Chứng khoán

Chứng khoán Việt Nam 2024 “đầu xuôi, đuôi không lọt”, kịch bản có lặp lại trong năm nay?

Khởi đầu bùng nổ với nhóm Ngân hàng (Q1/2024)

VN-Index năm 2024 có sự khởi đầu “bùng nổ” với cơn sóng dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng. Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho cả năm 2024, dòng tiền lớn ngay lập tức đổ vào nhóm cổ phiếu này. Một lý do nữa cũng để giải thích cho việc này, là kỳ vọng Việt Nam được nâng hạng thị trường bởi FTSE Russell.

Chứng khoán Pintree trong chia sẻ gần đầy cho biết trong trường hợp được FTSE nâng hạng, thị trường Việt Nam sẽ thu hút thêm dòng vốn 5-6 tỷ USD từ các quỹ ngoại chủ động và thụ động. Và những ứng cử viên sáng giá nhất chính là các cổ phiếu trụ trong nhóm VN30, đặc biệt là các nhóm cổ phiếu ngân hàng khi định giá đang rất rẻ so với mặt bằng chung.

Sự khởi sắc của nhóm ngân hàng kéo dài đến hết quý 1/2024, nhờ chiếm tỷ trọng lớn trong rổ VN-Index nên rổ chỉ số chính cũng có sự đồng pha mặc dù đa số các nhóm cổ phiếu khác đều cho hiệu suất ảm đạm.

Chứng khoán Việt Nam 2024 “đầu xuôi, đuôi không lọt”, kịch bản có lặp lại trong năm nay?- Ảnh 1.

Ảnh dữ liệu do Pinetree tổng hợp

Theo Chứng khoán Pinetree, dù bị khối ngoại bán ròng miệt mài suốt 2 năm nay, khoảng thời gian quý 1/2024, lực bán ròng này đã yếu đi rất nhiều. Lý do chủ yếu bởi khối ngoại mua ròng mạnh các cổ phiếu ngân hàng trong khi lại bán ròng các nhóm cổ phiếu khác.

Đà tăng phi mã của nhóm ngân hàng nói riêng cũng như VN-Index nói chung trong quý 1/2024 giúp chỉ số chính của TTCK tăng một mạch từ 1.130 lên tới 1.293, tương ứng mức tăng hơn 160 điểm.

 Đợt điều chỉnh mạnh đầu tiên (T4/2024)

Dù tăng mạnh trong quý 1/2024, VN-Index đã có sự chững lại ở nửa cuối tháng 3 khi nhóm cổ phiếu ngân hàng bắt đầu suy yếu. Bên cạnh đó, hàng loạt các thông tin liên quan đến tình hình chính trị - xã hội hay việc VNDirect bị hack hệ thống cũng đã khiến cho nhiều nhà đầu tư không đặt được lệnh, dẫn tới tâm lý tiêu cực của thị trường. Bởi vậy, VN-Index đã “gục ngã” trước thềm kháng cự 1.290 điểm.

Khi tâm lý thị trường khá yếu kết hợp với việc không có dòng cổ phiếu mới dẫn dắt, ngay sau sự kiện Iran phóng hơn 300 quả tên lửa vào Israel thì làn sóng bán tháo diễn ra diện rộng. Chỉ trong một phiên, ngày 15/4/2024, VN-Index đã lao dốc tới gần 60 điểm.

Ngoài căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông, thị trường còn đón nhận thêm thông tin tiêu cực khác khi FED vẫn giữ nguyên lãi suất, điều trái với kỳ vọng của nhà đầu tư là sẽ cắt giảm mạnh và sớm trong năm 2024, bởi lẽ đó mà VN-Index tiếp tục sụt mạnh trong 3 phiên sau đó.

Sau cú sụt giảm 126 điểm tính từ đỉnh cuối tháng 3, thị trường bắt đầu tạo đáy vào ngày 22-23/4/2024 khi căng thẳng giữa Iran và Israel hạ nhiệt, VN-Index chạm hỗ trợ MA200. Đây cũng thời điểm các doanh nghiệp họp ĐHCĐ công bố kế hoạch kinh doanh cả năm 2024 cũng như kết quả kinh doanh quý 1/2024.

