Nền kinh tế toàn cầu năm 2022 chứng kiến nhiều biến động từ leo thang chiến sự giữa Nga và Ukraine, sự đối đầu giữa phương Tây và Nga, đi theo đó là áp lực lạm phát, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng thêm một lần nữa... Trong bối cảnh đó, chứng khoán và bất động sản được đánh giá vẫn là kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời cao nhất. Tuy nhiên, đầu tư như thế nào lại không dễ. Các chuyên gia tài chính đã có những chia sẻ với nhà đầu tư và độc giả về lựa chọn tài sản, thời điểm đầu tư, hạn chế rủi ro trong Tọa đàm "Đầu tư trong bối cảnh lạm phát và căng thẳng địa chính trị" diễn ra trên VnEpress.
Định giá chứng khoán Việt Nam hấp dẫn nhất khu vực
Mở đầu tọa đàm, bà Đặng Nguyệt Minh, Chuyên gia, Phụ trách khối Nghiên cứu Dragon Capital Việt Nam đã có những khái quát tình hình kinh tế - chính trị thế giới và những tác động tới kinh tế Việt Nam.
Theo bà Minh, cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ không có nhiều tác động trực tiếp tới kinh tế Việt Nam. Việt Nam vẫn duy trì thặng dư thương mại khoảng 11,8 tỷ USD năm nay.
Về lạm phát, áp lực có tăng lên nhưng trong tầm kiểm soát nhờ sự ổn định kinh tế nội tại và chính sách tiền tệ thận trọng của Ngân hàng Nhà nước. Với giá dầu trung bình cả năm dao động trong khoảng 95-130 USD/thùng, CPI của VN sẽ quanh mức 3,7-5,5%. Kịch bản cơ sở của Dragon Capital là mức CPI khoảng 4,2% - không có nhiều rủi ro quá lớn. Tăng trưởng GDP có thể đạt khoảng 7%, do tác động của yếu tố địa chính trị ở mức thấp đến trung bình.
"Kinh tế Việt Nam đang nằm ở chu kỳ phục hồi với mức lãi suất ổn định. Loại tài sản phù hợp nhất, có thiên hướng được hưởng lợi trong chu kỳ chính là tài sản cổ phiếu", bà Minh chia sẻ.
Về thị trường chứng khoán, dựa trên báo cáo từ 60 công ty niêm yết lớn nhất thị trường Việt Nam, Dragon Capital Việt Nam dự phóng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 trên mức 20%. Đây là mức tăng trưởng rất tích cực trên nền 2021 là thị trường tăng trưởng lợi nhuận tới 42%. Về mặt định giá, P/E tương lai là khoảng 14,2 lần, tương đương trung bình cả 10 năm vừa rồi, là thị trường hấp dẫn nhất khu vực.
Xét tổng lợi nhuận của thị trường, theo bà Minh, tăng trưởng chung vẫn được dẫn dắt bởi sự phục hồi lợi nhuận từ nhóm ngân hàng và bất động sản sau một năm chịu nhiều tác động của giãn cách xã hội. Nếu nói về độ rộng, hầu hết các ngành đều có độ tăng trưởng từ 20-30%. Ví dụ như ngành bán lẻ, chứng khoán, phần mềm, vận tải... Ngành điện và ngành thép có nguy cơ lợi nhuận giảm do nguyên vật liệu đầu vào tăng. Hoặc một số tập đoàn đa ngành nghề đã ghi nhận lợi nhuận đột biến trong năm 2021, nên sang năm 2022 có thể giảm nhẹ lợi nhuận.
Tập trung vào tài sản đầu tư mình biết rõ
Nói về các kênh đầu tư trong bối cảnh hiện tại, ông Bùi Minh Long, Trưởng phòng Quản lý Danh mục đầu tư quỹ DCDS Dragon Capital Việt Nam cho biết, tài sản đầu tư phải là tài sản đem lại giá trị gia tăng tốt nhất và phải an toàn.
Hiện nay có các kênh đầu tư an toàn như gửi tiết kiệm, trái phiếu, vàng, bất động sản, chứng khoán... Trong đó, ông Long đánh giá cao kênh đầu tư bất động sản và chứng khoán.
