Tai nạn rồi mới kiểm tra dữ liệu
Vụ xe khách của Công ty TNHH Thành Bưởi (Công ty Thành Bưởi, TPHCM) phóng nhanh, vượt ẩu đâm vào xe khách ngược chiều làm 5 người chết và 5 người bị thương nặng xảy ra rạng sáng 30/9 vừa qua tại Đồng Nai để lại nhiều câu hỏi trong thực thi pháp luật và xử lý vi phạm. Ngay sau tai nạn, tài xế được phát hiện đã bị tước bằng lái do vi phạm trước đó nhưng vẫn lái xe. Dữ liệu GSHT cũng ghi nhận xe đã chạy vượt tốc độ cho phép tới 19km/h (tốc độ thực tế của xe thời điểm vi phạm là 69km/h nhưng đoạn đường chỉ cho phép chạy 50km/h). Cũng đoạn đường trên, vẫn với xe khách Thành Bưởi, vào ngày 23/7 cũng chạy quá tốc độ, vượt ẩu nên đâm phải xe hướng ngược lại làm 1 người chết.
Việc chạy quá tốc độ, vượt ẩu của nhà xe Thành Bưởi dường như rất “bình thường”. Số liệu vừa được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM công bố, trong 9 tháng năm 2023 cho thấy, nhà xe này có tổng cộng 246 xe vi phạm tốc độ bị thu hồi phù hiệu (mỗi xe vi phạm từ 5 lần/1.000km trở lên). Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn tiếp diễn, gây tai nạn thương tâm. Cũng theo địa phương, Công ty Thành Bưởi còn lợi dụng kẽ hở pháp luật để hoạt động xe hợp đồng như chở khách liên tỉnh cố định, xe không vào bến, thường đón/trả khách sai quy định tại 3 điểm trong TP Thủ Đức. Vi phạm này kéo dài và cơ quan quản lý địa phương thừa nhận do việc kiểm tra, xử lý chưa duy trì thường xuyên, thiếu quyết liệt.
Không chỉ ở TPHCM, tại Hà Nội, tình trạng xe hợp đồng trá hình chạy tuyến dưới dạng xe limosine, xe khách liên tỉnh bỏ bến lập bến cóc chạy dù hoạt động ngày càng công khai. Thống kê từ các bến xe của Hà Nội cho thấy, cuối năm 2022, có gần 600 xe khách đăng ký khai thác tuyến cố định liên tỉnh với Hà Nội, nhưng thực tế không vào bến, nhiều xe trong số này vẫn chạy nhưng lập bến cóc, chạy xe dù. Một số đơn vị có số lượng xe đăng ký lớn nhưng không vào bến như: Công ty Hoàng Vinh có 18 lượt xe/ngày tuyến Gia Lâm - Hưng Yên; Công ty Bus Hải Phòng có 26 lượt xe/ngày tuyến Gia Lâm - Hải Phòng; Công ty Bắc Hà có 30 lượt xe/ngày tuyến Nước Ngầm - Bắc Giang; Công ty Đoàn Xuân có 18 lượt xe/ngày tuyến Gia Lâm - Hải Phòng; Công ty Ôtô Phú Thọ có 15 lượt xe/ngày tuyến Mỹ Đình - Phú Thọ…
Về lý thuyết, qua dữ liệu GSHT cơ quan quản lý hoàn toàn có thể biết, ngăn chặn và xử lý tất cả xe khách vi phạm về tốc độ, sai luồng tuyến, bỏ bến; hoặc xe hợp đồng chạy như tuyến cố định với lịch trình lặp lại liên tục… Tuy vậy, thực tế việc phát hiện sai phạm, xử lý ngăn chặn vi phạm lại không đạt kỳ vọng.
Có phần mềm nhưng phải tổng hợp thủ công
Thống kê của Cục Đường bộ (Bộ GTVT) cho thấy, trong 9 tháng năm 2023, qua dữ liệu GSHT, Sở GTVT các địa phương đã xử lý thu hồi phù hiệu của hơn 469 nghìn phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần trở lên (tính trên 1.000km lưu thông); nhắc nhở hơn 25 nghìn xe khác, đa số là xe khách. Trước đó, năm 2022, hệ thống GSHT ghi nhận hơn 16,7 triệu lượt vi phạm tốc độ, thu hồi phù hiệu của hơn 24 nghìn xe, nhắc nhở hơn 148 nghìn xe khác, phạt hành chính 22 triệu đồng.
Các số liệu trên cho thấy vi phạm của xe khách rất phổ biến, nhưng việc xử lý không mang lại hiệu quả. Chế tài thu hồi phù hiệu không quy định thời hạn, dẫn tới xe vừa nộp phù hiệu đã đồng thời xin cấp mới ngay, nên tháng trước vi phạm tháng sau vẫn nhởn nhơ chạy. Lãnh đạo Sở GTVT Bắc Ninh cho rằng, cần bổ sung chế tài xử lý vi phạm của xe khách thông qua dữ liệu GSHT; bổ sung thời hạn tước phù hiệu xe kinh doanh, tránh trường hợp xe vi phạm hôm trước bị thu hồi hôm sau đã đề nghị cấp lại phù hiệu. Thêm chế tài từ chối đăng kiểm với xe vi phạm nhưng chưa nộp lại phù hiệu. Đặc biệt, hệ thống phần mềm dữ liệu GSHT và hình ảnh camera cần nâng cấp, tự động phân loại, cảnh báo xe vi phạm. Qua đó để dễ thống kê, xử lý bởi thực tế hiện vẫn chưa có hệ thống phần mềm và nhân viên phải tự tổng hợp thủ công theo từng xe, từng chuyến.
Những nội dung kiến nghị như trên cũng được Sở GTVT Bình Định, Đà Nẵng, Phú Thọ, Vĩnh Phúc… gửi tới Bộ GTVT. Đại diện nhiều địa phương cho rằng, do phải tổng hợp thủ công từ hệ thống GSHT theo từng xe, nên việc thống kê, xử lý vi phạm thường chậm 1-2 tháng so với thời điểm xảy ra vi phạm.
Lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận, hệ thống tiếp nhận, xử lý dữ liệu phục vụ công tác quản lý hoạt động vận tải phải hoàn thành năm 2021 - 2022, nhưng tới nay chưa triển khai được. Trong khi đó, hệ thống dữ liệu GSHT còn nhiều hạn chế, lạc hậu, nhiều bước thủ công, nên dữ liệu tổng hợp hằng tháng chậm, dẫn đến xử lý vi phạm cũng chậm.
“Nguồn kinh phí để xây dựng, nâng cấp và vận hành các hệ thống phần mềm quản lý vận tải hầu như không có. Các hệ thống hiện nay chủ yếu do đơn vị công nghệ thông tin hỗ trợ xây dựng, vận hành miễn phí, kể cả hệ thống GSHT”, lãnh đạo Bộ GTVT chia sẻ. Để khắc phục, Bộ GTVT đang hoàn thiện đề án công nghệ giai đoạn 2023-2025 và định hướng tới năm 2030 để triển khai.
Bộ GTVT cho biết, đang xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải ô tô. Trong đó có quy định để khắc phục tình trạng xe khách vi phạm vừa có quyết định thu hồi phù hiệu đã có thể làm đơn xin cấp lại phù hiệu. Cùng đó có thêm chế tài cảnh báo và từ chối đăng kiểm với xe chưa chấp hành quyết định thu hồi phù hiệu…
Thống kê của Cục Đường bộ từ hệ thống giám sát hành trình cho thấy, nếu xếp theo địa phương, số xe ô tô kinh doanh chạy quá tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên: TPHCM dẫn đầu cả nước với hơn 17,8 nghìn xe vi phạm, thu hồi 4,2 nghìn phù hiệu. Tiếp đến là Hà Nội với hơn 6,2 nghìn xe vi phạm, thu hồi phù hiệu hơn 3,4 nghìn xe. Bình Dương có hơn 4,1 nghìn xe vi phạm, thu hồi phù hiệu hơn 2,1 nghìn xe. Tiếp đến là Nghệ An, Đồng Nai, Thanh Hóa, Hưng Yên…