Mới đây, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải phòng, TP Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 1,4 tỷ USD. Với số vốn này, TP Hải Phòng đã vươn lên trở thành quán quân thu hút FDI của cả nước tính đến thời điểm hiện tại.
Trong 8 tháng đầu năm, TP Hải Phòng đang là địa phương đứng thứ hai trên cả nước về thu hút FDI với tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn tăng thêm và vốn góp mua cổ phần đạt 2,08 tỷ USD, chỉ xếp sau Hà Nội. Hải Phòng cũng xếp trên nhiều thủ phủ công nghiệp như TP HCM thu hút được 1,96 tỷ USD vốn FDI, Bắc Giang 1,49 tỷ USD, Bình Dương 1,27 tỷ USD hay Bắc Ninh 1,1 tỷ USD.
Với việc tăng thêm 1,4 tỷ USD FDI trong tháng 9, TP Hải Phòng nắm chắc vị trí quán quân trên bảng xếp hạng thu hút FDI 9 tháng đầu năm và có thể là cả năm 2023.
Đáng chú ý, trong số dự án mà TP Hải Phòng vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư có dự án Nhà máy sản xuất vật liệu phân huỷ sinh học công nghệ cao, của nhà đầu tư Ecovance.Co.Ltd - Tập đoàn SK trị giá tới 500 triệu USD. Đây cũng là lần đầu tiên SK Group đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Vậy điều gì làm nên thành công của TP Hải Phòng trong việc thu hút FDI đặc biệt là các dự án đầu tư nước ngoài chất lượng cao?
Chỉ mất 3 tháng từ xúc tiến đến đầu tư
Không thể phủ nhận lợi thế của Hải Phòng trong thu hút đầu tư FDI khi có hệ thống giao thông thuận tiện, vừa có cảng biển, vừa có sân bay lại kết nối với các đô thị lớn trong khu vực phía Bắc, tuy nhiên chỉ riêng lợi thế đó là chưa đủ.
Điểm thu hút của Hải Phòng trong thu hút các dự án FDI tầm cỡ còn phải kể đến thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư nhanh chóng, chỉ mất ba tháng kể từ giai đoạn xúc tiến đến việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Chia sẻ tại sự kiện trao giấy chứng nhận đầu tư cho SK Group, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cũng cho biết đây là một trong những dự án cụ thể hóa Chương trình xúc tiến đầu tư của Hải Phòng tại Hàn Quốc tháng 6/2023 vừa qua.
Với tổng vốn 500 triệu USD, Dự án của SK có mục tiêu sản xuất vật liệu phân huỷ sinh học PBAT, PBS, PBATS trên diện tích 32.089 m2, lô đất CN5.5G2, khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng I, thuộc Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải.
SK hiện là tập đoàn lớn thứ hai của Hàn Quốc đứng sau Samsung. Nếu Tập đoàn SK sẽ tiếp tục đầu tư và xem Hải Phòng như một địa bàn trọng điểm đầu tư, đây có thể là một sự kiện sẽ làm thay đổi bộ mặt toàn thành phố, tương tự như khi Samsung đầu tư vào Bắc Ninh hay Thái Nguyên.
Không chỉ có những dự án mới, sau chuyến công tác vào tháng 6, Tập đoàn LG Innotek đã quyết định tăng vốn đầu tư thêm 1 tỷ USD vào Hải Phòng, nâng tổng vốn đầu tư của toàn dự án là 2,05 tỷ USD hay việc Kyocera Document Solutions Inc., Nhật Bản điều chỉnh tăng vốn 237,5 triệu USD nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên 425 triệu USD.
Những kết quả này là nhờ sự nỗ lực của đoàn lãnh đạo TP Hải Phòng đã đến Hàn Quốc, Nhật Bản hồi tháng 6 để gặp trực tiếp các doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư vào thành phố. Cùng với các tập đoàn kinh tế lớn đã hiện diện tại Hải Phòng như SK, LG, Bridgestone, GE, Kyocera, Fuji Xerox, Regina Miracle, Pegatron, Hải Phòng còn được dự báo sẽ đón thêm nhiều nhà đầu tư lớn trong tương lai.
Không thể chậm trễ trong thu hút "đại bàng"
Môi trường đầu tư tại Việt Nam đang gặp thách thức rất lớn, từ thuế tối thiểu toàn cầu đến sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ. Theo các chuyên gia, các nhà đầu tư vẫn coi Việt Nam là một điểm đến sáng giá của dòng vốn đầu tư FDI song họ cũng lo ngại về thực hiện thủ tục khó khăn hay chậm chạp.
Các tổ chức nước ngoài như Eurocham hay Amcham đều đánh giá Việt Nam là điểm đến của đầu tư quốc tế nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam đã giảm sút rất nhiều, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VAFIE) đánh giá.
Theo ông, xu hướng của các nhà đầu tư lớn hiện nay ngoài việc quan tâm đến ưu đãi đầu tư còn rất quan tâm đến thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư. "Các doanh nghiệp nước ngoài dự định đầu tư vào Việt Nam nhưng nếu gặp các khó khăn trong thủ tục nhất là việc kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư thì họ sẽ không đầu tư vào", ông Mại nói.
Đã từng có trường hợp nhà đầu tư phản ánh về việc thủ tục của họ bị kéo dài hàng tháng có khi là cả năm hoặc phải chung chi, lót tay dẫn đến lãng phí nguồn lực về tài chính cũng như chi phí cơ hội của doanh nghiệp, chuyên gia cho hay.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa họ quan tâm nhiều về thuế, ưu đãi còn các doanh nghiệp lớn thì ưu đãi chỉ là một phần mà cái họ quan tâm là tốc độ để ra sản phẩm hoàn chỉnh.
GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE
"Muốn 'đại bàng làm tổ' ở Việt Nam thì một yếu tố quan trọng là thời gian. Khi các tập đoàn đa quốc gia đầu tư thì họ ra quyết sách trong thời gian rất ngắn và chỉ 6 tháng đến 1 năm sau là phải có sản phẩm ra thị trường vì họ đã tính đến việc ký kết các Hiệp định đầu tư để thương mại ra thị trường thế giới.
Với tình trạng ở Việt Nam hiện nay, mỗi thủ tục cấp cho doanh nghiệp có thể kéo dài vài tháng đến thậm chí vài năm đặc biệt là sau khi cấp giấy phép còn nhiều khâu "gian nan" như giải phóng mặt bằng, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường,...
Như vậy, Việt Nam có cơ hội mà không tranh thủ để thu hút "đại bàng" về làm tổ, chuyên gia nhấn mạnh.