Xã hội

Chuyên gia: Áp lực lạm phát nửa cuối năm có thể đến từ tỷ giá và tín dụng

Hội thảo khoa học với chủ đề "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2025. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)

Tại hội thảo khoa học với chủ đề "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2025" sáng 9/7 tại Hà Nội, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Bộ Tài chính cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trung bình 6 tháng đầu năm đã tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức trung bình của giai đoạn 2015-2024 là 2,81%. Lạm phát cơ bản cũng ở mức 3,16%. 

Theo đó, áp lực lạm phát chủ yếu đến từ nhóm dịch vụ y tế và nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (tăng 5,73%). Đặc biệt từ quý II, trước sức ép từ chính sách thuế quan của Mỹ, tỷ giá USD/VND bình quân đã tăng 3,3% so với cùng kỳ, đồng thời gây áp lực lên giá cả.

Tuy nhiên, theo ông Độ, giá hàng hóa cơ bản trên thế giới lại có xu hướng giảm, nên về tổng thể, chỉ số giá hàng hóa nhập khẩu đã giảm 1,57 % và giúp giảm áp lực lạm phát. 

"Về tổng thể,  áp lực lạm phát trong 6 tháng đầu năm không quá lớn, mặc dù cao hơn mức trung bình của giai đoạn 2015-2024", ông Độ nhìn nhận. 

Diễn biến lạm phát trung bình 6 tháng đầu năm  giai đoạn 2015-2025. (Nguồn: Cục Thống kê, Bộ Tài chính)

Trong nửa cuối năm 2025, ông Độ dự báo áp lực lạm phát cũng sẽ không lớn do các yếu tố tác động khiến giá cả tăng/giảm sẽ đan xen nhau. Với giả định CPI trong 6 tháng cuối sẽ tăng trung bình 0,27%/tháng, tương đương mức tăng trung bình trong 6 tháng cuối năm của giai đoạn 2015-2024, lạm phát trung bình cả năm 2025 được dự báo ở mức 3,4%.

Trong trường hợp căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn kéo dài và dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, giá các hàng hóa cơ bản giảm mạnh, lạm phát trung bình cả năm 2025 có thể chỉ ở mức 3%",

 "Năm 2025 nhiều khả năng sẽ là năm thứ 11 liên tiếp Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát ở mức dưới 4%", ông Độ nêu rõ. 

Áp lực từ tỷ giá và tăng trường tín dụng 

Mặc dù lạm phát trung bình cả năm 2025 được dự báo sẽ xoay quanh mức 3,4%, song ông Độ cũng lưu ý các áp lực từ tỷ giá và tăng trường tín dụng đến lạm phát cần được theo dõi sát sao để có chính sách kiểm soát lạm phát phù hợp. 

Phân tích cụ thể, theo ông Độ, trong 6 tháng đầu năm, tỷ giá USD/VND đã tăng tương đối mạnh,bất chấp đồng USD có xu hướng giảm giá trên thị trường quốc tế. Điều này trái với quy luật thông thường, chẳng hạn như trong 6 tháng cuối năm 2024 chỉ số DXY và tỷ giá USD/VND biến động cùng chiều.

Nguyên nhân chính khiến tỷ giá USD/VND biến động ngược chiều với chỉ số DXY trong năm 2025 là do chính sách tăng thuế nhập khẩu của Mỹ dẫn đến lo ngại xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực, khiến nguồn cung USD sụt giảm. Ngoài ra, chính sách thuế quan mới của Mỹ được dự báo cũng khiến lạm phát tại nước này giảm chậm, do đó lãi suất tại Mỹ sẽ được duy trì ở mức cao trong một thời gian dài hơn.

Chênh lệch lãi suất giữa USD và VND cao sẽ tiếp tục tạo sức ép lên tỷ giá. Với việc chính sách thuế quan của Mỹ vẫn còn nhiều bất định, đồng thời mức thuế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam cao hơn so với trước đây, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ gặp nhiều thách thức trong nửa cuối năm 2025 và gây sức ép lên tỷ giá và lạm phát. 

Trong khi đó, với định hướng tăng trưởng tín dụng trong cả năm 2025 là 16%, đồng thời Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng GDP đạt 8% năm 2025, nhiều khả năng cung tiền sẽ tiếp tục tăng nhanh hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa khá nhiều và gây sức ép lên giá cả thời gian tới.

Tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2015-2024  và định hướng năm 2025. (Nguồn: Cục Thống kê, Bộ Tài chính) 

Ở chiều ngược lại, có nhiều yếu tố giúp kiềm chế lạm phát. Trong đó, việc xuất khẩu gặp nhiều thách thức tại thị trường Mỹ (do thuế quan) cũng như tại các thị trường khác (do tăng trưởng kinh tế thấp) sẽ khiến nguồn cung hàng hóa trong nước dồi dào hơn, giúp giảm áp lực lạm phát.  

Cùng với đó, giá các hàng hóa cơ bản đang có xu hướng giảm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng chậm lại đáng kể do thuế quan. 

"Những thách thức đối với tăng trưởng của Việt Nam và thế giới cũng sẽ đồng thời là các yếu tố giúp cản đà tăng của giá cả trong nửa cuối năm 2025", ông Độ lưu ý. 

Các tin khác

Triệt phá nhóm lừa đảo, rửa tiền quy mô 1.200 tỷ đồng: Đối tượng cầm đầu chuyên code web đồi truỵ

Kết quả điều tra xác định: Các đối tượng có trình độ hoặc am hiểu, yêu thích tìm hiểu công nghệ thực hiện hành vi phạm tội thông qua việc quản trị hệ thống trung gian thanh toán trái phép hoạt động online được tích hợp trực tiếp với các cổng game online trái phép - địa chỉ IP ở nước ngoài.

Miền Bắc mưa lớn đỉnh điểm

Từ sáng nay (11/7) đến đêm mai sẽ là đỉnh điểm đợt mưa lớn đang diễn ra ở miền Bắc. Mưa xuất hiện theo đợt với cường độ mưa vừa, mưa to đến rất to. Trọng tâm mưa là các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Nội, Bắc Ninh.

Giá xăng dầu đồng loạt tăng

Trong kỳ điều hành giá xăng dầu chiều nay 10.7, giá xăng dầu đồng loạt được điều chỉnh tăng, trừ giá dầu mazut 180CST 3.5S.

Giá vàng quay đầu giảm

Sáng nay (10/7), giá vàng trong nước lại quay đầu giảm nhẹ. Theo đó, vàng miếng SJC mất mốc 121 triệu đồng/lượng nhưng vẫn cao hơn giá vàng thế giới gần 15 triệu đồng/lượng.

‘Siêu’ dự án Tây Hồ Tây được giao thêm đất xây cao ốc

Trong gần 70.000 m2 đất giao cho Công ty TNHH Phát triển THT để thực hiện Dự án Khu trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây (giai đoạn 2) có khu đất xây nhà ở cao tầng; xây khu hỗn hợp dịch vụ công cộng, thương mại kết hợp nhà ở cao cấp...