Tài chính

Chứng khoán tương lai Mỹ "xanh trở lại" khi các doanh nghiệp làm ăn không tệ như lo ngại

Chính điều này đã khiến chứng khoán tương lai của Mỹ xanh trở lại sau một phiên đỏ rực. Dow Jones Futures tăng 81,6 điểm, tương đương 0,26%. S&P 500 Futures cũng tăng 26,4 điểm, tương đương 0,66% còn riêng Nasdaq Futures tăng 150 điểm, tương đương 1,24%.

Diễn biến mới nhất của thị trường tới sau khi báo cáo cho thấy Alphabet Inc., công ty mẹ của Google, vẫn duy trì được thu nhập ổn định. Trong khi đó, triển vọng lạc quan từ Microsoft cũng giúp cứu vẫn tâm lý của các nhà đầu tư.

Diễn biến tích cực tới sau khi các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch 26/7. Theo đó, Dow Jones mất 228,5 điểm, tương đương 0,71%. S&P 500 mất 45,79 điểm, tương đương 1,15% trong khi Nasdaq mất 220,09 điểm, tương đương 1,87%. Lo ngại doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả trong quý 2 là lý do chính của cú giảm này.

Dẫu đã xanh trở lại nhưng thị trường tài chính nhìn chung vẫn gặp khó khăn trước cuộc họp kéo dài 2 ngày của FED. Gần như chắc chắn FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Đây là một phần của làn sóng thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu nhằm dập tắt lạm phát đang ở mức kỷ lục cũng như lo ngại suy giảm kinh tế toàn cầu.

Trong đầu phiên giao dịch 27/7, cổ phiếu tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia đều ổn định.

Lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ cũng ít thay đổi khi các nhà đầu tư tin rằng FED sẽ tăng lãi suất 75 điểm cơ bản sau cuộc họp kết thúc ngày 27/7 theo giờ Mỹ. Đồng USD đã giảm, dầu đang ở mức 96 USD/thùng và Bitcoin vượt lên trên 21.000 USD/coin.

Nếu đúng như dự đoán, FED sẽ tăng lãi suất 150 điểm cơ bản chỉ trong tháng 6 và tháng 7, mức tăng lãi suất cao chưa từng có kể từ những năm 1980 khi Chủ tịch FED Paul Volcker phải vật lộn với lạm phát cao ngất trời.

Thắt chặt tiền tệ, khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, xung đột Nga – Ukraine, sự ảm đạm trên thị trường BĐS Trung Quốc và những thách thức của Covid vẫn nằm trong số những nguy cơ làm lu mờ triển vọng toàn cầu. Thế giới có thể sớm ở trên đỉnh của một cuộc suy thoái hoàn toàn, IMF cảnh báo.

Báo cáo thu nhập của các doanh nghiệp Mỹ đang mang lại một chút hy vọng. Hơn ¾ số doanh nghiệp đã công bố báo cáo ở thời điểm hiện tại đã đạt hoặc vượt kỳ vọng. Tuy nhiên, câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn là họ có thể trụ vững được trong bao lâu.

"Lạm phát đang gây tổn hại cho các công ty và câu hỏi đặt ra là liệu những đợt tăng lãi suất này có làm được gì để giảm bớt nỗi đau hay không", Nancy Davis, người sáng lập Quadratic Capital Management, chia sẻ với Bloomberg.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong ngày 28/7. Nhà Trắng cũng đang xem xét có gỡ bỏ một số khoản thuế quan với hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc để ngăn chặn lạm phát hay không.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm