Rõ ràng, đang có một thực tế cho thấy, một số công ty công nghệ lớn bao gồm Google, Apple và Microsoft đã chuyển các dây chuyền sản xuất công nghệ phổ biến nhất thế giới của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Kế hoạch của Google
Theo thông tin từ tờ The New York Times cho biết: “Một phần trong quá trình sản xuất điện thoại Pixel mới nhất của Google sẽ được thực hiện tại Việt Nam”. Cũng theo báo cáo, Google hy vọng Việt Nam sẽ cung cấp “một nửa mức cao nhất của năm tới, điện thoại Pixel cuối cùng”.
Google đã trình bày hai mẫu điện thoại Pixel 7 và Pixel 7 Pro trong sự kiện Google I/O hồi tháng 5 vừa qua.
Bên cạnh đó, Google cũng đang có một thiết bị có thể gập lại trong quá trình chuẩn bị có thể được phát hành vào năm 2023, tuy nhiên, việc sản xuất của nó có thể vẫn ở Trung Quốc. Điều này là do màn hình và công nghệ bản lề được yêu cầu sản xuất phải gần gũi hơn với các nhà cung cấp chính ở Trung Quốc.
Mặc dù Google vẫn chưa chính thức xác nhận chiếc điện thoại có thể gập lại sắp tới của mình, nhưng người đưa tin nổi tiếng trên Weibo, Digital Chat Station tuyên bố rằng công ty vẫn đang có kế hoạch phát hành một chiếc vào quý 4 năm nay. Việc sản xuất có thể sẽ do Foxconn đảm nhận và sẽ bắt đầu sớm nhất là vào quý 3 năm 2022. Ngoài ra, Foxconn sẽ nhận sản xuất theo đơn đặt hàng Pixel 7.
Rò rỉ mẫu điện thoại có thể gập lại của Google.
Đại dịch COVID-19 vẫn đang là một yếu tố rất lớn trong việc gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc. Việc phong tỏa thường xuyên cũng gây ra sự chậm trễ trong sản xuất và ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của các công ty công nghệ lớn.
Bên cạnh đó, cuộc thương chiến Mỹ - Trung được bắt đầu dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, các biện pháp trừng phạt thuế quan được hai bên áp đặt lẫn nhau cũng đã gây ra sự gián đoạn nguồn cung, buộc một số công ty công nghệ lớn phải nghĩ đến chuyện rời khỏi Trung Quốc. Và Việt Nam được coi là điểm đến hứa hẹn.
Theo bước chân Apple?
Trước Google, Apple đã lên kế hoạch đàm phán để lần đầu tiên sản xuất Apple Watch và MacBook tại Việt Nam, đánh dấu một bước tiến nữa của Việt Nam trong kế hoạch đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc của các “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ.
"Gã khổng lồ" công nghệ Apple cũng đang lên kế hoạch chuyển sản xuất của Apple Watch và MacBook sang Việt Nam
Theo đó, các nhà cung cấp của Apple đặt tại Việt Nam như là Luxshare và Foxconn đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm Apple Watch ở Việt Nam với mục đích lần đầu tiên sản xuất thiết bị này bên ngoài Trung Quốc.
Việt Nam hiện đang được coi là trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple bên ngoài Trung Quốc, sản xuất một loạt các sản phẩm chủ lực cho công ty Mỹ, bao gồm cả máy tính bảng iPad và tai nghe AirPods. Danh sách 200 nhà cung cấp hàng đầu gần đây của Apple cho thấy khoảng 10% trong số họ đang vận hành các nhà máy tại Việt Nam.
Trước đó, hồi đầu tháng 6, Apple cũng đã đưa thông tin rằng, họ sẽ chuyển hoạt động sản xuất iPad sang Việt Nam trong bối cảnh trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung những năm qua và các biện pháp “zero-Covid” không khoan nhượng của chính quyền Bắc Kinh. Và Foxconn đang là nhà cung cấp được “chọn mặt gửi vàng”.
“AirPods, Apple Watch, HomePod và hơn thế nữa, Apple đang có những kế hoạch lớn ở Việt Nam, ngoài việc sản xuất iPhone”, một trong những người có kiến thức trực tiếp về vấn đề này cho biết.
Việt Nam có thể thay thế Trung Quốc?
Trung Quốc hiện vẫn đang là công xưởng sản xuất hàng điện tử lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sau nhiều biến cố bao gồm cuộc thương chiến Mỹ-Trung và đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều công ty công nghệ Mỹ phải toan tính đến chuyện thay đổi địa điểm sản xuất. Apple, Google và Microsoft là những ông lớn đang tìm cách chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Mặc dù vậy, có rất ít công việc quay trở về Mỹ. Bên cạnh Apple và Google, Microsoft và ngay cả Amazon, một gã khổng lồ công nghệ khác cũng đã đưa một phần quá trình sản xuất Xbox và Amazon's Fire TV đến Việt Nam và Ấn Độ.
Điều này có thể đang cho thấy, vai trò "công xưởng thế giới" của Trung Quốc đang lung lay hơn lúc nào hết.
Eddie Han, nhà phân tích cấp cao của Isaiah Research cho rằng: “Vai trò công xưởng quan trọng nhất thế giới của Trung Quốc đã bị thách thức kể từ sau cuộc chiến thương mại và sau đó là các chính sách năng lượng cùng zero-COVID. Điều đó thực sự khiến Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho nhiều nhà sản xuất điện tử khi họ đang dần phát triển hệ sinh thái chuỗi cung ứng của mình”.
Tuy nhiên, sẽ còn rất lâu để Trung Quốc có thể bị thay thế hoàn toàn. Nhìn chung, trong hơn 20 năm qua, ngành công nghiệp công nghệ đã xây dựng một chuỗi cung ứng chi phí thấp và đáng kể ở Trung Quốc. Chính vì vậy, việc thay đổi trong một sớm một chiều là điều bất khả thi.
"Chúng tôi còn một chặng đường dài phía trước để đa dạng hóa toàn bộ chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc", Mehdi Hosseini, chuyên gia tại Susquehanna International Group nhận định.