Cơn sóng cổ phiếu công nghệ và viễn thông (23/4-13/6/2024)

Ở bên kia bán cầu, nhóm phân tích Pinetree cho biết nhóm cổ phiếu công nghệ đặc biệt là nhóm AI và chip bán dẫn đã giúp thị trường chứng khoán Mỹ liên tục vượt đỉnh. Sức nóng của AI và chip bán dẫn còn lan tỏa sang các thị trường khác trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, không có quá nhiều cái tên hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, chỉ có một vài đơn vị lớn như FPT hay CMG. Tuy nhiên, những đơn vị này cũng chưa có hoạt động kinh doanh đáng kể nào liên quan đến AI hay chip bán dẫn.

Dù vậy, dòng tiền thông minh đã tận dụng những câu chuyện này để tạo nên cơn sóng cổ phiếu công nghệ tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, lần lượt FPT, CMG đều bật tăng mạnh trên 50% trong vòng 2 tháng. Dòng tiền đầu cơ bắt đầu lan sang nhóm cổ phiếu công nghệ khác, lan tỏa vào những cổ phiếu áp dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh như nhóm viễn thông, hoặc cổ phiếu hóa chất liên quan đến nguyên liệu sản xuất chip bán dẫn.

Cơn sóng kỳ vọng AI và chip bán dẫn kết hợp với kết quả kinh doanh quý 1/2024 bùng nổ so với nền thấp 2023. Điều này giúp cho VN-Index bật tăng mạnh mẽ trong tháng 5 và tháng 6 từ 1.181 lên tới 1.305, tức là 124 điểm. Cơn sóng này mạnh đến nỗi hầu như những thông tin tiêu cực liên quan đến việc KRX tiếp tục bị trì hoãn, hay một số thay đổi về tình hình chính trị - xã hội cũng không tác động mấy đến thị trường.

Đáng chú ý, sau khi vượt được mức 1.300 điểm ngày 13/6, dòng tiền thông minh đã ngay lập tức chốt lời, qua đó tạo nên mốc kháng cự cứng cho cả năm 2024 mà VN-Index không thể vượt qua.

Đợt điều chỉnh mạnh thứ 2 (13/6 – 5/8/2024)

Sau khi tạo đỉnh trung hạn, VN-Index có đợt điều chỉnh mạnh lần thứ 2 kéo dài trong vòng hơn 1 tháng do cơn sóng cổ phiếu công nghệ bắt đầu hạ nhiệt, đồng thời một chuỗi các sự kiện tiêu cực xảy ra như áp lực tỷ giá tăng nóng, rủi ro tiềm ẩn khi có một số thay đổi về địa chính trị.

Bên cạnh đó, một sự kiện làm chao đảo thị trường chứng khoán toàn cầu trong thời gian này đó chính là ngày thứ 2 đen tối diễn ra vào ngày 5/8/2024. Sự việc bắt nguồn từ ngày thứ 6 trước đó khi căng thẳng Trung Đông tiếp tục leo thang.

Đặc biệt, quyết định tăng 0,25% lãi suất của ngân hàng trung ương Nhật Bản khiến giao dịch vay margin quá đà từ thị trường Nhật Bản (còn gọi là “carry trade”) ở rất nhiều các lớp tài sản khác nhau đã đồng loạt đóng lại dẫn tới sự sụp đổ như domino trên thị trường tài chính toàn cầu.

Có thể hiểu giao dịch “carry trade” là việc đi vay đồng yên của Nhật với lãi suất siêu thấp rồi đi đầu tư ở các lớp tài sản khác trên toàn cầu. Với việc NHTW Nhật Bản bất ngờ tăng lãi suất 0,25%, mức cao nhất kể từ năm 2008, trong khi đó Fed được kỳ vọng sẽ hạ lãi suất thì những vị thế carry trade quá đà đã ngay lập tức đóng lại. Tuy nhiên do lượng vị thế này quá nhiều đến mức nhà đầu tư tranh nhau đóng vị thế nên điều đó đã tạo một cú sốc diện rộng toàn cầu không chỉ riêng thị trường chứng khoán mà cả những thị trường hàng hóa hay bitcoin cũng bị sụt giảm.

Bên cạnh ảnh hưởng từ giao dịch carry trade, nhà đầu tư cũng đã đặt ra giả thuyết liệu thị trường sẽ ra sao nếu Fed hạ lãi suất quá nhanh, liệu suy thoái kinh tế có diễn ra.

Tất cả những điều trên đã dẫn tới cú sốc giảm điểm của các thị trường tài chính trong đêm rạng sáng ngày thứ 7. Và sang đến ngày thứ 2, toàn bộ thông tin tiêu cực trên lập tức được thể hiện ngay đến toàn bộ thị trường tài chính Châu Á, trong đó VN cũng không thể tránh được dù những tác động trên không mấy ảnh hưởng đến thị trường nước ta. VN-Index đã mất trên dưới 30 điểm, kèm thanh khoản cực lớn.

Tựu chung lại, cú điều chỉnh lớn thứ 2 này kéo dài trong vòng gần 2 tháng và khiến cho VN-Index “bay mất” 120 điểm.

VN-Index biến động sideway trong khi các tài sản liên tục vượt đỉnh (Tháng 8 đến Tháng 12/2024)

Theo Pinetree, chỉ 1 ngày ngay sau cú shock của ngày thứ hai đen tối, thị trường tài chính toàn cầu đã phục hồi mạnh mẽ khi NHTW Nhật Bản quyết định sẽ trì hoãn những lần tăng lãi suất tiếp theo để tránh những hậu quả khôn lường của carry trade.

VN-Index đã hồi phục tới 100 điểm lên mức 1.289 điểm trong tháng 8 và đã có lúc chạm được mốc 1.300 vào cuối tháng 9 nhờ những thông tin tích cực về việc lạm phát Mỹ hạ nhiệt; Fed bắt đầu hạ lãi suất 0,5% lần đầu tiên vào ngày 18/9 hay kỳ vọng nâng hạng thị trường FTSE khi mà Bộ Tài chính ban hành thông tư 68 cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được phép giao dịch mua cổ phiếu mà không cần có đủ tiền.

Dù hồi phục, song việc thiếu dòng cổ phiếu dẫn dắt do không còn quá nhiều động lực khi những cổ phiếu có câu chuyện từ đầu năm đều đã được phản ánh hết vào giá, khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng dẫn tới việc VN-Index gần tiệm cận 1.300 lại quay đầu điều chỉnh.

Trong tháng 10 và tháng 11, VN-Index đã có cú lao dốc gần 100 điểm từ mức 1.297 về 1.198 do ảnh hưởng của việc nhà đầu tư đồng loạt chốt lời cổ phiếu VHM sau câu chuyện mua lại 370 triệu cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp này. VHM đã giảm 1 mạch từ mức giá 48.000 về 40.000, tức là 20% chỉ trong vòng 2 tuần.

Một thông tin khác góp phần cho đà giảm này dù đã được dự đoán từ trước là Việt Nam chính thức không được FTSE nâng hạng thị trường trong kỳ review tháng 9 và phải chờ sang năm 2025.

Bên cạnh đó, một vài câu chuyện mới khác như Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ (6/11), Fed hạ lãi suất lần thứ 2 ở mức 0,25% như dự báo (7/11) hay mới đây nhất là Fed tiếp tục lãi suất lần thứ 3 ở mức 0,25% ngày 18/12 khiến VN-Index hồi phục song khá yếu ớt.

Nhìn từ đầu tháng 8 đến nay, VN-Index chỉ biến động sideway quanh biên 1.200 -1.300. Với việc dòng tiền xoay tua liên tục và chỉ có 1 vài cổ phiếu midcap có câu chuyện là tích cực, phần lớn các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đều có hiệu suất ảm đạm trong khoảng thời gian này, thậm chí có người còn thua lỗ nặng nếu tham gia không đúng nhịp.

Trái lại, các thị trường tài chính khác trên toàn cầu đều cho hiệu suất vượt trội. Ở thị trường chứng khoán Mỹ, S&P500 liên tục phá đỉnh thời đại nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu công nghệ, có hiệu suất trên 27% tính từ đầu năm cho đến tháng 12.

Sang đến Châu Á, đối với thị trường Nhật, mặc dù trải qua cú shock carry trade hồi quý 3/2024, nhưng Nikkei 225 cũng đã hồi phục nhanh chóng và đang tích lũy tại gần vùng đỉnh lịch sử.

Trong khi Shanghai Composite của Trung Quốc có bật tăng mạnh mẽ 25% kể từ cuối quý 3/2024 đến nay trước một loạt chính sách thúc đẩy kinh tế của nước này.

Chứng khoán Việt Nam 2024 “đầu xuôi, đuôi không lọt”, kịch bản có lặp lại trong năm nay?- Ảnh 2.

Ảnh dữ liệu do Pinetree tổng hợp.

Đối với các lớp tài sản khác, cả giá vàng trong nước lẫn thế giới đều đã phá đỉnh thời đại trong năm 2024 và dù đã bị điều chỉnh thì hiệu suất từ đầu năm đến nay là lên tới 15-25%.

Chứng khoán Việt Nam 2024 “đầu xuôi, đuôi không lọt”, kịch bản có lặp lại trong năm nay?- Ảnh 3.

Ảnh dữ liệu do Pinetree tổng hợp.

Giá bitcoin thì đã có mức tăng khủng tới trên dưới 140% tính từ đầu năm đến nay, đặc biệt là kể từ sau ông Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ.

Kỳ vọng gì trong năm 2025?

Có thể nói, 2024 là một năm đầu tư không hề dễ dàng đối với nhiều nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam. Nhóm phân tích Pinetree dự đoán năm 2025 vẫn tiếp tục là một năm đầu tư khó khăn với nhiều biến số chưa thể giải đáp.

Đối với thị trường Việt Nam, những câu chuyện liên quan đến nâng hạng thị trường, giải ngân đầu tư công hay sự hồi phục của bất động sản sẽ tiếp tục lại được "vẽ" lên khi những kỳ vọng này đã không thể hoàn thành được trong năm 2024.

"Sẽ khó hơn rất nhiều cho nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu khi nền lợi nhuận năm trước ở mức cao, trong khi những cổ phiếu tốt, tăng trưởng đều đặn, hay có triển vọng dài hạn lại đang ở mức định giá không mấy hấp dẫn", Pinetree nêu quan điểm.

Đối với thị trường thế giới, nhiệm kỳ mới của tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ chính thức bắt đầu từ 20/1/2025 đã dấy lên những lo ngại về thuế quan qua đó gián tiếp đẩy giá hàng hóa cũng như lạm phát lên mức cao trở lại.

Những lo ngại này càng được đẩy lên khi trong bài phát biểu mới nhất của chủ tịch Fed Jerome Powell đã kỳ vọng hạ số lần giảm lãi suất vào 2025 xuống còn 2, thậm chí là đợt cắt giảm lãi suất trong tháng 12 đã vấp phải rất nhiều những ý kiến trái chiều của các thành viên trong Fed, đi ngược lại kỳ vọng chắc chắn hạ lãi suất của thị trường.

Điều này gián tiếp làm tăng áp lực đến tỷ giá trong nước, khi ngay trong những ngày cuối cùng của 2024, tỷ giá USD cũng lên mức cao nhất trong năm, khiến NHNN buộc phải bán ra xấp xỉ 3 tỷ Đô để bảo vệ tỷ giá. Rủi ro về tỷ giá nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp diễn trong năm 2025

Có thể nói rằng, không chỉ riêng VN-Index mà cả thị trường chứng khoán thế giới có thể cũng sẽ gặp phải những biến số khó dự đoán trước. Nhà đầu tư cần phải chuẩn bị kỹ các kịch bản trước những biến động khó lường của thị trường.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm