Nhiều bạn trẻ tài năng quan tâm và tham gia sâu vào các chương trình mang lại giải pháp chuyển đổi xanh.
Chuyển đổi xanh và nhu cầu nhân lực tại Việt Nam
Theo kết quả khảo sát được ManpowerGroup Việt Nam công bố về cơ hội việc làm "xanh" và phát triển bền vững tại Việt Nam năm 2022, nhu cầu về việc làm "xanh" ngày càng nhận được sự quan tâm lớn của người lao động. Nhu cầu việc làm "xanh" cao nhất đến từ các ngành sản xuất (48%), năng lượng (34%), nông nghiệp (11%) và công nghệ (4%).
Việc tham gia nhiều dự án nghiên cứu, tham gia sáng kiến xanh, hay kỹ năng phân tích dữ liệu môi trường sẽ là lợi thế cạnh tranh quan trọng, giúp các ứng viên tiếp cận với các cơ hội việc làm xanh đa dạng, với cơ hội phát triển chuyên môn luôn rộng mở.
Nâng cao năng lực canh tranh nghề nghiệp thông qua tham gia nhiều dự án nghiên cứu, tham gia sáng kiến xanh
Mặc dù vậy, cần định hướng và hỗ trợ để xây dựng nguồn nhân lực này trở thành lực lượng lao động chuyên nghiệp, từ đó thúc đẩy nhanh chóng hơn nữa quá trình xanh hóa nền kinh tế.
"Tại thời điểm này, nhu cầu về kỹ năng xanh đang vượt xa khả năng sẵn có. Đến năm 2030, 60% thanh niên có thể thiếu các kỹ năng cần thiết để phát triển trong nền kinh tế xanh. Chúng ta phải giải quyết sự chênh lệch này và đảm bảo rằng tất cả mọi người, bất kể xuất thân hoặc giới tính của họ đều có quyền tiếp cận như nhau đối với những kỹ năng này" - bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, đánh giá.
Đi tìm sáng kiến chuyển đổi xanh
Là một trong những hoạt động hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa, chương trình "Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024" đã được tổ chức nhằm tìm kiếm và vinh danh các sáng kiến mới, giải pháp đổi mới sáng tạo trong việc thúc đẩy, nâng cao tính hiệu quả của chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa.
Được tổ chức với sự phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Unilever Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh BritCham, Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF), chương trình còn là nền tảng kết nối nhà đầu tư với các cá nhân, các start up có các giải pháp đổi mới, sáng tạo trong hoạt động phân loại, thu gom và tái chế rác thải bao bì nhựa, đưa các sáng kiến từ kế hoạch trên giấy đến thực thi ngoài đời thực thông qua các nguồn hỗ trợ tài chính.
Hội thảo thông tin "Rác và Cơ hội việc làm" tổ chức dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp tại văn phòng Unilever Việt Nam
Nằm trong chương trình "Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024," hội thảo thông tin "Rác và Cơ hội việc làm" đã được tổ chức dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp tại văn phòng Unilever Việt Nam (TP.HCM).
Sự kiện nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của phát triển bền vững, thị trường lao động trong xu hướng "chuyển đổi xanh", cũng như giới thiệu các cơ hội nghề nghiệp và tập huấn về đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực môi trường.
Tại hội thảo, các đại diện đến từ Unilever, Tổ chức phi lợi nhuận Dear Our Community, Công ty cổ phần Đồng Tiến, Tổ chức Đổi mới sáng tạo toàn cầu Schoolab Asia, đã có những chia sẻ thiết thực tới các sinh viên dựa trên chính những kinh nghiệm và trải nghiệm của bản thân.
Bà Kelly Võ, giám đốc Dear Our Community, đã nhấn mạnh ngành liên quan đến phát triển bền vững là ngành duy nhất không thuộc mảng kỹ thuật, có tốc độ tăng trưởng đứng thứ 2 trong số 10 vị trí công việc (cùng với các ngành về trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, bảo mật thông tin...).
Chương trình khuyến khích các đội thi tập trung vào các mục tiêu môi trường để cho ra những giải pháp sáng tạo trong chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa
Là người đứng đầu phòng Phát triển bền vững của công ty, bà Võ Lương Bình Nguyên đã giải đáp các câu hỏi thường gặp như "Học môi trường thì sẽ làm việc gì?", "Nên làm gì khi muốn làm Môi trường mà không học ngành môi trường?", "Nên bắt đầu từ đâu?". Bà Nguyên cho rằng 3 kỹ năng cần thiết để làm nên "kỹ thuật xanh" là: Kỹ năng hợp tác, quản lý và kỹ thuật.
Đồng thời, với vai trò là ban tổ chức "Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024", bà Nguyên nhấn mạnh chương trình như một cơ hội quý giá để biến ý tưởng trở thành hiện thực, là nền tảng có thể sinh lợi nhuận và đạt được những mục tiêu lâu dài.
"Giải pháp Đổi mới tuần hoàn nhựa 2024" là một nỗ lực quan trọng nhằm tìm kiếm các giải pháp để giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Chương trình không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của rác thải nhựa đến môi trường mà còn tạo ra cơ hội kinh tế mới, thông qua việc tận dụng rác thải nhựa như một tài nguyên quý giá.
Chương trình này minh chứng cho cam kết mạnh mẽ của Unilever hướng tới mục tiêu 100% bao bì sản phẩm đều có thể tái chế vào năm 2025.
Việc phát triển xanh và bền vững là mục tiêu chung lâu dài của xã hội, của đất nước. Thông qua chương trình "Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024", thị trường lao động trong lĩnh vực chuyển đổi xanh cũng sẽ được thúc đẩy, phát triển sôi động hơn bao giờ hết, là cơ hội phát triển, kết nối với những người đam mê, mong muốn cống hiến ở lĩnh vực sản xuất xanh, bền vững đến với các tổ chức doanh nghiệp.
Unilever Việt Nam góp phần thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn
Thời gian qua, Unilever đã phối hợp các đơn vị phân loại và xử lý, tái chế bao bì nhựa mềm để đưa ra các giải pháp bền vững đối với loại rác thải nhựa. Dự án đã mở ra hướng đi mới bằng việc đầu tư vào công nghệ và quy trình để tái chế nhựa, góp phần bảo vệ môi trường và tận dụng nguồn lực.
Đến nay, 63% bao bì của Unilever Việt Nam có khả năng tái chế. Unilever cũng cắt giảm 52% lượng nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì.
Ngoài ra, Unilever tổ chức chương trình "Hồi sinh rác thải nhựa", cải thiện đời sống cho 2.500 lao động ve chai, giúp họ ổn định về thu nhập, nâng cao kiến thức và kỹ năng, đảm bảo sức khỏe lao động.
Dự án "Kinh tế tuần hoàn nhựa" của Unilever tiếp tục được thực hiện với mục tiêu 100% bao bì sản phẩm đều có thể tái chế vào năm 2025, thu gom và xử lý rác thải nhựa nhiều hơn lượng bao bì sản phẩm mà doanh nghiệp bán ra. Dự án Kinh tế tuần hoàn nhựa là một trong những dự án quan trọng giúp Unilever được vinh danh tại Giải thưởng Human Act Prize.