Bất động sản

Chuyên gia CBRE: TP HCM sẽ có thêm 5 tòa nhà văn phòng hạng A-B cuối năm, 8 dự án phức hợp hai năm tới

Sáng 6/7, Công ty CBRE Việt Nam tổ chức họp báo công bố tiêu điểm thị trường bất động sản TP HCM quý II. Riêng về thị trường văn phòng TP HCM, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển TP HCM CBRE Việt Nam, cho biết đến hết quý II, CBRE ghi nhận giá thuê và tỷ lệ lấp đầy của văn phòng TP HCM tăng trở lại.

Nửa đầu năm 2022, giá thuê văn phòng hạng A là 44,9 USD/m2/tháng, tăng 0,15% theo quý và 6,6% theo năm. Giá thuê hạng A tại khu vực trung tâm quận 1 khoảng 50 USD/m2/tháng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Giá thuê của văn phòng hạng B ổn định ở mức 25,9 USD/m2/tháng, giảm 0,1% theo quý và tăng 3,3% theo năm.

Do phần lớn nguồn cung mới của nửa sau năm 2022 đến từ khu vực ngoài trung tâm, giá thuê của cả hai hạng dự đoán sẽ không có nhiều sự điều chỉnh cho đến năm 2024. Tỷ lệ trống văn phòng hạng A sau giai đoạn cải thiện từ quý II/2021, được dự đoán sẽ dần tăng lên, chạm mức hơn 25% trong năm 2024. Một làn sóng văn phòng hạng A mới sẽ xuất hiện. Trong khi đó, tỷ lệ trống văn phòng hạng B dự kiến cũng tăng trong hai năm tới nhưng sẽ sớm cân bằng trở lại với giai đoạn 2021 ở quanh mức 9% khi nguồn cung dần giảm đi.

Chuyên gia CBRE: TP HCM sẽ có thêm 5 tòa nhà văn phòng hạng A-B cuối năm, 8 dự án phức hợp hai năm tới - Ảnh 1.

Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển TP HCM chia sẻ tại họp báo sáng 6/7. Ảnh: Quang Anh

Chuyên gia CBRE nhận định tỷ lệ hấp thụ văn phòng cả Hạng A và Hạng B đều tăng trong thời gian qua. Hết năm 2022, TP HCM ước tính hấp thụ 48.000 m2 văn phòng cho thuê. Con số này có thể sẽ cao hơn.Tuy nhiên các tòa nhà văn phòng mới tại TP HCM dự kiến hoàn thành vào thời điểm khá muộn tại cuối quý IV, do đó tỷ lệ hấp thụ chỉ dừng ở mức hiện tại, bà Thiên Thanh cho biết.

Dù nửa đầu năm 2022 nguồn cung mới còn hạn chế so với năm 2021, thị trường văn phòng TP HCM vẫn tiếp tục ghi nhận sự phục hồi với tổng diện tích hấp thụ thuần khoảng 21.000 m2, tương đương 38% năm 2021. Tỷ lệ trống trung bình của hạng A giảm 1,6 điểm phần trăm theo quý và 2,1 điểm phần trăm theo năm xuống còn 10,1%, chủ yếu nhờ vào khả năng hấp thụ mạnh mẽ của khu vực văn phòng quận 7. Trong khi đó, tỷ lệ trống trung bình của hạng B giữ nguyên ở mức 9,7%, gần như tương đương với cùng kỳ năm ngoái.

Trong nửa đầu năm 2022, một tòa nhà hạng B mới hoàn thành là CMC Creative Space tại quận 7. Theo thống kê của CBRE, hiện tổng diện tích văn phòng cho thuê tại TP HCM ở mức 1,5 triệu m2. 

CBRE dự báo TP HCM sẽ đón khoảng 30.000 m2 sàn vào nửa cuối năm 2022 từ 3 tòa nhà hạng B và 2 tòa nhà hạng A. Dọc bờ sông Sài Gòn, nhiều tòa nhà văn phòng trước đây từng phải tạm dừng việc thi công do dịch nay đã xây dựng trở lại, tạo nên một khu vực tòa nhà văn phòng mới hiện đại, hoành tráng. Tổng nguồn cung cho thuê của khu vực dọc bờ sông Sài Gòn là 250.000 m2.  

CBRE ước tính năm 2023 và 2024, TP HCM sẽ có thêm 8 dự án phức hợp văn phòng được hoàn thiện với tổng nguồn cung 265.000 m2, trong đó hiện có 4 dự án đang có tiến độ xây dựng tích cực trở lại sau thời điểm dịch bệnh Covid.

Về mục đích thuê, các giao dịch về chuyển địa điểm vẫn chiếm phần lớn với hơn 50% tổng số giao dịch, còn lại là các giao dịch về mở rộng, gia hạn và thuê mới, lần lượt chiếm 27%, 12% và 10%. Các giao dịch thu hẹp mặt bằng đã không còn xuất hiện như ở thời điểm năm 2020 và 2021.

Bà Thiên Thanh nhận định nếu giai đoạn dịch bệnh 2020 và 2021 các không gian làm việc linh hoạt đã phải đóng cửa hoàn toàn, đến 6 tháng đầu năm 2022 CBRE ghi nhận sự trở lại với tỷ lệ lấp đầy hơn 90%. Các đơn vị vận hành vẫn đang tích cực tìm kiếm mặt bằng mới để mở rộng diện tích kinh doanh đáp ứng nhu cầu ngày tăng lên của khách thuê. Trong đó, tại TP HCM hiện có ba không gian làm việc linh hoạt được mở mới và mở rộng với tổng diện tích khoảng 3.300 m2 và thời gian khai trương dự kiến đều rơi vào quý III.

Chuyên gia CBRE cho biết các công ty đa quốc gia, các tập đoàn lớn ưa chuộng không gian làm việc linh hoạt, bởi loại hình này giúp các doanh nghiệp giảm bớt rủi ro từ phía thị trường, họ có thể dễ dàng mở rộng hoặc thu hẹp mặt bằng thuê một cách nhanh chóng, dễ dàng kiểm soát chi phí.

Ngành công nghệ thông tin và sản xuất chiếm gần 50% tổng diện tích giao dịch, chuyên gia CBRE đánh giá. Trong đó, ngành công nghệ thông tin với tốc độ phát triển nhanh và nguồn vốn đầu tư dồi dào tiếp tục mở rộng mặt bằng thuê với thời gian quyết định chỉ trong 3-6 tháng. Cùng với sụ phục hồi của ngành sản xuất sau đại dịch, các công ty cung ứng (logistics) cũng trở lại Việt Nam và tích cực tìm kiếm mặt bằng thuê văn phòng với tỷ lệ giao dịch thành công tăng trong việc thuê mới. Tất cả các công ty này đều là các nhãn hàng đến từ Mỹ với sản phẩm đa dạng như thiết bị dã ngoại, đồ thể thao, chuyên gia CBRE cho biết.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm