Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một phiên giao dịch đầy căng thẳng. Đà rơi VN-Index "kịch tính" trong phiên sáng (18-3), sau đó giảm dần về cuối phiên chiều.
Đua bán khi xuất hiện thông tin không cơ bản?
Ở phiên sáng nay, có lúc hơn 460 mã giảm điểm trên HoSE, VN-Index rớt 36 điểm. Thanh khoản khớp lệnh đạt hơn 25.400 tỉ đồng, gấp 2,3 lần phiên trước đó và gấp 2,3 lần so với trung bình 5 phiên tại cùng thời điểm.
Sau đó đà rơi thu hẹp dần, cuối phiên VN-Index được kéo lên lại vùng 1.243 điểm, rớt hơn 20 điểm so với cuối tuần trước. Cả sàn HoSE có tới hơn 400 mã giảm điểm so với hơn 100 cổ phiếu giữ sắc xanh.
Áp lực bán lớn, nhưng lực cầu cũng không nhỏ, giao dịch rất sôi động đẩy thanh khoản thị trường lên rất cao. Sau một ngày, giá trị khớp lệnh trên HoSE đạt 43.126 tỉ đồng. Cả ba sàn khoảng 48.000 tỉ đồng (xấp xỉ 2 tỉ USD).
Bình luận với Tuổi Trẻ Online, bà Trần Thị Khánh Hiền - giám đốc khối nghiên cứu của Chứng khoán MB (MBS), cho rằng thị trường đã trải qua một thời gian tăng dài, đây là thời điểm chốt lời.
Do vậy ngay cả khi xuất hiện một số thông tin không liên quan đến các yếu tố cơ bản thị trường, cũng sẽ dẫn đến hiện tượng nhà đầu tư "đua" bán, bà Hiền lý giải.
Điểm tích cực, theo bà Hiền, thanh khoản hôm nay rất cao, lực cầu "bắt đáy" lớn.
Thông thường, nếu xuống nhanh, thanh khoản tốt thì khả năng bật lại càng tốt.
Tuy nhiên, ở mỗi thời điểm khác nhau, thị trường sẽ có những vận động khác nhau.
Bà Hiền cũng cho biết khá khó trong việc đưa ra dự báo thị trường hiện nay. Ngân hàng Nhà nước vẫn đang tiếp tục hút tiền về qua kênh tín phiếu, bình ổn tỉ giá, cần thời gian để quan sát.
Nhưng nhìn chung nhà đầu tư cần lưu ý tránh rơi vào trạng thái hoảng loạn, bán tháo. Đặc biệt với những thông tin không ảnh hưởng đến các yếu tố cơ bản của thị trường, chỉ tác động về mặt tâm lý thì nên giữ bình tĩnh.
Mô hình hai đỉnh?
Nói với Tuổi Trẻ Online, giám đốc một công ty chứng khoán ở TP.HCM nhìn nhận phiên hôm nay cộng hưởng của nhiều yếu tố, thông tin.
"Trải nghiệm" phiên hôm nay, nhiều nhà đầu tư liên tưởng tới phiên giảm điểm kỷ lục hôm 18-8-2023. Trong phiên này, VN-Index từng ghi nhận phiên giảm 55 điểm sau khi leo mốc 1.250 bất thành.
Thời điểm tháng 8 năm ngoái, thị trường đã chứng kiến sự tăng điểm của cổ phiếu trên diện rộng, mức tăng bằng lần xuất hiện ở hầu hết nhóm ngành, đặc biệt cả các nhóm có kết quả kinh doanh thua lỗ.
Tiền vào chứng khoán tiếp tục tăng, loạt cổ phiếu đạt đỉnh lịch sử
Thị trường chứng khoán cần thêm nhà đầu tư tổ chức
Chứng khoán ngập ‘xanh tím’, nỗi lo đè nặng tâm lý nhà đầu tư được xua tan?
Nếu so sánh thị trường giai đoạn này với bối cảnh cuối tháng 8 năm ngoái, có một số nét tương đồng như diễn biến lạm phát Mỹ hay câu chuyện hút ròng tín phiếu từ Ngân hàng Nhà nước.
Giới quan sát ngày càng bình luận nhiều hơn về mô hình 2 đỉnh.
Tuy nhiên, việc VN-Index có lặp lại kịch bản giai đoạn tháng 9 năm ngoái vẫn là một câu hỏi với sự phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Ông Đinh Quang Hinh - trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, khối phân tích VNDirect, dự báo chỉ số VN-Index có thể "test" (kiểm tra) lại "vùng kháng cự" quanh 1.280 điểm.
Ông này cũng nhìn nhận thị trường chứng khoán phản ứng không quá tiêu cực về động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước. Điều này là nhờ thị trường hiện tại đang có nhiều yếu tố hỗ trợ.
"Dòng tiền trong nước đang khá quyết liệt, được hậu thuẫn bởi môi trường lãi suất thấp và tâm lý kỳ vọng vào câu chuyện nâng hạng thị trường", vị chuyên gia nói.
Quay trở lại với diễn biến giao dịch hôm nay, ghi nhận khá tích cực ở một số nhóm cổ phiếu bất động sản.
Trong top 10 cổ phiếu tăng giá tốt hôm nay, có VRE, DPG, QCG, DIG... tăng trần. Nhiều mã bất động sản khác cũng ghi nhận sắc xanh như SCR, CEO, TCH, HQC, ITC...
Trong nhóm VN30, ghi nhận 28 mã giảm điểm, chỉ có hai cổ phiếu duy trì "phong độ" hôm nay là VIC và VRE, đều thuộc "họ" Vingroup.