VN-Index trở lại vùng 1.150 - 1.200 điểm trong kịch bản tích cực
Tại báo cáo chiến lược tháng 10, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, mã: VDS) kỳ vọng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế quý III so với cùng kỳ sẽ cải thiện so với quý trước, tuy nhiên mức độ cải thiện khá hạn chế. Do đó, dư địa cải thiện về định giá cho TTCK và động lực tăng điểm là không lớn.
Những yếu tố này củng cố thêm quan điểm xu hướng tăng điểm diện rộng của thị trường trên hiệu ứng chính sách từ tháng 5 sẽ dần nhường chỗ cho trạng thái dao động với xu hướng đi ngang. VDSC kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.100 - 1.180 điểm, tương ứng với vùng định giá P/E trong khoảng 13,2x-14,2x lần.
Theo Chứng khoán VNDirect (Mã: VND), VN-Index đã giữ được ở trên đường trung bình động 200 tuần thành công và qua đó kỳ vọng hình thành vùng cân bằng để tích lũy trở lại. Nhóm phân tích cho rằng xu hướng vận động tích lũy trong biên độ từ 1.130 - 1.210 điểm có thể sẽ là kịch bản cho thị trường trong tháng 10.
Rủi ro của thị trường tập trung bởi hai yếu tố. Thứ nhất, áp lực tỷ giá nếu tiếp tục gia tăng sẽ gây sức ép lên chính sách tiền tệ tại Việt Nam. Thứ hai là rủi ro giảm phát từ phía Trung Quốc và đặc biệt từ nhóm ngành bất động sản có thể làm ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư về nhóm ngành này.
Tuy nhiên thị trường vẫn nhiều cơ hội khi bức tranh lợi nhuận trong quý III dự kiến sẽ tích cực hơn cũng như mặt bằng định giá thị trường đã về vùng hấp dẫn hơn. VNDirect dự báo P/E forward 2023 của VN-Index ở mức 12 - 12,5 lần, là mức hấp dẫn trong môi trường lãi suất thấp hiện nay và hoàn toàn đáng cân nhắc để giải ngân cho mục tiêu trung và dài hạn.
Chứng khoán BIDV (BSC, mã: BSI) nhận định, ở kịch bản tích cực, tâm lý ổn định trở lại sau chuỗi giảm điểm kéo dài từ giữa tháng 9 kết hợp cùng lực cầu tham gia tốt khi chỉ số và các nhóm cổ phiếu quay trở lại ở vùng định giá hợp lý hơn.
Kịch bản tích cực được BSC đưa ra dựa trên kịch bản khối ngoại đảo ngược sang trạng thái mua ròng bên cạnh các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế tiếp tục cho thấy các tín hiệu tích cực khi tình hình giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục khả quan, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều nhóm ngành có tín hiểu khởi sắc hơn. TTCK được dự báo sẽ phân hóa khi các doanh nghiệp bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý III. VN-Index cần tích lũy sau quá trình giảm điểm để quay trở lại vùng 1.150 - 1.170 điểm.
Góc nhìn của Chứng khoán MBS (Mã: MBS), đà giảm của VN-Index sẽ có xu hướng chững lại và nhiều khả năng sẽ hình thành vùng cân bằng quanh mức 1.120 - 1.140 điểm. CTCK này cũng đưa ra hai kịch bản cho tháng 10. Tại kịch bản tích cực, chỉ số sẽ di chuyển chậm chạp tăng dần đều để kiểm nghiệm lại quanh vùng giá 1.195 - 1.205 điểm, sau đó đó tích lũy quanh ngưỡng này.
VN-Index rơi xuống vùng bao nhiêu trong kịch bản tiêu cực?
Ở kịch bản tiêu cực, MBS dự báo VN-Index sẽ tích lũy quanh khu vực 1.120 – 1.140 điểm, trước khi bứt phá ở giai đoạn tiếp theo. Khi chỉ số tích lũy tại ngưỡng này, đây là khoảng thời gian cần thiết để các nhóm cổ phiếu có thể tìm được vùng cân bằng và tạo mặt bằng giá mới sau giai đoạn tăng mạnh từ giữa năm.
BSC đưa ra kịch bản tiêu cực,bán tháo có thể xuất hiện nếu thị trường tiếp tục điều chỉnh, VN-Index dự kiến lùi về ngưỡng 1.100 (biên độ 20 điểm).
Cơ sở được BSC đưa ra là khả năng Fed sẽ còn một lần nâng lãi suất điều hành trong năm và duy trì mặt bằng lãi suất này trong một khoảng thời gian dài. Áp lực tỷ giá giai đoạn quý IV bắt đầu căng thẳng hơn, không loại trừ khả năng NHNN có thể sẽ tiếp tục hoạt động phát hành tín phiếu trên thị trường mở OMO và sử dụng các công cụ mạnh mẽ hơn để cân bằn thanh khoản và ổn định các biến số vĩ mô của nền kinh tế.
Kém lạc quan hơn, khối phân tích của Chứng khoán DSC (Mã: DSC) đánh giá thời điểm tháng 10 là giai đoạn khó đầu tư do Fed dự phóng nâng lãi suất trong kỳ họp đầu tháng 11. Các chính sách tiền tệ thắt chặt từ Fed tạo áp lực lớn hơn lên tỷ giá, gây ra lo ngại Việt Nam đảo chiều chính sách và báo cáo tài chính quý III được đánh giá ở mức trung lập. Các yếu tố trên có thể đẩy định giá thị trường lên mức cao.
DSC chỉ ra trong tháng 9, thị trường đã hình thành vùng phân phối với mẫu hình hai đỉnh và chính thức kết thúc xu hướng tăng được thiết lập trước đó. Quán tính giảm điểm nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong tháng 10, VN-Index được dự báo tiến về vùng hỗ trợ mạnh hơn là 1.080 - 1.105 điểm.
Nhà đầu tư phải “đãi cát” tìm cơ hội, những nhóm cổ phiếu là tâm điểm
Tổng hợp lại, đa phần khối phân tích của công ty chứng khoán đều dự báo đà tăng của thị trường sẽ chững lại, cơ hội đầu tư không còn rộng mở với toàn thị trường, nhà đầu tư cần chắt lọc hơn khi lựa chọn cổ phiếu nếu giải ngân trong tháng 10.
Với nhận định được đưa ra, VNDirect khuyến nghị nhà đầu tư có thể nắm bắt những cơ hội xuất hiện từ một số xu hướng đáng chú ý. Thứ nhất, đầu tư công vẫn là mũi nhọn tăng trưởng kinh tế. Thứ hai là triển vọng xuất nhập khẩu đang dần phục hồi. Theo sau sự phục hồi của lĩnh vực sản xuất, bán lẻ sẽ phục hồi nhờ sức mua cải thiện. Xu hướng cuối cùng, dòng vốn FDI duy trì tích cực sẽ cải thiện triển vọng nhóm bất động sản công nghiệp.
VDSC dự báo thị trường khó có thể sẽ có mùa công bố kết quả kinh doanh quý III lạc quan trên diện rộng. Đối với ngành ngân hàng, bức tranh lợi nhuận nhìn chung sẽ ổn định và tích cực hơn so với các nhóm ngành kinh doanh khác. Nhà đầu tư đón sóng kết quả kinh doanh quý III sẽ cần có sự chọn lọc từng cổ phiếu riêng lẻ, thay vì kỳ vọng vào sự phục hồi chung của toàn ngành. Một số ý tưởng đầu tư tháng 10 gồm QNS, PVD, NKG và KDH.
Với diễn biến như hiện tại, báo cáo tháng 10 của Chứng khoán BSC khuyến nghị một số nhóm ngành có lợi thế trong giai đoạn cuối năm bao gồm: Xuất khẩu, đầu tư công, bất động sản khu công nghiệp, hàng hóa, công nghiệp.