Cách đây ít lâu, trên Quora rộ lên một câu hỏi rất hay, lôi kéo được vô vàn câu trả lời thú vị. Bản thân câu hỏi cũng rất đời thường và hầu như nơi nào cũng có thể áp dụng: “Mẹo vặt cuộc sống - Life hack mà ai cũng nên biết?”
Giữa rừng câu trả lời, có một điểm sáng rất gần gũi với Việt Nam ta, và cũng rất thiết thực trong thời đại không khí ngày một bụi bẩn. Đó là “lời vàng ý ngọc” của Thomas Talhelm , trợ lý giáo sư môn Khoa học Hành vi, là nhà sáng lập của startup Smart Air, thiết kế nên những bộ lọc không khí hiệu quả với giá rẻ.
Đây là nội dung câu trả lời của Thomas:
Đây là mẹo tôi thực hiện trong phòng ngủ của mình, rồi với may mắn, nó tìm tới được mái ấm của 40.000 gia đình tại Trung Quốc và Ấn Độ. Ban đầu, tôi chỉ cố gắng giải quyết vấn đề bản thân mình gặp phải thôi.
Tôi bị ho khá nặng. Và không khí bên ngoài cửa phòng ngủ của tôi trông như thế này đây:
Tôi đang sống trong cảnh “tận thế không khí” giữa Bắc Kinh, và cuối cùng cũng đã hiểu tại sao mùa đông năm đó, tuần nào tôi cũng ho và cảm lạnh.
The Guardian đưa tin về tình trạng ô nhiễm đáng báo động tại Bắc Kinh.
Tôi nghĩ vấn đề này cũng đơn giản thôi. Cứ mua một bộ máy lọc không khí là được mà! Cho đến khi thấy thiết bị lọc không khí mà mọi người vẫn truyền tai nhau có giá tới 2.000 USD!
Kể cả những máy giá rẻ cũng tiêu tốn tới 500 USD rồi. Tôi đang là một cậu sinh viên nghèo, bỏ tiền ra theo ngành nghiên cứu tâm lý học, lấy đâu ra tiềm lực tài chính để trang hoàng phòng ngủ của mình với một thiết bị lọc khí tốn kém.
Nhưng bản thân tôi “đánh hơi” thấy mùi lừa đảo. Có thật là hệ thống lọc không khí tốn tới cả ngàn USD không? Đây là lúc tôi có thể liều mình khẳng định mình đã nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này, nhưng thực tình nếu nói vậy, thì chỉ là nói quá thôi. Mọi thông tin tôi tìm được đều đã sẵn trên trang Wikipedia này rồi.
Đường link dẫn về HEPA, chỉ số tiêu chuẩn hiệu năng của một hệ thống lọc không khí, viết tắt cho hấp thụ hạt trong không khí với hiệu quả cao.
- Một tấm lọc HEPA sẽ lưu giữ được 99% các hạt bụi có kích cỡ trên dưới 0,3 micromet.
- Người ta phát minh ra tấm lọc HEPA vào thập niên 40.
- Người phát minh ra nó không đăng ký bản quyền, nên ai cũng có thể tự làm một tấm lọc không khí cho riêng mình.
- Giá thành rẻ lắm, bởi chất liệu làm lưới lọc là sợi tổng hợp, chẳng khác gì vải áo hoặc vải làm balo cả.
Nhân tiện đang du học ở Trung Hoa và có yếu tố địa lợi, tôi tìm được một nhà máy sản xuất tấm lọc HEPA. Đặt hàng về tận cửa với giá 15 USD và đính vào quạt tại nhà.
Trông không đẹp đẽ lắm. Vì chẳng có chỗ nào để treo được tấm lọc không khí vào cả, tôi dùng một cuộn thước dây may đo để buộc hai thứ lại với nhau.
Tôi đã có trong tay mọi thành phần thiết yếu của một máy lọc không khí, vậy nên trên lý thuyết nó sẽ phải vận hành được. Nhưng liệu có có thực sự hoạt động được không? Tôi bỏ ra tận 30 USD để làm được cái máy lọc rồi, và cố móc hầu bao ra thêm 300 USD để mua một thiết bị đo hạt bụi trong không khí bằng tia laser (đây là mẫu rẻ nhất tôi có thể tìm được).
Bước đi không thông thái lắm, nhưng tôi muốn khẳng định khám phá của mình. Sau 5 tuần cho quạt chạy, có thể thấy lượng bụi bám lên tấm lọc khá đáng kể.
Nhưng tôi muốn biết rõ tấm lọc không khí có bắt được những hạt bụi siêu mịn có khả năng đi sâu vào phổi con người. Thiết bị đo đạc trị giá 300 USD sẽ giúp tôi trả lời câu hỏi đó.
Đây là kết quả thiết bị lọc khí của tôi, khi bật nó trong phòng ngủ hơn 8 giờ đồng hồ.
Tôi liên tục thử thiết bị mới, suốt cả trăm ngày, trong căn phòng có hệ thống kiểm soát nghiêm ngặt, sử dụng một cái quạt công suất cao hơn để đối chọi với những máy lọc không khí tới từ những hãng hàng lớn - thứ tôi mượn về từ những người bạn giàu có hơn. Rồi tôi cũng thu thập đủ dữ liệu để khẳng định mình đã thành công. Thiết bị lọc không khí tự chế với giá 30 USD có khả năng lọc được phần lớn hạt bụi siêu nhỏ có trong phòng ngủ của tôi.
Tôi muốn nói cho cả thế giới biết những cỗ máy lọc nghìn đô là đồ lừa đảo. Tôi đã mở nguồn mọi dữ liệu tôi có, mọi cách thức thử nghiệm tôi làm. Tôi viết hướng dẫn cách tự chế máy lọc không khí.
Tôi đã nghĩ chỉ vài người hay xách balo đi du lịch mới chú ý tới sản phẩm này. Nhưng hóa ra số người đối mặt với vấn đề không khí bẩn nhiều hơn tôi tưởng! Một ngày đẹp trời, tôi thấy tờ The Atlantic lên bài về máy lọc không khí bé nhỏ của tôi.
Rồi cả Bloomberg cũng để mắt tới.
Còn đây là bản mặt tôi …
Tôi thấy mẹo vặt của mình cũng đơn giản lắm, nhưng dần rồi nhận được những email được viết trong bối rối. “Tôi không tìm thấy loại quạt đó! Tôi có thể dùng quạt này thay thế không?”
Rồi “Ý tưởng hay lắm, nhưng tôi lười quá, không muốn tự làm một cái!”
Vậy nên tôi cùng hai người bạn dựng lên một website , nhận trách nhiệm chuyển những thiết bị lọc không khí chúng tôi làm được tới toàn cõi Trung Hoa. Chúng tôi đặt tên cho dự án là Smart Air.
Đó là câu chuyện của 6 năm về trước. Tới thời điểm này, tôi đã chuyển được thiết bị lọc không khí giả rẻ tới 40.000 người trên khắp Trung Quốc.
Và bởi không chỉ Trung Quốc đối mặt với nạn ô nhiễm không khí, chúng tôi khởi động chương trình Smart Air tại Ấn Độ, Mông Cổ và Philippines. Tôi đang cố gắng gây quỹ để vận hành dự án sản xuất bộ lọc không khí giá rẻ với quy mô toàn cầu.
Trong thời gian đó, tôi đã hoàn thành việc lấy bằng Thạc sĩ, công việc thường ngày của tôi vẫn là nhà tâm lý học. Tôi không phải chuyên gia ngành ô nhiễm không khí, chỉ là một cậu mọt sách cứng đầu gặp phải vấn đề nan giải, rồi phát hiện ra không chỉ riêng mình vò đầu bứt tai với vấn nạn đó.
Tôi không ngờ dự án tự làm trong phòng ngủ của mình lại có thể tìm được đường tới nhà của mọi người. Có lẽ “mọt sách” cũng có cái lợi của mình.
Chúc các bạn hô hấp an toàn!