Doanh nghiệp

Vì sao Gỗ Trường Thành (TTF) không còn bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục?

 

 Một góc nhà máy của TTF tại tỉnh Bình Dương. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã: TTF) vừa công bố báo cáo soát xét bán niên 2022 do Công ty TNHH Ernst & Young thực hiện.

Khoản mục thay đổi nhiều nhất là doanh thu từ hoạt động tài chính với 16 tỷ đồng, giảm 64% so với báo cáo tự lập, do lãi chênh lệch từ tỷ giá và lãi tiền gửi, cho vay giảm sút. Bù lại, công ty ghi nhận lợi nhuận khác 17 tỷ, tăng 15% so với báo cáo ban đầu, phần lớn nhờ xóa sổ công nợ.

Kết quả lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của TTF từ 7,7 tỷ đồng giảm còn 4,4 tỷ trên báo cáo đã kiểm toán, tức giảm khoảng 43%. Còn lãi ròng tăng từ 8,4 tỷ lên 10,7 tỷ sau soát xét.

Doanh nghiệp giải trình, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ tăng 2,3 tỷ so với số liệu ban đầu là do công ty đã ghi nhận bổ sung phần lãi trong công ty liên doanh liên kết. Còn lỗ sau thuế của cổ đông không kiểm soát là 6,2 tỷ so với chưa kiểm toán là lỗ 670 triệu đồng, nguyên nhân là ghi nhận bổ sung chi phí quản lý doanh nghiệp các công ty con.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất đã soát xét của doanh nghiệp. 

Tại ngày 30/6, tổng tài sản của TTF tăng 144 tỷ lên 2.986 tỷ đồng sau soát xét, nguyên chính là do khoản mục đầu tư vào công ty liên doanh liên kết tăng so với báo tự lập.

Ở phía nguồn vốn, nợ ngắn hạn chỉ còn 1.454 tỷ đồng, giảm 880 tỷ. Trong khi đó, nợ dài hạn từ 45 tỷ lên 1.071 tỷ. Nguyên nhân chính do số tiền ghi nhận tại khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn từ 1.209 tỷ trên báo cáo tự lập giảm xuống còn 134 tỷ đồng. Số tiền chênh lệch này được chuyển qua mục người mua trả tiền trước dài hạn. Đây chính là số tiền mà CTCP Vinhomes đã ký với TTF về việc TTF sẽ là nhà cung cấp chiên lược các sản phẩm gỗ thành phẩm phục vụ cho các dự án của Vingroup với tổng giá trị dự kiến là 16.000 tỷ đồng.

Theo thỏa thuận, Vingroup và Vinhomes đã đặt cọc lần lượt là 70 tỷ và 1.032 tỷ đồng và được gia hạn tới ngày 15/5/2027.

Chính nhờ chuyển dịch số tiền trên nghìn tỷ đồng từ người mua trả tiền trước ngắn hạn qua dài hạn nên nợ ngắn hạn của TTF (1.454 tỷ) đã ít hơn so với tài sản ngắn hạn (1.944 tỷ). Vì vậy mà bên kiểm toán đã không nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp như các báo cáo trước. Tính đến cuối tháng 6, TTF vẫn đang lỗ hơn 3.041 tỷ đồng, ăn mòn vốn chủ sở hữu còn gần 460 tỷ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm