Theo Telegraph, Christoph Sieberer, nhà phân tích quy trình làm việc tại Apple ở London, bí mật chụp ảnh một đồng nghiệp nữ ở căng-tin và gửi vào nhóm chat có ba người hồi năm ngoái. Người này sau đó chụp một ảnh khác từ góc trên tầng ba nhìn xuống và gửi cho nam nhân viên có tên Thomas - người đang "phải lòng" cô gái.
Theo tài liệu của Tòa án Lao động Anh, sau khi Sieberer gửi ảnh, Thomas nói: "Nhìn cô ấy kìa, dễ thương quá. Làm việc quần quật nhưng vẫn tuyệt vời". Trong tin nhắn tiếp theo, người này tiếp tục: "Đó là bạn gái của tôi".
Thomas cho một đồng nghiệp nữ khác xem ảnh và người này lập tức gửi khiếu nại lên cấp trên. Sieberer và Thomas bị Apple sa thải vì hành vi quấy rối nơi công sở.
Cả hai sau đó khởi kiện. Trong phiên tòa ngày 7/7, thẩm phán N Walker của Tòa án Lao động Anh ra phán quyết "không có căn cứ hợp lý" để kết luận Sieberer có hành vi quấy rối và "không có bằng chứng cho thấy bất kỳ ai nhìn thấy những bức ảnh này cảm thấy bị xúc phạm".
Bên cạnh đó, thẩm phán cũng chỉ trích chính sách chống quấy rối của Apple, cho rằng chúng mơ hồ, thiếu rõ ràng. "Chụp ảnh người khác khi chưa được sự đồng ý có thể được coi là xâm phạm quyền riêng tư. Nhưng đây là thế giới mà máy ảnh có mặt mọi nơi. Tất nhiên, hành vi này không nên xảy ra và đáng bị chỉ trích", bản tuyên án có đoạn.
Tại tòa, Sieberer thừa nhận hành động của mình là sai. Apple cho biết họ đã thay đổi các quy định trong công ty từ năm 2022 sau khi hơn 10 nhân viên nữ báo cáo về hành vi quấy rối. Công ty không kháng cáo, đồng thời cho biết sẽ xử lý từng trường hợp theo cách khác nhau.
Tháng trước, tòa án Anh cũng ra phán quyết có lợi cho một cựu nhân viên Apple. Người này bị sa thải sau khi nói với đồng nghiệp gốc Hoa rằng: "Hẹn gặp lại sau 9 tháng tới, miễn là các anh không phát tán thêm căn bệnh chết người nào nữa ra thế giới". Phía tòa cho rằng việc sa thải "bất công" và yêu cầu Apple bồi thường cho người này.
(theo Telegraph, iMore)