẻ doanh nghiệp dự kiến sẽ chi khoảng 10.000 tỷ đồng cho bất động sản công nghiệp trong khoảng 2 năm.

Trên thực tế, trong 2 năm từ tháng 3/2020 đến tháng 4/2022, Vinhomes IZ đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 70 tỷ đồng lên tới 18.500 tỷ đồng, lớn hơn rất nhiều con số 10.000 tỷ đồng dự kiến trước đó.

Và nếu tính từ mốc 70 tỷ đồng trước thời điểm 16/03/2020 thì vốn điều lệ của Vinhomes IZ đã tăng gấp 264 lần.

2 năm sau tuyên bố của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng tại ĐHCĐ 2020, một công ty con trong Vingroup đã tăng vốn điều lệ tới... 264 lần - Ảnh 1.

Tổng hợp từ thông tin vốn điều lệ của DN qua các thời kỳ

Hiện nay, Vinhomes đang quản lý vận hành khu công nghiệp 335 héc-ta tại khu công nghiệp Đình Vũ, Cát Hải, Hải Phòng, nơi đặt nhà máy sản xuất ô tô VinFast. 

2 năm sau tuyên bố của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng tại ĐHCĐ 2020, một công ty con trong Vingroup đã tăng vốn điều lệ tới... 264 lần - Ảnh 2.

VinFast với năng lực sản xuất đang được nâng cao không ngừng, đang hình thành xung quanh một chuỗi các nhà máy sản xuất linh kiện, khách thuê chính của khu công nghiệp hiện tại.

Khởi công cùng ngày với cầu Tân Vũ – Lạch Huyện - cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, VinFast là một trong những điểm sáng thu hút đầu tư của thành phố Hải Phòng. Khu công nghiệp VinFast nhanh chóng có được những lợi thế đáng kể về logistics khi giao thông được nối liền hai bên bờ biển.


Tại sao Vinhomes lại có ý định lấn sân sang mảng bất động sản khu công nghiệp và tại sao lại chọn Hải Phòng?

Bất động sản khu công nghiệp đang là lĩnh vực được nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư trước những cơ hội đang được mở ra mạnh mẽ với Việt Nam, với kỳ vọng trở thành công xưởng sản xuất của thế giới. Với vị thể đầu ngành bất động sản của Vingroup, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng rõ ràng không thể để Vinhomes đứng ngoài cuộc chơi này. 

Thứ nhất, Vinhomes tận dụng những cơ hội và điều kiện vĩ mô để đón làn sóng dịch chuyển các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Về triển vọng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam trong thời gian tới đã được nhiều chuyên gia, báo giới phân tích.

Thứ hai, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho rằng, bất động sản khu công nghiệp sẽ mang lại dòng tiền thường xuyên. Điều này là cần thiết, nếu nhìn từ diễn biến Covid-19, một mảng kinh doanh có khả năng phân tán rủi ro và hướng tới những nguồn thu ổn định càng trở nên quan trọng hơn.

Thứ ba, quyết định phát triển bất động sản khu công nghiệp còn mang theo những toan tính của Vingroup về việc mở rộng hệ sinh thái cho mảng sản xuất với tham vọng đi nhanh hơn.

Bà Nguyễn Diệu Linh, cựu Chủ tịch HĐQT Vinhomes cho biết, những khách hàng mục tiêu ban đầu của mảng bất động sản khu công nghiệp là các đơn vị trong chuỗi cung ứng linh kiện ôtô, mục đích nhằm tạo ra một hệ sinh thái xung quanh VinFast cả về yếu tố sản xuất và địa lý.

Tờ Vnexpress dẫn lời cựu Chủ tịch Vinhomes Nguyễn Diệu Linh: "Trước mắt chúng tôi sẽ tìm kiếm khách thuê mảng khu công nghiệp là những đơn vị trong chuỗi cung ứng cho VinFast, sau đó sẽ mở rộng các đối tượng khác". Vinhomes sẽ đưa ra những chính sách giá hấp dẫn để thu hút khách hàng thuê.

Thứ tư, với lợi thế về cảng sông, biển thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa, linh kiện, Hải Phòng cũng như các tỉnh phía Bắc nói chung đang có lợi thế trong việc hình thành các khu công nghiệp. 

Quỹ đất phía Bắc vẫn còn dồi dào tương đối so với phía Nam, thích hợp với việc hình thành các khu công nghiệp mới tại đây. Theo Savills Việt Nam, bất chấp những thách thức đặt ra bởi đại dịch, tỷ lệ lấp đầy bất động sản công nghiệp phía Bắc vẫn ổn định ở mức 87% trong quý III/2021 và diện tích cho thuê đạt 20.567 ha, tăng 2,35% so với cùng kỳ năm trước.

Hải Phòng hiện có sự đầu tư lớn cho hạ tầng giao thông, tạo nên chuỗi logistics hoàn thiện và trở thành một mắt xích trong chuỗi logistics toàn cầu với Cảng hàng không quốc tế Cát Bi và Cảng nước sâu quốc tế Lạch Huyện.

Điều này giải thích cho sức hút ngày càng tăng của Hải Phòng đối với các nhà đầu tư FDI. Một ví dụ, Tập đoàn LG từ đầu năm ngoái đã tăng vốn thêm 750 triệu USD (tháng 2/2021) và đến cuối tháng 8/2021 tăng tiếp 1,4 tỷ USD.

Câu hỏi lúc này sẽ là, với tình thế của người đến sau, Vinhomes sẽ cạnh tranh bằng những gì? 

Theo ông Vượng, với mảng bất động sản khu công nghiệp, Vingroup vẫn giữ quan điểm cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm cuối cùng giống như bất động sản nhà ở.

Bất chấp nguồn cung trên thị trường nhiều, sản phẩm của Vinhomes vẫn bán được ổn định bởi Vingroup nghiên cứu tạo hệ sinh thái ăn ở, tiêu dùng cho người dân Vinhomes đầy đủ và tiện ích, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh tuyệt đối. Dù giá nhà Vinhomes cao hơn các khu dân cư lân cận, nhưng vẫn được khách hàng tin tưởng lựa chọn.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm