Dây chuyền mảnh, giày cao gót đen, váy midi công sở hiệu D.Chic, tóc buông xõa ngang lưng đậm vẻ nữ tính, Nguyễn Hoàng Anh - Cofounder Abivin - có vẻ ngoài mang hơi hướng một fashionista nhiều hơn là một nữ founder trong lĩnh vực công nghệ.
Abivin là một startup xây dựng phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giải bài toán trong logistics, giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics hoặc vận tải tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả vận hành và tự động hóa các quy trình vận hành truyền thống. Abivin được biết đến nhiều hơn khi các Cofounder - cũng là cặp vợ chồng Nam Long và Hoàng Anh - gọi vốn trên chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 2.
Một số dấu ấn khác của Abivin là giải vô địch Startup World Cup 2019 tại Mỹ, cùng danh hiệu startup trong lĩnh vực Logistics và supply chain tốt nhất khu vực ASEAN 2018.
Xuất hiện tại sự kiện mới đây, Hoàng Anh (Cassie Nguyễn) tâm sự, sau khi tốt nghiệp một đại học ở Phần Lan, bản thân rất mông lung không biết nên về Việt Nam hay quay trở lại Châu Âu học tiếp. Lúc ấy, cô đã có học bổng Thạc sỹ chuyên ngành Logistics và chuỗi cung ứng.
Trong khi chờ nhập học, cô làm việc cho một công ty phần mềm ở Việt Nam, và phát hiện ra rằng: Công nghệ mới là ngành có thể mang lại sự tăng trưởng đột biến, là ngành mang lại nhiều cơ hội để cô tạo ra một tầm ảnh hưởng nhất định, thay vì 3PL (Logistics bên thứ 3) - ngành cô mong ước từ thuở PTTH.
"Tôi quyết định bỏ chuyện học Master, mặc dù đã chuẩn bị hết", Cassie tâm sự.
Thách thức khi startup ở nước nhà: Người Việt luôn hỏi chuyện "Bao giờ lấy chồng, đẻ con?"
Ảnh minh họa.
Khi được hỏi về những khó khăn điển hình khi gây dựng Abivin, Cassie chỉ ra 2 câu chuyện chính.
Thách thức đầu tiên ở cấp độ doanh nghiệp luôn là chuyện nhân sự. Làm thế nào xây dựng được một đội ngũ nhân sự có thể phát triển hết khả năng của mình, trong khi cống hiến và cùng công ty phát triển lên 1 tầng cao mới, luôn là bài toán đau đầu của tất cả đơn vị, từ startup nhỏ đến tập đoàn lớn.
Còn thách thức về mặt cá nhân, Cassie thành thực rằng đôi khi cô cũng phải suy nghĩ một chút về việc cân bằng công việc - đời sống.
"Ở Việt Nam, chị em phụ nữ cứ "đến tuổi" sẽ bị hỏi rất nhiều chuyện "Bao giờ lấy chồng, đẻ con?". Rồi đến những ngày công việc đầy áp lực, nhất là startup, còn là startup trong lĩnh vực logistics thì xác định tâm thế luôn làm việc 24/7, làm thế nào cân bằng được cuộc sống gia đình, khi bố mẹ, họ hàng sẽ hỏi "Sao không dành thời gian chăm lo gia đình, về nhà nội trợ, nấu cơm rửa bát đúng giờ theo tiêu chuẩn vợ hiền"", Cassie kể.
Khi đối mặt với thách thức ấy, cô gái trẻ vừa tốt nghiệp cử nhân tại Phần Lan ôm mộng xây dựng một Unicorn B2B đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á đã trao đổi thẳng thắn với gia đình.
"Tôi chia sẻ rằng "Định nghĩa của con với gia đình không phải ở việc con có thể về nhà đúng giờ để nấu cơm, chuẩn bị mọi công việc nội trợ một cách chu toàn, bởi ở thời điểm hiện tại, đây là mục tiêu con đang hướng đến. Đấy là mục tiêu nếu đạt được con sẽ cảm thấy rất hạnh phúc".
"Một trong những điểm bố mẹ muốn lắng nghe là làm thế nào để con cái hạnh phúc. Tuy nhiên, mọi người có xu hướng gán những mác nhất định kiểu "thế này mới là hạnh phúc", và phải như thế chứ không được làm theo một hướng khác", Cofounder Abivin tâm sự.
Lợi và hại khi khởi nghiệp cùng chồng
Cặp vợ chồng Nam Long - Hoàng Anh gọi vốn trên Shark Tank Việt Nam mùa 2.
Trả lời câu hỏi của Trí thức trẻ về điểm Dễ và Khó khi hai vợ chồng cùng làm một công ty, Cassie cho rằng hiện tượng này có 2 mặt.
Mặt tốt khi hai vợ chồng là các cofounder thì rất tin tưởng nhau, có thể 100% tin là người còn lại chắc chắn làm tốt nhất trong lĩnh vực của họ, và sẽ làm những điều tốt nhất dành cho công ty.
"Đấy là điểm rất-rất tốt. Trong bất cứ mối quan hệ nào, lòng tin là yếu tố vô cùng quan trọng. Đấy là thế mạnh cực kỳ đặc biệt khi 2 vợ chồng cùng làm việc với nhau", Cassie nói.
Điểm mà Cassie gọi là "không hay ho lắm", là đôi khi sẽ có những xung đột, từ công việc về đến nhà vẫn khó chịu.
"Sẽ có những lúc như vậy. Nhưng khi nhìn lại, tôi thấy dù làm với cofounder nào chăng nữa cũng sẽ có những conflict tương tự. Quan trọng là làm thế nào rành rọt ra việc nào của ai, không được giẫm chân lên vai trò của người ấy để tránh bớt những xung đột", Cassie chia sẻ.
Trong trường hợp xung đột quá gay gắt, cách xử lý của các cofounder/vợ chồng Abivin là mời người Mentor hoặc Ban cố vấn (Board of Advisors) phân tích, liệt kê những điểm tốt/không tốt trong phương án của mỗi người để thuận tiện trong việc ra quyết định.
"Chúng tôi phải tự thuyết trình phương án của mình một cách chuyên nghiệp, bởi đây là công việc mà, không thể để cảm xúc lấn át được", Cassie nói.