Doanh nghiệp

Niềm tin của cha và sự thấu hiểu của con gái ở Nước mắm Hạnh Phúc

TIN MỚI

Chuyển giao công ty cho con gái điều hành từ rất sớm, đến nay đã 15 năm nhìn lại, ông Lê Vạn Nam - nguyên Giám đốc và Nhà sáng lập Nước mắm Hạnh Phúc - nói vui:

"Nói đúng ra thì con mình ăn học thành tài rồi. Lại có rể là người ăn học thành tài hơn con mình nữa. Mình trình độ hạn chế. Tại sao không để con điều hành công ty càng sớm càng tốt, chứ đừng đợi mình lết bánh rồi mới đưa con vô tiếp quản. Phải đưa con vô càng sớm càng tốt, để nắm bắt kịp thời những gì tồn tại, chưa giải quyết được thì con giải quyết cùng mình. Chứ làm chi khi già yếu rồi còn gọi với theo: "Ê, tao còn cái mối này tao chưa chỉ tụi bay nữa". Muộn màng rồi, phải không?

Niềm tin của cha và sự thấu hiểu của con gái ở Nước mắm Hạnh Phúc- Ảnh 1.

Ông Lê Vạn Nam, Nhà sáng lập thương hiệu Nước mắm Hạnh Phúc và con gái, chị Lê Nguyễn Huyền Trân, Giám đốc công ty TNHH CBTP Hạnh Phúc.

Có thể nói với tinh thần "đi trước thời đại", ông Lê Vạn Nam và bây giờ con gái ông là chị Lê Nguyễn Huyền Trân đã xây dựng Nước mắm Hạnh Phúc thành một thương hiệu Việt đáng tự hào cùng lịch sử 45 năm hình thành và phát triển.

Bài học xương máu về sự dừng lắng

Chú nhận thấy từ hồi tiếp quản công ty, chị Trân đã làm được điều gì mà chú chưa làm được? Cách làm việc của chị Trân khác biệt thế nào so với thời của chú?

Ông Lê Vạn Nam: Thay đổi nhiều lắm. Tất cả các bộ mặt đều thay đổi hết. Chất lượng hàng hóa thay đổi từng đợt từng đợt. Bao bì nhãn hiệu làm theo yêu cầu của khách ngày càng tốt hơn. Vấn đề kỹ thuật mỗi ngày mỗi thay đổi. Trang thiết bị máy móc ban đầu còn thô sơ, công thức cũ kỹ. Bây giờ bộ máy rất hiện đại. Thay vì hồi trước sử dụng xăng dầu. Bây giờ xài mô-tơ điện. Còn cách làm thì khác xa chớ. Ông già cổ lỗ sĩ. Con gái càng ngày càng tân tiến. "Con rùa " với "chiếc xe tăng" sao mà so được.

Niềm tin của cha và sự thấu hiểu của con gái ở Nước mắm Hạnh Phúc- Ảnh 2.

Theo chị Trân, khác biệt lớn nhất giữa thời của chị và thời của ba mẹ chị là gì?

Chị Lê Nguyễn Huyền Trân: Đến thời điểm này khác biệt lớn nhất có thể là tư duy tổ chức công việc, đội ngũ và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Mình may mắn có nhiều nhân sự theo mình hàng chục năm, tất cả đều cần cù, chịu thương chịu khó, quan trọng là thuyết phục được mọi người những cách làm, cách tổ chức công việc mới sẽ giúp mọi người đỡ cực hơn, tiết kiệm thời gian hơn, mọi người có thể dành nhiều thời gian hơn cho tâm huyết chung đó là chất lượng sản phẩm như hàng chục năm qua.

Bài học nào thời gian đầu tiếp quản công ty và chuyển đổi mô hình làm việc là đắt giá với chị?

Chị Lê Nguyễn Huyền Trân: Đó là bài học lớn của Hạnh Phúc về dừng lắng. Ngày xưa thời ba mẹ mình làm ở quận 4 thì sản lượng nhỏ. Khi chuyển qua nhà máy mới, quy mô lớn hơn ở khu công nghiệp Long Hậu, sản lượng đã tăng rất nhiều lần. Việc kiểm soát chất lượng cũng phát sinh nhiều thách thức.

Niềm tin của cha và sự thấu hiểu của con gái ở Nước mắm Hạnh Phúc- Ảnh 3.

Cũng giống như nấu một món ăn cho gia đình 4-5 người thì có thể rất ngon, nhưng cũng lấy công thức đó, cách làm đó nấu cho một bữa tiệc gần cả trăm người thì sẽ phát sinh nhiều thứ và chất lượng cũng sẽ không như nấu cho nhà ăn. Muốn vẫn ngon như vậy thì không có cách nào là phải làm nhiều lần, cho quen rồi điều chỉnh từ từ.

Làm nước mắm cũng vậy thôi. Cốt lõi của mình vẫn là nước mắm truyền thống. Mà đã là nước mắm truyền thống thì không thể nhanh, không thể nhiều, muốn bao nhiêu có bấy nhiêu được. Ai làm nước mắm cũng biết để ra một mẻ nước mắm ngon yếu tố quan trọng không kém cá, muối và thời tiết đó chính là thời gian. Phải đủ thời gian, không được gấp gáp thì mới ra được mẻ nước mắm ngon.

Với dòng nước mắm cao đạm của Hạnh Phúc, chuyện đó càng quan trọng hơn. Phải dừng đủ bước, lắng đủ lâu để cho ra mẻ nước mắm gọi là có phẩm cấp hảo hạng, từ hương, vị cho đến màu sắc, cảm quan.

Mình có muốn tăng công suất, thì càng phải đầu tư để tăng điều kiện cho nước mắm dừng lắng tốt hơn, chứ không phải giảm bớt cho nhanh, cho ra nhiều hơn. Mà dừng lâu quá thì cũng không được, nước mắm thì bị sẫm màu, còn con người mình thì sẽ bị sức ì, quan trọng là dừng lắng đúng và đủ.

Niềm tin của cha và sự thấu hiểu của con gái ở Nước mắm Hạnh Phúc- Ảnh 4.

Các khách mời theo dõi phim doanh nghiệp trong sự kiện kỷ niệm 45 năm thương hiệu Nước Mắm Hạnh Phúc.

May mắn của người đi tiên phong

Hạnh Phúc nổi tiếng với bằng sáng chế độc quyền về nước mắm cao đạm, trong đó dòng nước mắm 60 độ đạm là sản phẩm nổi bật nhất. Khoảng bao lâu thì trên thị trường có sản phẩm cao đạm giống như bên mình?

Chị Lê Nguyễn Huyền Trân: Mất tầm 10 năm để mọi người học hỏi công nghệ. Bằng độc quyền sáng chế thực tế có thời hạn đến 20 năm nhưng nhiều bên khác đã nghiên cứu và làm theo nguyên lý của mình ngay sau khi Hạnh Phúc công bố bằng sáng chế này. Thực lòng thì lúc đó mình cũng không bận tâm lắm việc này mà tập trung hoàn thiện hơn sản phẩm của mình. Vì mình biết rõ ngoài công nghệ thì quy trình và con người là những yếu tố quan trọng không kém, mà những yếu tố đó thì mỗi công ty, mỗi đơn vị mỗi khác nhau.

Chị thích vị thế của một người đi tiên phong, mình một chợ trong dòng nước mắm cao đạm như trước đây, hay buôn có bạn bán có phường như hiện nay khi có một số thương hiệu đã tham giao vào phân khúc này?

Chị Lê Nguyễn Huyền Trân: Dù đi tiên phong như trước đây hay cùng chia sẻ một phân khúc thị trường như bây giờ, Hạnh Phúc vẫn giữ tinh thần giao hòa hữu ái với tất cả thương hiệu, nhà thùng nước mắm khác, không chỉ là buôn có bạn, bán có phường mà để giữ cho nghề nước mắm truyền thống tồn tại và phát triển, mang lại lợi ích cho tất cả các bên thì không ai có thể làm một mình.

Niềm tin của cha và sự thấu hiểu của con gái ở Nước mắm Hạnh Phúc- Ảnh 5.

Việc các thương hiệu khác cũng đã đưa ra thị trường dòng nước mắm cao đạm cũng là một cơ hội và động lực để mình ngày càng làm tốt hơn, hoàn thiện sản phẩm của mình hơn. Hạnh Phúc phải làm cho tốt, giữ cho ổn định để đáp ứng được thị hiếu khách hàng của mình. Cũng không nhất thiết là phải cạnh tranh trực tiếp với ai vì mình tin là thị trường còn lớn và mỗi thương hiệu sẽ có đối tượng khách hàng riêng.

Mấy năm gần đây thị trường biến động nhiều nhưng Nước Mắm Hạnh Phúc vẫn giữ được số lượng bán ra. Nhờ đâu mình giữ được sự ổn định và lượng khách hàng trung thành đó?

Chị Lê Nguyễn Huyền Trân: Khách hàng trung thành của mình là những khách hàng có gu riêng và cũng hơi khó tính. Khi họ đã chọn được sản phẩm ưng ý rồi mà trong một thời gian dài mình vẫn giữ vững chất lượng, giữ đúng những giá trị cốt lõi đã cam kết ngay từ đầu thì mọi người sẽ gắn bó và ủng hộ mình lâu dài thôi. Nghe thì dễ nhưng sự ổn định và giữ vững chất lượng cũng như giá trị thực sự là một thử thách. Mình phải nỗ lực nhiều và có vẻ như khách hàng cũng cảm nhận được điều đó.

Niềm tin của cha và sự thấu hiểu của con gái ở Nước mắm Hạnh Phúc- Ảnh 6.

Chúng tôi kể câu chuyện có thật bằng một giọng nói ngọt ngào

Trong 45 năm kể từ ngày thành lập công ty, nếu chia chặng đường đã đi bằng vài dấu mốc đáng nhớ thì chú Nam và chị Trân sẽ chia ra làm mấy giai đoạn?

Ông Lê Vạn Nam: Nhìn lại tui thấy quá trời cực. Coi như đi xe đạp, xe lam rồi đủ loại xe chở nước mắm từng can đi bán. Thấy 45 năm vậy chứ nhớ lại là rất nhiều cực nhọc lắm. Không cách nào nhớ nổi.

Chị Lê Nguyễn Huyền Trân: Theo Trân có thể chia 45 năm làm ba giai đoạn. Giai đoạn thô sơ làm truyền thống ủ chượp cá chắc phải 14-15 năm, hình thành nên cái tên Hạnh Phúc. Giai đoạn hai tầm 15-17 năm. Là giai đoạn thành công với quy trình sản xuất nước mắm cao đạm bằng phương pháp cô đặc chân không nhưng còn ở quy mô nhỏ ở Quận 4. Giai đoạn này là lúc thương hiệu Hạnh Phúc được nhiều người biết đến và xác lập được phân khúc riêng. Giai đoạn ba là từ 2012 tới bây giờ - chính là giai đoạn chuyển mình đi vào khu công nghiệp, tăng quy mô sản xuất và đổi mới phương pháp hoạt động.

Thời gian tới, Hạnh Phúc muốn mang đến thêm điều gì cho khách hàng của mình?

Chị Lê Nguyễn Huyền Trân: Mình muốn kết nối và chia sẻ với khách hàng nhiều hơn, về chuyện của nước mắm và của đại gia đình Hạnh Phúc. Hy vọng khi nhắc đến sản phẩm nước mắm, mọi người sẽ biết câu chuyện của nước mắm là gì, là thế nào. Qua giọng kể ngọt ngào của Nước Mắm Hạnh Phúc, người tiêu dùng sẽ nghe được giọng nói xuất phát từ tấm lòng, từ những gì thực nhất. Đó là câu chuyện có thật. Và đó cũng là những giá trị cộng thêm mà người tiêu dùng xứng đáng được hưởng thụ mỗi khi mua một chai nước mắm của Hạnh Phúc, để Hạnh Phúc không chỉ là một cái tên.

Chị và chú có thấy Hạnh Phúc đi song hành với thành phố trong một giai đoạn nào đó không và mình đã thừa hưởng được sức mạnh của thành phố như thế nào?

Chú Nam: Không có đất Sài Gòn này thì không có mình như bây giờ, mình nhận được nhiều thì cũng phải biết cho lại được nhiều, vậy mới gắn bó như quê hương mình, tình cảm nhiều lắm.

Chị Lê Nguyễn Huyền Trân: Sài Gòn là nơi khai sinh ra Hạnh Phúc, và Hạnh Phúc cũng thừa hưởng rất nhiều căn tính của vùng đất này như: sự cởi mở, cầu tiến, tinh thần sáng tạo, học hỏi, đi trước, đón đầu. Giai đoạn những năm 1990-2000, nếu không có những cơ hội, nguồn lực và sự tương trợ của những con người ở đất Sài Gòn này thì có thể không có được dòng nước mắm cao đạm và Hạnh Phúc như ngày nay. Ngày nay khi Sài Gòn đã phát triển nhanh và mạnh hơn bao giờ hết, Hạnh Phúc chọn cách phát triển khiêm nhường, từ tốn hơn, rồi mình cũng phải chuyển nhà xưởng đến một vùng đất mới phù hợp hơn với nhu cầu. Nhưng cái duyên, cái tình với vùng đất này thì mình chắc chắn vẫn phải giữ, bằng văn phòng và điểm bán ở Quận 4, và bằng nhiều cách khác. Để Hạnh Phúc vẫn là một thương hiệu nước mắm của Sài Gòn nhưng vẫn giữ những giá trị riêng, bớt đi những sự xáo trộn, và áp lực phát triển nóng đặc thù của thành phố này. Mình cứ từ từ, từ từ, từng chút một mà đi.

Niềm tin của cha và sự thấu hiểu của con gái ở Nước mắm Hạnh Phúc- Ảnh 7.

Các thành viên ban lãnh đạo công ty TNHH CBTP Hạnh Phúc tại sự kiện kỷ niệm 45 năm thành lập thương hiệu Nước mắm Hạnh Phúc.

Cám ơn chị và chú đã chia sẻ !

Cùng chuyên mục

Đọc thêm