Từ sáng sớm nay (25-9), mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới khiến nhiều tuyến đường nội thành Đà Nẵng ngập cục bộ.
Ghi nhận của PV, các trục đường chính như Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Lê Đình Lý, Hàm Nghi….nước lênh láng, xe cộ đi lại rất khó khăn, một số xe chết máy. Cá biệt nút giao Phạm Văn Đồng – Ngô Quyền nước ngập gần đến đầu gối.
Hàng loạt nguyên nhân gây ngập
Mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây ngập tại nút giao Phạm Văn Đồng - Ngô Quyền, quận Sơn Trà, Đà Nẵng sáng 25-9. Ảnh: TẤN VIỆT
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Cửu Loan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng cho hay, có nhiều lý do khiến TP ngày càng dễ ngập.
Theo ông Loan, Đà Nẵng phát triển nhanh trên nền đô thị cũ. Hệ thống thoát nước trung tâm TP không được mở rộng, công tác nạo vét chưa kịp thời một phần do khó khăn về kinh phí.
Ngoài ra, Đà Nẵng bê tông hóa quá nhiều nhưng hệ thống thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ khiến cho năng lực thoát nước bị hạn chế.
“Ý thức của người dân cũng rất quan trọng. Bây giờ rác thải, xà bần xây dựng cứ tấp xuống miệng cống làm bít cống, không thể thoát nước được. Đà Nẵng đang rất đau đầu với chuyện này”, ông Loan nói.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, vài thập niên gần đây Đà Nẵng phát triển nóng nhưng hạ tầng chưa tương xứng với diện tích sàn xây dựng thêm.
Nguyên nhân có một phần áp lực từ ngân sách Nhà nước. Bởi việc nâng cấp hạ tầng hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách, trong khi các dự án tư nhân cũng phải có trách nhiệm đóng góp kinh phí này.
Gợi ý giải pháp khắc phục
Nhiều tuyến đường nội thành Đà Nẵng bị ngập khiến giao thông ách tắc. Ảnh: MINH TRƯỜNG
Ông Sơn cho hay, thời gian qua, Đà Nẵng chỉ tập trung phát triển đô thị, tăng diện tích sàn nhưng không tăng tương xứng diện tích không gian xanh. Đà Nẵng không gian xanh rất thiếu, đô thị nhà cao cửa rộng, hiện đại nhưng công viên rất thiếu.
Bên cạnh đó, diện tích mặt nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thoát nước. Vì khi hạ tầng đô thị không đủ để thoát nước thì không gian xanh là vùng trũng trong đô thị sẽ tạm thu lượng nước đó, khi mưa tạnh sẽ từ từ thoát ra sông, biển.
“Tôi đã nhiều lần góp ý với Đà Nẵng là TP rất thiếu không gian xanh nhưng hiện vẫn chưa cải thiện được. Rồi việc lấp sông để làm dự án, giờ Đà Nẵng phải quy hoạch lại hệ thống sông rạch kết nối với nhau để nước thoát về đó”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, Đà Nẵng rất cần bổ sung mạng lưới hồ điều tiết. Nếu có đất thì làm nổi, không có đất thì làm ngầm. Quy hoạch chung Đà Nẵng do tư vấn Singapore làm có khái niệm “TP ngàn hồ”, nhưng quy hoạch là vậy, còn hiện giờ chưa làm được.
Ông Sơn gợi ý Đà Nẵng phải rà soát lại quỹ đất công, dùng quỹ đất trống chưa sử dụng để làm công viên, tăng mảng xanh đô thị.
“Với xu hướng phát triển lên cao tầng, có nhiều cơ quan công đang thấp tầng thì mình gom lại cho lên cao tầng. Đất đó chuyển thành công viên, hồ điều tiết. Khu vực nào đang ngập nặng phải bổ sung công viên, hồ điều tiết thì mới giảm ngập được. Khu vực nào hạ tầng không xứng tầm với diện tích sàn ở trên thì phải có kế hoạch nâng cấp lên”, ông Sơn cho hay.
Trả lời cử tri hồi tháng 6-2023, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho hay, TP đang tập trung cho công tác xử lý ngập úng. “TP đang lên phương án tổng thể chống ngập úng, dự kiến hơn 1.000 tỉ đồng. Từ nay đến cuối năm sẽ nạo vét các kênh mương, khơi thông cống rãnh. Ngoài ra TP sẽ khơi thông các hồ trong sân bay để dự trữ nước, đầu tư hệ thống thoát nước xung quanh sân bay”, ông Chinh nói. |