Chứng khoán

Chứng khoán Việt Nam sau tuyên bố tăng lãi suất của Chủ tịch Fed: Đợt giảm sâu, dài hay chỉ là tác động tâm lý trong ngắn hạn?

 

Tại Hội nghị Jackson Hole diễn ra hôm Thứ sau tuần trước (26/8), Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố ưu tiên mục tiêu ghìm cương lạm phát hơn so với tăng trưởng kinh tế.

Bài phát biểu của ông Powell cũng dập tắt hy vọng về kịch bản Fed sẽ sớm dừng tăng hoặc thậm chí bắt đầu hạ lãi suất trong năm sau. 

Ảnh hưởng từ bài phát biểu trên, Dow Jones rớt hơn 1.000 điểm, S&P 500 và Nasdaq cũng mất tương ứng 3,4% và 3,9% khiến toàn bộ thành quả tăng điểm từ đầu tháng 8 đã bị xóa sạch. 

Tại thị trường Việt Nam, sau khi diễn biến tiêu cực ở phiên sáng và đầu phiên chiều ngày 29/8 với sự lao dốc của tất cả các nhóm cổ phiếu. Kết thúc, VN-Index giảm 11,8 điểm, tương ứng 0,92%, và dừng chân tại mốc 1.270 điểm. Bước sang ngày 30/8, VN-Index tăng 8,59 điểm và đóng cửa trong sắc xanh bao trùm.

Vậy việc Fed tăng lãi suất sẽ tác động ra sao đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn, và đợt điều chỉnh do yếu tố này sẽ kéo dài hay chỉ mang tính chất nhất thời?

Fed sẽ tăng lãi suất 0,5% hoặc 0,75% trong tháng 9

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc CTCK Kiến Thiết, Nhà sáng lập Fstock cho rằng, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết tâm trong việc kiềm chế lạm phát bằng các tiếp tục lộ trình tăng lãi suất là điều không mới.

Tuy nhiên, việc tăng lãi suất của Fed cũng cho thấy xu hướng tăng giá của đồng USD sẽ còn tiếp diễn, điều này sẽ tạo ra áp lực cho các nền kinh tế khác trong đó có Việt Nam.

Ông Ngọc phân tích, khi đồng USD tăng giá quá nhanh, Việt Nam phải đối mặt với việc VND bị mất giá khiến Ngân hàng Nhà nước chịu áp lực điều hành tỷ giá. Việc VND mất giá so với USD sẽ đẩy lạm phát tiềm năng trong nước lên, nhập khẩu hàng hoá đắt đỏ hơn, nợ nước ngoài tăng, chi tiêu tăng theo,… 

Đó là lý do vì sao khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất làm cho chứng khoán Mỹ giảm và kéo theo chứng khoán toàn cầu giảm.

Mặc dù vậy, ông Ngọc cho rằng, trong ngắn hạn đây chỉ là tác động về tâm lý còn việc Fed thực sự tăng lãi suất bao nhiêu % trong tháng 9 và sẽ tăng đến mức lãi suất mục tiêu là bao nhiêu từ nay cho đến năm 2023 vẫn là một vấn đề đáng quan tâm.

Ẩn số này phụ thuộc nhiều vào chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tháng 8 và 8 tháng đầu năm của Mỹ mà sắp tới sẽ công bố. Hiện nay, khả năng về việc Fed sẽ tăng lãi suất 0,5% hay 0,75% vẫn ngang nhau và chưa ngả về phương án nào, ông Ngọc cho biết.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc CTCK Kiến Thiết, Nhà sáng lập Fstock (Ảnh: NVCC).

Lãi suất mục tiêu của Mỹ gần tới là điểm tích cực cho TTCK

Mặc dù vậy, trong bài phát biểu của ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed có một điểm tích cực đó là lạm phát mục tiêu đã gần tới.

Theo nhiều tổ chức, mức lãi suất mục tiêu của Mỹ là khoảng 3,25% - 3,5%. Nghĩa là nếu so với mức lãi suất 2,5% ở thời điểm hiện tại và có thể tăng từ 0,5% - 0,75% ở lần tăng tháng 9 tới thì gần như mức lãi suất mục tiêu đã gần đạt. Như vậy, các kỳ sau đó, chắc chắn mức tăng lãi suất sẽ giảm dần.

Đây là điểm tích cực đối với kinh tế vĩ mô thế giới. Do đó, nhà sáng lập Fstock dự báo, từ nay đến quý I/2023, Fed có thể đạt mức lãi suất mục tiêu là 3,5% và sau đó sẽ duy trì trong một khoảng thời gian để lạm phát thực sự giảm về mức mục tiêu là 2%.

Việc Fed có những thay đổi về chính sách tiền tệ khiến thị trường chứng khoán bị tác động trong ngắn hạn, song các thị trường cũng phản ứng không phản ứng một cách quá tệ. Thực tế, nhiều thị trường chứng khoán giảm mạnh một phiên sau tuyên bố của Chủ tịch Fed nhưng đến phiên sau bắt đầu cân bằng trở lại.

"Nếu thị trường ổn định hơn thì hoàn toàn có thể đợt giảm này không phải một đợt giảm sâu, giảm dài mà chỉ là một cú tác động về mặt tâm lý xảy ra trong thời gian ngắn", ông Ngọc nói và cho biết, tương lai xa hơn, việc Fed gần đạt lãi suất mục tiêu thì việc chính sách tăng lãi suất mạnh tay sẽ không phải là ưu tiên nữa, bởi nếu “mạnh tay” quá thì kinh tế Mỹ cũng sẽ đối mặt với suy thoái. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm