Tài chính

Chứng khoán bị bán mạnh, VN-Index lại "rơi tự do", chuyện gì xảy ra?

Thị trường chứng khoán vừa

Thị trường chứng khoán vừa "rơi" thêm gần 25 điểm - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Mở cửa phiên giao dịch sáng 1-8, chỉ sau ít phút tăng điểm, áp lực bán trên diện rộng trong khi cầu chủ động vẫn ở mức thấp khiến VN-Index đảo chiều giảm điểm.

Áp lực bán ngày càng gia tăng khi thị trường bước vào phiên chiều. Nếu buổi sáng VN-Index chỉ giảm hơn 5 điểm thì VN-Index có lúc bị "thổi bay" 30 điểm trước khi thu hẹp về mức giảm 25 điểm trong nửa phiên còn lại.

Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về phía tiêu cực khi có 611 cổ phiếu chìm trong sắc đỏ. Cả 3 sàn có 136 cổ phiếu tăng giá, gần 800 mã không "nhúc nhích".

VN-Index đóng cửa khi lùi về mốc 1.226,96 điểm. Đa số các nhóm ngành đều giảm điểm, trong đó viễn thông, hóa chất, chứng khoán, bất động sản… giảm mạnh nhất.

Trong rổ VN30 có tới 28 mã giảm điểm, 2 cổ phiếu hiếm hoi tăng giá và trở thành điểm sáng thị trường gồm: VCB của Vietcombank, SSB của SeaBank. Còn lại đa số chìm trong sắc đỏ với bán chủ động áp đảo.

Phiên biến động hôm nay, khối ngoại có xu hướng mua và bán khá cân bằng về giá trị. Trong đó VNM, MWG, MSN, DBC… là những cổ phiếu được mua ròng mạnh.

Ở chiều ngược lại, FPT, SSI, VIX, CTG, HDB… bị khối ngoại bán "xả" ròng rất mạnh.

Trong top 10 cổ phiếu gây tiêu cực lên mức giảm điểm của thị trường hôm nay, FPT (-2,95%) cũng giữ vị trí "đầu bảng", tiếp đến là GVR của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (-4,85%), MBB (-4,1%), BCM (-7%), TCB (-1,08%)…

Sự phản ứng tiêu cực của thị trường chứng khoán hôm nay không khỏi khiến nhà đầu tư bỡ ngỡ. Bởi trong nước tầm vĩ mô đang cải thiện theo chiều hướng phục hồi.

Trong đó chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) vừa công bố cho thấy ngành sản xuất của Việt Nam vẫn đạt mức 54,7 trong tháng 7, thể hiện sự cải thiện đáng kể về số lượng đơn hàng.

Ngay hôm nay cũng có công bố thêm dữ liệu chi tiết về FDI. Theo đó, lĩnh vực sản xuất chế biến, chế tạo dẫn đầu thu hút vốn FDI đăng ký trong 7 tháng đầu năm, đạt 12,65 tỉ USD (tăng 15,7% so với cùng kỳ).

Một diễn biến đáng chú ý là sự trỗi dậy của lĩnh vực bất động sản và vận tải lọt vào top 5 thu hút vốn FDI có tốc độ tăng lần lượt 87,1% và 112,9%.

Trên bình diện quốc tế, thị trường chứng khoán Mỹ cũng tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ tư (31-7), sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giữ nguyên lãi suất nhưng có khả năng hạ lãi suất trong tháng 9 này.

Thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh do yếu tố tâm lý?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Trương Mạnh Hiếu - trưởng phòng phân tích chiến lược Chứng khoán KIS Việt Nam - cho rằng không có diễn biến xấu về mặt vĩ mô. Phiên điều chỉnh hôm nay vẫn "nặng" về yếu tố tâm lý, theo ông Hiếu.

Thị trường đang trong giai đoạn "yếu" sau đợt điều chỉnh kéo dài, do vậy các yếu tố từ tâm lý, thông tin mang tính chất "nghe ngóng" vẫn tạo sức nặng lên thị trường.

"Kinh tế đang thể hiện sự phục hồi tốt hơn, khối ngoại cũng đang bắt đầu mua ròng trở lại. Nhà đầy tư cần bình tĩnh đánh giá và có chiến lược phù hợp thay vì lựa chọn bán tháo", ông Hiếu nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm