Chuỗi làm đẹp và chăm sóc sức khỏe gia đình theo tiêu chuẩn Hàn Quốc - LaGaia đến với Shark Tank Việt Nam để gọi 39 tỷ đồng cho 10% cổ phần. Hai nhà đồng sáng lập là Ngọc Nguyễn và Đinh Huyền Trang là đại diện của LaGaia trong màn gọi vốn này. Theo đó, nhà đồng sáng lập Ngọc Nguyễn rằng LaGaia đến với Shark Tank Việt Nam nhằm tìm kiếm sự đồng hành từ các Shark, bên cạnh hỗ trợ về tài chính.
Theo giới thiệu, LaGaia là mô hình one-stop shop, cung cấp các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe, thư giãn và làm đẹp thiết yếu tại một điểm đến, hướng đến nhóm đối tượng chính là phụ nữ. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng phục vụ đối tượng khách hàng là đàn ông, người già và cả trẻ em.
Điểm khác biệt của mô hình này là tận dụng sự bùng nổ của nền kinh tế thẳng đứng, hoạt động tại các chung cư, ngay dưới chân tòa nhà, nơi khách hàng chỉ cần bấm thang máy là có thể sử dụng dịch vụ. Mô hình của LaGaia phát triển dựa trên việc tối ưu, tiết giảm chi phí đầu tư, chi phí vận hành và giá thành dịch vụ.
Điểm kinh doanh đầu tiên của LaGaia chỉ mới được mở ra từ tháng 3/2023 và sau 5 tháng hoạt động, công ty đã mở thêm được 7 điểm kinh doanh mới ở cả 3 miền.
Về tỷ suất lợi nhuận, doanh thu của toàn hệ thống dự kiến đạt 24 tỷ đồng trong năm 2023 và EBITDA có thể lên đến 50%.
Với con số lãi EBITDA lên tới 50%, Shark Bình cho rằng phần trăm tỉ lệ này chỉ mang tính tương đối và không thực tế: “Nó chỉ thực tế khi mà cái điểm bán của em nó đã đạt được tối đa công suất. Nó phải chạy ít nhất khoảng hai năm”.
Đại diện LaGaia cho biết doanh nghiệp không thuộc mô hình spa truyền thống, thay vào đó công ty tập trung cung cấp những dịch vụ thiết yếu cho cả gia đình sử dụng với tần suất thường xuyên hàng tuần.
Shark Tuệ Lâm đặt câu hỏi: “Mình đang gọi 39 tỷ cho 10%. Vậy giả sử bây giờ tôi có 39 tỷ, tại sao tôi không tự mở một cái chuỗi, tôi sở hữu 100% luôn mà lại phải đầu tư vào một cái chuỗi để mình chỉ có 10% thôi?”.
Co-founder Ngọc Nguyễn trả lời rằng LaGaia hiện đã có 8 điểm hoạt động, có thể nắm rõ nhu cầu khách hàng, bên cạnh đó doanh nghiệp cũng có hệ thống báo cáo và quản trị song song, đồng thời có cả học viện để cung cấp nhân sự.
Do thương hiệu còn rất mới, Shark Bình không đồng tình với mức định giá mà đại diện LaGaia đưa ra: “Các bạn mới bỏ 10 tỷ vào đây mà vội vàng định giá doanh nghiệp gấp 35 lần so với số tiền mình đã đầu tư.”
Tuy nhiên, các nhà sáng lập LaGaia tự tin rằng con số đó không phải quá lớn trong thị trường làm đẹp, cho biết mức định giá này đã được thẩm định bởi một nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc.
Ở thương vụ này, có 4 "cá mập" đồng loạt từ chối, duy chỉ có Shark Minh là người hứng thú. Ông chủ Beta Group nhận định LaGaia có điểm tương đồng với mô hình của Beta Cinemas - cụm rạp chiếu phim giá rẻ.
Ông đưa ra đề nghị rót vốn chia làm hai giai đoạn: 9 tỷ đồng giải ngân vào đầu 2024 để lấy 15%, và 30 tỷ đồng giải ngân vào đầu 2025 lấy 15% nữa với điều kiện mở được đủ 20 điểm vào đầu 2024 và đủ 45 điểm vào đầu 2025, đạt chỉ số 7 tháng payback (hoàn vốn - PV). Đồng thời yêu cầu nhà đầu tư Hàn Quốc phải cùng vào thương vụ này.
Sau khi thảo luận, Co-Founder Huyền Trang đề nghị giữ nguyên mức 39 tỷ đồng cho 10% cổ phần cùng các cam kết thực hiện mở rộng điểm kinh doanh theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, Shark Minh không đồng ý.
Mức giá cuối cùng của vị "cá mập" là 39 tỷ đồng cho 25% cổ phần, sẽ giải ngân theo từng giai đoạn kèm các điều kiện về mở điểm và sự tham gia của nhà đầu tư Hàn Quốc. Đại diện LaGaia đồng ý và Shark Minh có thêm cho mình một thương vụ nữa.