Ông Long cho rằng, vàng là kênh đầu tư tạm ổn trong ngắn hạn, nhưng dài hạn thì không nên. Vì vàng chỉ tăng giá mạnh khi có biến động.
"Thông thường, cứ 10 năm sẽ có 1-2 năm khủng hoảng, thiên tai, dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị. Nếu như chỉ đầu tư dài hạn vào vàng, thì nhà đầu tư chỉ có mức sinh lời tốt trong khoảng 1-2 năm, nhưng lại bỏ phí 8 năm còn lại", ông Long lấy ví dụ.
Còn kênh đầu tư thứ hai là gửi tiết kiệm là an toàn nhất, nhưng kém hấp dẫn do mặt bằng lãi suất thấp. Do đó, những ai muốn có kênh đầu tư an toàn và ổn định thì thay vì gửi tiết kiệm có thể chuyển một phần sang đầu tư trái phiếu hoặc các quỹ trái phiếu - an toàn tương đối cao, đồng thời đem lại lợi suất tốt hơn.
Một kênh đầu tư rất truyền thống khác là bất động sản. Giá bất động sản luôn tăng trong dài hạn, do sự tăng dân số và trình đô thị hoá. Ở những nước phát triển như Việt Nam,tiềm năng bất động sản còn tăng giá rất nhiều.
Kênh đầu tư cuối cùng mà ông Long nhắc đến là đầu tư chứng khoán hay cổ phiếu. Trong vòng 20 năm qua thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng khoảng 14 lần và đem lại mức lợi suất là cao so với các kênh còn lại.
Bản chất Chứng khoán hay cổ phiếu nói chung đó là đại diện cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp hay là doanh nhân thì họ là đại diện cho một cái tầng lớp tạo ra giá trị gia tăng nhiều nhất cho xã hội ngày. Vì thế cả kể trong những môi trường như lạm phát, có những xung đột thì về dài hạn 5 năm, 10 năm hay 20 năm thì chứng khoán vẫn là kênh sinh lời tốt nhất.
Mặc dù có nhiều hấp dẫn, nhưng đầu tư chứng khoán hay bất động sản không hề đơn giản. Khi đầu tư bất động sản, nhà đầu tư phải mất công để tìm kiếm vị trí, yếu tố pháp lý của một dự án, rất là mất công để tìm ra một bất động ưng ý. Trong chứng khoán cũng như vậy, nhà đầu tư cũng phải tìm kiếm cổ phiếu hay doanh nghiệp tốt.
Nhà đầu tư nên chọn những cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng rõ ràng, những công ty mà ban lãnh đạo có tầm nhìn và thực hiện đúng những lời hứa của họ.
"Cái khó ở đây là chúng ta hay nhìn vào thị trường chứng khoán chung, thấy những diễn biến lên xuống thì sợ hãi. Thực chất chỉ nên tập trung vào những cổ phiếu của doanh nghiệp mà mình biết rõ giống như tìm kiếm những bất động sản mà mình biết chắc chắn thì lúc đó sẽ đem lại mức sinh lời tốt nhất", ông Long nhấn mạnh.
Đầu tư càng sớm càng tốt
Theo ông Long, một trong những phương pháp đầu tư tốt nhất là mua sớm bán ít. Mua sớm tức là mua từ lúc mình trẻ nhất có thể, đầu tư sớm nhất và phù hợp với nhu cầu tài chính cá nhân. Còn bán ít có nghĩa là khi nào thực sự cần thì hẵng bán.
Ông Long lấy ví dụ, với mức sinh lời của thị trường chứng khoán, các quỹ đầu tư giai đoạn 5 năm hoặc 10 năm, lợi suất trung bình là từ 12-15%/năm. Nghĩa là cứ sau 5 năm, tài sản của nhà đầu tư tăng gấp đôi. Đây là một lãi kép rất lớn trong đầu tư.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Minh cho rằng, thời gian đầu tư quan trọng hơn thời điểm đầu tư. Bởi nhà đầu tư khó có thể dự đoán chính xác thời điểm giá cổ phiếu lên xuống để mua đáy bán đỉnh, chưa kể những rủi ro tiềm ẩn trong ngắn hạn. Nhưng nếu đầu tư từ sớm, sau một thời gian, số lợi nhuận mà nhà đầu tư tăng lên rất cao, tất nhiên áp dụng với trường hợp nhà đầu tư hiểu rõ về cổ phiếu hay tài sản đầu tư đó.
Với những nhà đầu tư mới tham gia thị trường (còn gọi là F0), nếu không may bị lỗ, ông Long khuyên nên coi đó là một khoản học phí đổi lại kiến thức đầu tư. Tích cực hơn, sau 5-10 năm, tài sản tăng trở lại, nhà đầu tư còn lấy lại được vốn, thậm chí cả lãi.
"Quan trọng nhất là những gì học được khi mới tham gia thị trường, đặc biệt là biết cách kiềm chế cảm xúc trong đầu tư. Nếu có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, tôi tin rằng các F0 đó hoàn toàn có thể thành công trong tương lai", ông Long nhận định.
Những nhà đầu tư mới, hoặc thiếu thời gian, hoặc cảm thấy chưa đủ kiến thức chuyên môn, khó kiểm soát trong đầu tư, theo ông Long, có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của chuyên gia, lựa chọn bên thứ 3 để ủy thác như chọn công ty quản lý quỹ đầu tư. Đây cũng là những sản phẩm đầu tư rất phổ biến trên thị trường.
Trên thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm quỹ mở. Trong đó, các quỹ ETF là những sản phẩm nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm nhưng lại chưa có sự quan tâm của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Các quỹ ETF là những quỹ chỉ số đa dạng hoá danh mục đầu tư, giúp tránh được yếu tố lên xuống của một chu kỳ.
Đặc biệt, các quỹ mở cũng đáp ứng được tuỳ khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư nữa. Cụ thể, nhà đầu tư ưa thích sự an toàn sẽ tìm đến trái phiếu hoặc những quỹ trái phiếu. Nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao hơn có thể tìm đến các qỹ đầu tư cổ phiếu, hoặc các quỹ hỗn hợp.
Đơn cử như quỹ đầu tư chứng khoán của Dragon Capital Việt Nam có bề dày hơn 13 năm tại Việt Nam. Theo đó, có hai cách đầu tư vào quỹ: đầu tư một lần sau đó nắm giữ dài hạn và đầu tư định kỳ, tức là mỗi tháng hoặc một kỳ, nhà đầu tư có thể bỏ vào số tiền nhất định. Cả hai cách đầu tư này đều có mức sinh lời rất tốt, tới 15%/năm.
Theo ông Long, các quỹ đầu tư ở Việt Nam hiện đã phổ biến nhưng còn ở mức thấp so với các nước phát triển.
Thống kê ở Mỹ cho thấy, đến 40 % các hộ gia đình đầu tư thông qua các quỹ tương hỗ. Trong khi đó, ở Việt Nam chưa đến 1% hộ gia đình biết và đầu tư qua các sản phẩm này, mặc dù đây là một kênh đầu tư rất tốt.
Hiện, các quỹ đầu tư có 2 loại hình đầu tư, đó là đầu chủ động và đầu tư bị động.
Đầu tư bị động tức là các quỹ đầu tư này sẽ mô phỏng theo chỉ số chứng khoán trên thị trường - VN30. Mức sinh lời của các quỹ này sẽ mô phỏng theo đúng lời của các chỉ số đó.
Còn ở hình thức quỹ chủ động, việc đầu tư do các chuyên viên phân tích hoặc các nhà điều hành quỹ chủ động đầu tư và tìm kiếm để tạo ra mức sinh lời tốt nhất. Quỹ chủ động hiện nay phổ biến nhất là dạng các quỹ mở. Nhà đầu tư có thể xem xét các quỹ mở và tùy vào khẩu vị rủi ro có thể lựa chọn các quỹ mở khác nhau. Các quỹ mở ở Việt Nam đảm bảo sự an toàn, minh bạch và tính thanh khoản rất cao. Bởi quỹ mở là quỹ đại chúng nên Pháp luật Việt Nam cũng như là quốc tế đã có những chế tài, quy định riêng để dành riêng cho quỹ mở. Tài sản của các nhà đầu tư được đảm bảo giám sát bởi các ngân hàng độc lập.