Tim Hayes, giám đốc chiến lược đầu tư toàn cầu tại Ned Davis Research, cho rằng đã đến lúc các đồng tiền tệ lớn khác “toả sáng”, hoặc ít nhất là có diễn biến vượt trội so với đồng bạc xanh. Cụ thể, Hayes nhận thấy đồng USD có xu hướng rớt giá, do giá vàng tăng nhờ kỳ vọng Fed hạ lãi suất và lợi suất trái phiếu đi xuống. Trong khi đó, các loại tiền tệ lớn khác cũng mạnh lên.
Hayes cho biết biểu đồ dưới đây thể hiện tâm lý với đồng USD đã hạ nhiệt, giảm dần khỏi mức “cực kỳ lạc quan”. Ông viết trong một lưu ý gửi khách hàng: “Khi theo dõi xu hướng và tâm lý, chúng tôi thường giải thích rằng cách tiếp cận là ‘cứ đi theo xu hướng cho đến khi tài sản đó đạt đến mức cực đỉnh và sau đó đảo chiều.”
Giá vàng giao vào tháng 8 giao dịch ở mức 2.414,40 USD/ounce trong ngày 22/7, sau đó giảm xuống 2.387 USD. Tuy nhiên, theo dữ liệu của FactSet, vàng vẫn tăng 15,8% trong năm nay, chỉ thấp hơn một chút so với mức tăng 16,7% của S&P 500 trong cùng khoảng thời gian.
Theo Dave Sekera, giám đốc chiến lược thị trường Mỹ của Morningstar, dữ liệu lạm phát công bố vào thứ Sáu này nếu bất ngờ tăng vọt có thể sẽ “khơi dậy” làn sóng bán tháo trên Phố Wall. Ông dự báo, PCE cơ bản sẽ ở mức 2,6% hàng năm, trong khi tháng trước là 2,5%. Mục tiêu của Fed là lạm phát trở về 2%.
Các loại tài sản an toàn như vàng và trái phiếu sẽ được hưởng lợi từ việc lạm phát hạ nhiệt - yếu tố thúc đẩy Fed hạ lãi suất trong năm nay.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump cho biết ông muốn đồng USD yếu hơn nếu đắc cử trong năm nay. Đồng USD đã tăng mạnh trong những năm gần đây khi Fed nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Chỉ số ICE U.S. Dollar Index, theo dõi đồng bạc xanh so với rổ 6 đồng tiền tệ lớn khác, đã giảm 1,5% trong tháng 7, xuống 104,3. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn tăng 2,9% so với đầu năm sau khi đạt mức cao nhất trong 1 năm là 107 vào đầu tháng 10.
Trong bối cảnh hiện tại, Hayes khuyến nghị nhà đầu tư nên giữ vị thế trung lập với đồng yên Nhật và vị thế giá tăng với bảng Anh cùng euro.
Tham khảo Market Watch