Chứng khoán

"Chứng khoán có thể giảm 15-20% trước khi tăng ổn định"

Theo thống kê của VnExpress, đa số công ty chứng khoán đều đưa ra kịch bản lạc quan về diễn biến VN-Index năm nay. Trung bình các đơn vị đều dự báo chỉ số này đóng cửa thấp nhất trên 1.300 điểm và cao nhất tiệm cận 1.500 điểm ở kịch bản tích cực. Tuy nhiên vẫn có nhiều nhóm phân tích có hướng tiếp cận thận trọng hơn.

Báo cáo mới đây của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng VN-Index duy trì tăng trưởng dài hạn. Tuy nhiên thị trường chỉ tích cực hơn khi các yếu tố hỗ trợ tiếp tục hiện hữu và những rủi ro bất định hạ nhiệt. Các yếu tố tích cực gồm nền kinh tế tăng trưởng tốt, kỳ vọng mức trung bình hơn 8% mỗi năm trong giai đoạn 2025-2030; lãi suất ổn định trên nền thấp, lạm phát kiểm soát tốt; kỳ vọng nâng hạng thị trường; vốn hóa thị trường tương đối hấp dẫn so với nền kinh tế và GDP.

Mặt khác, SHS vẫn lưu ý năm nay có nhiều yếu tố bất định gồm nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khi chênh lệch lãi suất vẫn ở mức cao, thị trường không có nguồn cung chất lượng mới; căng thẳng địa chính trị trên thế giới; diễn biến kinh tế thế giới và Việt Nam trước áp lực áp đặt thuế quan của Mỹ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Ngoài ra, VN-Index cũng sẽ chịu tác động nếu thị trường tài chính Mỹ, vàng, tiền số suy giảm trong năm nay.

Do đó, nhóm phân tích này cho rằng có thể xuất hiện trường hợp VN-Index biến động điều chỉnh mạnh 15-20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại. Thị trường dự báo có thể khởi sắc hơn từ quý II khi FTSE xem xét việc nâng hạng. Chứng khoán theo kịch bản cơ sở sẽ quay lại tích lũy trong kênh giá 1.200-1.300 điểm trước khi tăng trưởng. Ở kịch bản tích cực, họ kỳ vọng chỉ số chung sẽ tăng 11-12% so với năm 2024, hướng tới vùng giá 1.400-1.420 điểm.

Giá trị giao dịch dự báo diễn biến cùng chiều với chỉ số VN-Index, ở vùng thấp khi thị trường trong kênh tích lũy 1.200-1.300 điểm và tăng mạnh khi thị trường biến động khỏi vùng tích lũy, dù theo chiều hướng tăng hay giảm. Tính trung bình trong năm, dự báo giá trị giao dịch toàn thị trường có thể tăng khoảng 11-12% so với năm 2024.

Nhà đầu tư bối rối khi quan sát diễn biến trong một phiên VN-Index giảm điểm hồi tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Nhà đầu tư bối rối khi quan sát diễn biến trong một phiên VN-Index giảm điểm hồi tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Một trong những rủi ro SHS nhấn mạnh là tỷ lệ cho vay ký quỹ ở mức cao kỷ lục. Giai đoạn 2023-2024, dư nợ cho vay ký quỹ liên tục tăng và đạt mức đỉnh hơn 219.358 tỷ đồng cuối quý II/2024. Tỷ lệ dư nợ trên vốn hóa HoSE cũng lập mức cao mới 4,2% - vượt các kỷ lục trong quý I/2022, thời điểm VN-Index ở mức 1.500 điểm. Tỷ lệ sử dụng đòn bẩy dư nợ gia tăng thể hiện dòng tiền mới tham gia thị trường yếu hơn so với áp lực bán ròng đột biến của khối ngoại. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến chứng khoán tích lũy trong biên độ hẹp năm 2024.

"Để thị trường chung có thể tăng trưởng tốt, tỷ lệ dư nợ vay ký quỹ trên vốn hóa thị trường có thể cần giảm về mức 3,5-3,7% tương đương thời điểm cao nhất năm 2021-2022. Điều này có thể cải thiện nhờ khối ngoại giảm áp lực bán ròng, dòng tiền mới gia nhập thị trường tích cực hơn, doanh nghiệp tăng trưởng tốt", SHS nêu trong báo cáo.

Định giá cũng được xem như điểm hấp dẫn của chứng khoán hiện tại. Cuối năm 2024, định giá theo P/E (giá thị trường trên thu nhập mỗi cổ phiếu) của VN-Index ở mức 14,84 lần, thấp hơn P/E trung bình 10 năm (16,6 lần) và trung bình 5 năm (17,1 lần). Với P/E dự phóng 11,4 lần, mức này được xem khá hấp dẫn so với triển vọng tăng trưởng hiện nay. Tuy nhiên, SHS lưu ý định giá thấp do lợi nhuận nhóm ngân hàng rất lớn kéo theo mức P/E chung thị trường xuống thấp.

"Giá của các cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền cao trong khi các nhóm khác lại kinh doanh suy yếu, tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư", nhóm phân tích này nói thêm.

Báo cáo mới đây của Chứng khoán Phú Hưng (PHS) dẫn dữ liệu từ nền tảng FiinProX cũng chỉ ra thực trạng tương tự. Họ cho rằng có khá nhiều ngành đang bị định giá cao, có thể kể đến như công nghệ, dầu khí, tài nguyên cơ bản, hàng cá nhân gia dụng, tiện ích...

Nguồn: FiinProX, SHS

Nguồn: FiinProX, SHS

Không chỉ SHS, một số đơn vị phân tích đưa ra kịch bản triển vọng nhưng vẫn dự phóng mức hỗ trợ của VN-Index năm nay rất thấp, nổi bật là Chứng khoán An Bình (ABS) hay Chứng khoán Tiên Phong (TPS) khi cho rằng thị trường vẫn có thể xuống quanh 1.080-1.198 điểm ở kịch bản tích cực.

Trong đó, ABS cảnh báo mặc dù thị trường tăng điểm, dòng tiền vào chứng khoán vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực từ các thị trường tài sản khác với bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đang hồi phục, vàng vẫn còn nhiều cơ hội, lãi suất tiết kiệm tăng, sức ép từ tỷ giá dâng lên. Còn TPS lưu ý thị trường chứng khoán đang thiếu đi động lực và dòng tiền cần một ngành có triển vọng để giải ngân.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm