Trao đổi trong Talk show Phố Tài chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, chuyên gia đánh giá, không chỉ năm 2024 mà trong năm 2025 sắp tới, đầu tư công được coi là một trong những yếu tố hàng đầu giúp nền kinh tăng trưởng mạnh mẽ khi lạm phát, lãi suất hay tỷ giá trên thế giới vẫn đang là những yếu tố khó lường tác động đến nền kinh tế trong nước.
BTV Mùi Khánh Ly: Như ông cũng đã thấy các Bộ ngành, địa phương đã và đang tích cực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Vậy theo ông liệu rằng năm 2024 này chúng ta có hoàn thành được mục tiêu đề ra?
Ông Đặng Nguyễn Trường Tài, Giám đốc Đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ Dai-Ichi Life Việt Nam (DFVN): Theo số liệu thu thập được sau 11 tháng đầu năm 2024, giải ngân đầu tư công ước đạt 572 nghìn tỷ, đạt 73,5% kế hoạch, tăng 2,4% so với cùng kỳ trước. Như vậy để đạt kế hoạch thì cần thúc đẩy nhanh hơn 25% nữa, đây là mục tiêu khá thách thức.
Tuy nhiên, nếu xét về ý nghĩa của đầu tư công và ảnh hưởng nếu buộc phải đẩy mạnh để giải ngân đến hơn một phần tư mục tiêu của cả năm chỉ trong tháng 12/2024, việc hoàn thành mục tiêu hay không vào thời điểm này thực ra cũng không quá quan trọng, bởi hiệu ứng lan tỏa cho tăng trưởng kinh tế mà đầu tư công đã mang lại trong 11 tháng đầu năm 2024.
Vậy kết quả đầu tư công sẽ đóng vai trò như thế nào trong tăng trưởng kinh tế năm 2024?
Ông Đặng Nguyễn Trường Tài: Trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng GDP khá cao so với kỳ vọng 6,8%, đã được đóng góp chủ yếu từ 2 trụ cột chính là tiêu dùng 58% và đầu tư tư nhân 16,5%, chiếm khoảng 75%.
Trong khi GDP tăng khá như vậy thì đầu tư công tăng chưa tới 3% và chiếm tỉ trọng nhỏ trong cấu phần, cho thấy mức độ đóng góp trực tiếp của đầu tư công vào GDP khá khiêm tốn.
Tuy nhiên, giá trị thực sự của đầu tư công không phải nằm ở con số tuyệt đối giải ngân bao nhiêu, mà vai trò của đầu tư công vào hạ tầng nên được đo lường bởi mức độ ảnh hưởng, sự lan tỏa, hỗ trợ, xúc tác tạo tiền đề cho các thành phần chính, có đóng góp lớn và bền vững trong cơ cấu của động lực tăng trưởng kinh tế.
Như vậy, đầu tư công tập trung vào cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề cho tiêu dùng nội địa và đầu tư tư nhân bức tốc là một bước đi mang tính chiến lược, đúng đắn của chính sách, tạo động lực tăng trưởng, kích thích môi trường trong nước, vực dậy các thành tố đóng góp lớn và bền vững.
Nhiều ý kiến đánh giá không chỉ năm 2024 mà năm 2025, đầu tư công sẽ là yếu tố tiên quyết trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi các yếu tố khác đang là những ẩn số khó lường hơn? Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Đặng Nguyễn Trường Tài: Dự kiến GDP tăng trưởng 7% trong năm nay, như vậy mức tăng trưởng này đã về mức trước dịch.
Tuy nhiên khi xem xét 2 trụ cột đóng góp lớn, trước hết là với tiêu dùng nội địa, đây là động lực chính cho câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam với dân số 100 triệu người, GDP đầu người đạt ngưỡng dự kiến 5.000 USD trong năm 2025, tiêu dùng nội địa hiện vẫn chưa phục hồi tốt để đạt mức tăng trưởng như tiềm năng vốn có.
Cụ thể, giai đoạn trước dịch 2019 trở về trước, tiêu dùng nội địa có mức tăng trưởng hàng năm 12% trở lên nhưng hiện nay mức tăng trưởng của năm 2024 lại nhỏ hơn 9%.
Còn với đầu tư tư nhân tăng trưởng khiêm tốn khoảng 7% so với mức 18% của những năm 2018-2019. Ngoài ra, giai đoạn Covid cũng đã làm giảm hiệu quả của đầu tư tư nhân dù vẫn có con số tăng trưởng dương, nhưng chất lượng không trải rộng đều mà chỉ tập trung vào một số ngành đặc thù, không đại diện cho cả nền kinh tế.
Với đầu tư công và cơ sở hạ tầng đóng vai trò kích thích giúp đầu tư tư nhân hiệu quả trở lại. Chính vì vậy, Nhà nước đã và đang tập trung vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo môi trường tốt cho hoạt động của khối tư nhân trong nước và thu hút FDI tạo công ăn việc làm, từ đó cải hiện đầu tư tư nhân và tiêu dùng nội địa.
Thực ra, khi nền kinh tế chưa đạt tới trạng thái tiềm năng vốn có, Chính phủ có thể sử dụng các công cụ để can thiệp và điều tiết là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Đối với chính sách tiền tệ, lãi suất cũng đã và đang ở mức thấp trong hai năm qua. Còn đối với chính sách tài khóa, định hướng rất tốt là đầu tư công và tập trung cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, số liệu mới nhất cho thấy gần 1 triệu tỷ đồng dành cho đầu tư công đang nằm trong ngân sách, nếu giải ngân được ra nền kinh tế, làm khơi thông nguồn vốn chưa sử dụng này, cũng như giúp NHNN có thêm room để điều tiết linh động chính sách tiền tệ.
Sau những phân tích ở trên có thể thấy rằng, đầu tư công là yếu tố tiên quyết trong bài toán thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở giai đoạn hiện nay, nên việc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cao trong các năm sắp tới, cụ thể là 8% trong 2025 là hoàn toàn có cơ sở.
Đấy là về kinh tế vĩ mô, khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ thì thị trường chứng khoán cũng sẽ được hưởng lợi theo , vậy theo dự báo của ông năm 2025 thị trường chứng khoán sẽ như thế nào?
Ông Đặng Nguyễn Trường Tài: Triển vọng thị trường chứng khoán dựa trên cơ sở hai yếu tố cốt lõi, thứ nhất đó là tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp. Thực tế, mặt bằng lãi suất thấp kéo dài, mức chấp nhận rủi ro của NĐT tốt lên do niềm tin cải thiện, nhờ triển vọng tăng tưởng lợi nhuận tốt và ổn định hơn của doanh nghiệp, sẽ giúp định giá doanh nghiệp trở nên hấp dẫn.
Ngoài ra, thị trường trong vài năm qua được đóng góp nhiều bởi vài nhóm ngành đặc thù như ngân hàng và bất động sản. Chính vì vậy, nếu tăng trưởng của thị trường chứng khoán được đóng góp đồng đều hơn từ nhiều ngành nghề khác nữa như tiêu dùng, vật liệu xây dựng, tiện ích…sẽ giúp củng cố niềm tin của NĐT vào thị trường hơn.
DFVN không đánh giá ngắn hạn, mà tầm nhìn trong dài hạn, trong đó 2025 là 1 năm khởi đầu cho chu kỳ tăng trưởng bùng nổ, sau năm bản lề 2024 tạo được nền và tích lũy tốt, cũng như những tín hiệu tích cực đi trước mà chúng ta đã nhìn thấy đó là những hiệu quả lan tỏa của đầu tư công đến các ngành nghề khác.
Khi hoạt động đầu tư công được thúc đẩy, ngoài nhóm ngành đầu tư công được hưởng lợi trong thời gian tới, còn có những nhóm nào khác nữa, theo nhận định của ông?
Ông Đặng Nguyễn Trường Tài: Những ngành nghề được hưởng lợi trực tiếp thì cũng đã phần nào được phản ánh vào giá như ngành ngành xây dựng, ngành VLXD…
Ngoài ra, với kỳ vọng về đà phục hồi và tăng trưởng trở lại như phân tích ở trên là đầu tư công tạo tiền đề cho tiêu dùng nội địa và đầu tư tư nhân bứt tốc đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong thời gian tới, nên dự kiến những ngành liên quan đến tiêu dùng được hưởng lợi gián tiếp. Ngành này có những đặc điểm cơ bản như sức khỏe tài chính tốt, ít vay nợ đòn bẩy thấp, khả năng sinh lời tốt, cũng như đang có mức định giá thấp.