APG muốn thoái vốn GKM Holdings khi thị giá giảm hơn 70% qua một quý
Nhằm cơ cấu danh mục đầu tư, CTCP Chứng khoán APG (Mã: APG) đăng ký bán 2 triệu cp CTCP GKM Holdings (Mã: GKM) từ ngày 25/12 đến 23/1/2025. Khối lượng sở hữu dự kiến giảm từ 5,05 triệu cp (16,1% vốn) xuống 3,05 triệu cp (9,71% vốn). Chiếu theo giá kết phiên 24/12 là 5.400 đồng/cp, lượng cổ phiếu APG muốn bán ra trị giá gần 11 tỷ đồng.
APG đang là cổ đông lớn nhất. Cổ đông lớn còn lại là Chủ tịch Hội đồng quản trị GKM Holdings Đặng Việt Lê với 3,4 triệu cp (10,7% vốn) tại 30/6, căn cứ báo cáo quản trị bán niên.
Công ty chứng khoán lần đầu đầu trở thành cổ đông lớn khi mua thêm gần 650.000 cp vào 27/8/2021, nâng tỷ lệ sở hữu lên 9,1% vốn. Cổ đông này sau đó dần tăng sở hữu lên 4,8 triệu cp, tương ứng với 20% vốn vào tháng 1/2022 nhưng lại thoái sạch vốn chỉ sau đó 2 tháng (3/3/2022).
Kế đến một tháng, APG lần thứ hai trở thành cổ đông lớn khi mua mới 1,5 triệu cp, tương ứng với 6,3% vốn. Tương tự, APG lại nâng sở hữu lên mức 19,3% vốn tại 17/10/2023 rồi dần bán ra, hạ tỷ lệ về dưới 5% tại 10/11/2023.
Từ đây, APG lại gom vào cổ phiếu và nâng tỷ lệ nắm giữ lên 19,1% tại cuối năm 2023. Điểm khác biệt là lần này cổ đông lớn chỉ giảm sở hữu về mức 10,3% tại 29/3/2024, rồi quay lại tăng sở hữu lên 16,08% tại 13/6 và duy trì đến nay.
Tại hai giao dịch báo cáo ngày 12-13/6, khối lượng mua vào đạt 1,9 triệu cp. Chiếu theo giá trị thỏa thuận tương ứng, APG đã chi số tiền khoảng 74 tỷ đồng (bình quân 38.617 đồng/cp, gấp 7 lần thị giá kết phiên 24/12 là 5.400 đồng/cp).
Thị giá GKM đã giảm đến 72% chỉ trong 3 tháng gần nhất, trong đó giai đoạn giữa tháng 9 đến đầu tháng 10 có nhiều phiên giảm sàn. Thị giá đã lao về vùng đáy lịch sử vào hồi giữa năm 2018.
Tại văn bản giải trình chuỗi giảm sàn 5 phiên bắt đầu từ 20/9, công ty khẳng định giá biến động hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu thị trường chứng khoán, nhu cầu, tâm lý và đánh giá của nhà đầu tư.
Thời gian qua, hoạt động kinh doanh của GKM Holdings cũng bị ảnh hưởng bởi kinh tế vĩ mô và mưa bão, thiên tai. Khó khăn này cũng có thể phần nào tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Công ty không có bất kỳ sự can thiệp, tác động hay kiểm soát nào đối với diễn biến giá cổ phiếu thời gian qua. Hiện tại, hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường.
Do doanh thu giảm đáng kể, công ty báo lỗ 1,5 tỷ đồng trong quý III, cũng là quý đầu tiên sau 5 quý. Theo đó, GKM Holdings mới thực hiện được 8% kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra.
APG muốn giảm sở hữu Ladophar về 11%
Cũng từ 25/12 đến 23/1/2025, APG còn muốn bán 1 triệu cp của Dược Lâm Đồng (Ladophar - Mã: LDP). Công ty chứng khoán dự kiến hạ sở hữu tại Ladophar từ 2,4 triệu cp (18,9% vốn) về 1,4 triệu cp (11% vốn).
APG trở thành cổ đông lớn tại doanh nghiệp dược phẩm từ tháng 4/2023, khi nâng sở tỷ lệ hữu lên 8,5% vốn. Đến tháng 10 và tháng 11 cùng năm, tỷ lệ sở hữu tiếp tục tăng lên lần lượt 15,5% và 18,9% - mức hiện tại.
LDP kết phiên 24/12 tại 9.800 đồng/cp. Mức giá này cao hơn so với thời điểm tháng 4/2023 (khi trở thành cổ đông lớn), nhưng thấp hơn hai thời điểm tháng 10/2023 và tháng 11/2023.
Tình hình kinh doanh của Ladophar, doanh nghiệp dược phẩm có lợi nhuận sau thuế gần 4 tỷ đồng trong nửa đầu năm, khởi sắc hơn kết quả lỗ của cùng kỳ (Ladophar đã lỗ 7 quý liên tiếp từ quý II/2022).
Theo báo cáo tài chính bán niên soát xét của APG, thời điểm 30/6, công ty chứng khoán ghi nhận khoản đầu tư vào cổ phiếu GKM và LDP có giá gốc lần lượt 169 tỷ đồng và 47 tỷ đồng (phẩn bổ tại FVTPL).
Về mối quan hệ, hai người từ phía APG đã tham gia vào ban lãnh đạo GKM Holdings. Cụ thể, ông Nguyễn Hữu Phú và ông Đỗ Minh Đức trúng cử vào thành viên HĐQT GKM Holdings tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường tháng 11/2023. Trước đó, hai cá nhân này được nhóm cổ đông APG đề cử vào HĐQT một đơn vị khác là Angimex (Mã: AGM) - chuyên sản xuất kinh doanh gạo.
Tại GKM Holdings, ông Phú kiêm chức Tổng Giám đốc; ông Đức kiêm Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán. Cũng từ 2023, ban lãnh đạo GKM Holdings đã định hướng tập trung vào mảng kinh doanh gạo, bên cạnh lĩnh vực truyền thống là vật liệu xây dựng, đá ốp lát cầu thang hay nhôm dân dụng.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phụ trách Hội đồng quản trị APG, đang đồng thời là Thành viên Ban kiểm soát tại Ladophar. Cá nhân bà Nga không nắm giữ cổ phiếu LDP.