Cửa hồi sinh của taxi truyền thống đang sáng trở lại?
Mới đây, CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun - Mã: VNS), đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun đã ghi nhận quý thứ hai liên tiếp báo lãi. Trong quý I/2022, Vinasun đã ngắt chuỗi 8 quý liên tiếp thua lỗ và ghi nhận khoản lãi sau thuế là 12,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 ghi nhận mức lỗ hơn 30 tỷ đồng.
Tới quý II, Vinasun tiếp tục ghi nhận những kết quả tích cực. Doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 246 tỷ đồng, tăng khoảng 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 56,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ tới 66,6 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của Vinasun đang cho tín hiệu khởi sắc với doanh thu là hơn 411 tỷ đồng và lãi 69,3 tỷ đồng.
Lý giải cho những kết quả tích cực này, lãnh đạo Vinasun cho rằng nguyên nhân là dịch bệnh COVID-19 được khống chế, dẫn tới các hoạt động kinh doanh và giao thương của nền kinh tế được phục hồi, điều này đã góp phần tạo ra ảnh hưởng tích cực tới kết quả kinh doanh của Vinasun.
"Anh em lái xe đã quay lại công ty để tiếp tục kinh doanh và 100% xe được đưa vào hoạt động, không còn xe nằm bãi, các chi phí đã được tiết giảm hợp lý", phía Vinasun cho biết.
Trước đó, kể từ năm 2017, kết quả kinh doanh của Vinasun bắt đầu ghi nhận mức tăng trưởng âm. Đỉnh điểm là trong hai năm 2020 và 2021, thời điểm đại dịch COVID-19 bắt đầu ảnh hưởng tới Việt Nam, Vinasun lỗ lần lượt là 211 tỷ đồng và 278 tỷ đồng. Tổng lỗ tính thuế lũy kế đến cuối năm 2021 của Vinasun là 471 tỷ đồng.
Doanh nghiệp vận tải từng chiếm lĩnh thị phần khu vực phía Nam một thời đang nỗ lực để có lãi trong năm nay và đây là mục tiêu tối quan trọng với Vinasun. Bởi lẽ, theo quy định, doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ ba năm liên tiếp thì cổ phiếu sẽ bị huỷ niêm yết.
Tuy nhiên, những kết quả tích cực trong nửa đầu năm 2022 càng củng cố sự tự tin cho lãnh đạo Vinasun trong việc thực hiện mục tiêu 2022. Đặc biệt là trong bối cảnh các hãng đặt xe công nghệ đang gặp khó với áp lực chi phí ngày càng tăng.
Các hãng gọi xe công nghệ đang mất dần lợi thế cạnh tranh
Nhiều tháng gần đây, người dùng ứng dụng gọi xe công nghệ liên tục phàn nàn về tình trạng khó gọi xe, đặc biệt là khi thời tiết xấu hoặc tại sân bay, chưa kể tới việc tài xế vẫn nhận khách nhưng yêu cầu khách hàng "hủy chuyến".
Trong một chuyến đi từ sân bay Nội Bài về trung tâm TP Hà Nội, anh P. (tài xế BeCar) chia sẻ: "Đợt này ứng dụng chiết khấu cao quá, khoảng 30%, trong khi giá xăng dầu tăng cao, chạy cũng không được bao nhiêu. Tôi vẫn phải đón chở khách nhưng có nhờ họ hủy chuyến, giá cả vẫn thu theo app thông báo trước đó".
Anh T. (tài xế GrabBike) ngán ngẩm nói: "Cách đây 2 năm, tôi đầu tư 400 triệu đồng để mua ô tô chạy GrabCar nhưng đợt này thu nhập không còn đảm bảo, chủ yếu lấy công làm lãi nên tôi đã bán ô tô, chuyển qua chạy xe máy. Số vốn đầu tư ban đầu lỗ mất một nửa".
Anh Tùng, một khách hàng tại TP HCM chia sẻ, trong thời gian gần đây, anh thường ưu tiên taxi truyền thống nhiều hơn vì mức giá ổn định và đặc biệt là tỷ lệ hủy chuyến rất hiếm. "Mình thường sử dụng taxi truyền thống ở sân bay hoặc khi phải đi công tác vào sáng sớm, tầm 4-5h, vì dễ gọi được xe hơn so với taxi công nghệ. Mình cũng chưa từng bị hủy chuyển khi đặt taxi truyền thống".
Những ngày đầu du nhập vào thị trường Việt Nam, các ứng dụng đặt xe công nghệ, nổi bật là Grab ghi điểm với khả năng kết nối tài xế nhanh gọn nhờ ưu thế công nghệ, giá cước rõ ràng cũng như sự thân thiện, lịch sự của các đối tác tài xế.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, taxi truyền thống cũng đã tiến hành chuyển đổi số, xây dựng các ứng dụng giúp hỗ trợ khách hàng đặt xe dễ dàng. Theo khảo sát của người viết, việc đặt cùng một tuyến đường trên các ứng dụng taxi: GrabCar, BeCar, taxi G7 và taxi Mai Linh cho thấy mức giá không có quá nhiều khác biệt.
Taxi truyền thống có chút nhỉnh hơn, song chưa tính đến việc giá taxi công nghệ có thể đẩy lên cao hơn nhiều, khi các ứng dụng phụ thu thêm phí trong các điều kiện đặc biệt như giờ cao điểm, thời tiết xấu,... Như vậy, nếu xét về mức giá ổn định, taxi truyền thống lại đang giữ lợi thế hơn.
Đầu tháng 7, phụ phí nắng nóng của Grab đã nhận được những phản hồi không mấy tích cực từ phía khách hàng.Đây không phải là lần đầu Grab đưa ra những mức phụ phí như vậy. Ứng dụng gọi xe công nghệ này từng nhiều lần thu thêm phí vào dịp lễ 30/4 - 1/5, hoặc trong các khung giờ cao điểm, trời mưa, đường ngập,...
Mặc dù được giải thích mức phụ phí thu thêm là nhằm lý do khuyến khích tài xế và hoạt động nhiều hơn trong những ngày thời tiết khắc nghiệt nhưng điều đó cũng không xoá bỏ được thực tế là người dùng phải bỏ ra nhiều tiền hơn.
Trong giai đoạn giá xăng tăng cao, gây áp lực chi phí lên mọi ngành nghề, việc Grab thu phụ phí nhưng trải nghiệm dịch vụ chưa cải thiện khiến người dùng dần quay trở lại với taxi truyền thống.
Trước việc Grab thu phụ phí nắng nóng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã gửi yêu cầu Grab phải cung cấp, làm rõ danh mục, các loại hình, mức phí, phụ phí hiện nay được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị, phản hồi trước ngày 18/7. Tuy nhiên, hãng gọi xe đã xin lùi thời hạn trả lời.
Trong những năm đầu, nhiều hãng taxi truyền thống điêu đứng vì các ứng dụng đặt xe công nghệ đã mạnh dạn đốt tiền, đưa ra nhiều ưu đãi hấp dẫn dành cho các khách hàng cũng như đối tác tài xế. Có thời điểm, nghề tài xế hãng xe công nghệ trở nên rất hấp dẫn với mức thu nhập cao kèm các khoản thưởng hậu hĩnh.
Tuy nhiên, ở điểm hiện tại, cuộc đua tranh dường như đang trở về thế cân bằng. Bởi lẽ, áp lực phải có lợi nhuận sau nhiều năm thua lỗ đã buộc ứng dụng đặt xe công nghệ tìm cách tăng chi phí dịch vụ với khách hàng cũng như chiết khấu đối với tài xế.