Kể từ đầu năm, nền kinh tế Việt Nam đã duy trì xu hướng cải thiện qua các quý liên tiếp, trong đó quý I tăng 5,87%; quý II tăng 6,93%; quý III 7,4%. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, GDP ước tăng 6,82%. Theo đó, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực ASEAN trong năm 2024.
Trong đó, động lực tăng trưởng chính nằm ở ngành sản xuất. Chỉ số PMI đã duy trì tốc độ tăng trưởng khá ổn định trong năm nay, thậm chí đạt mức cao nhất trong hai năm trở lại đây lên mức 54,7 điểm vào tháng 6 và tháng 7.
Tuy nhiên, cơn bão Yagi đi qua hồi tháng 9 đã gây ra những gián đoạn đáng kể khiến tốc độ tăng của chỉ số PMI chậm lại. Trong tháng 11, chỉ số PMI đạt mức 50,8 điểm, cho thấy mức cải thiện khiêm tốn của hoạt động sản xuất.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam tăng 8,4% trong 11 tháng đầu năm 2024, cao hơn nhiều so với mức 1% của cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành sản xuất tăng 9,7% so với cùng kỳ, được thúc đẩy bởi: Sản phấm từ cao su và plastic tăng 25,6% so với cùng kỳ; đồ nội thất tăng 24,7%; xe có động cơ tăng 18,3%, dệt may 12,1%, thiết bị điện 11,3%. Ở chiều ngược lại, ngành khai khoáng giảm 7,3% do giá bán thấp (dầu & than).
Trong 11 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 369,9 tỷ USD tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước là một bước nhảy vọt từ mức giảm 6% trong 11 tháng đầu năm 2023.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực có mức tăng trưởng mạnh như: Hàng điện tử tăng 26,3%, máy móc tăng 21,6%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 21,2%, dệt may tăng 10,6% và điện thoại tăng 3,2%. Đáng chú ý, xuất khẩu thép tăng 12,7% với giá trị đạt 8,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước tăng 20%, chiếm 28% tổng kim ngạch, trong khi xuất khẩu của khu vực FDI tăng 12,4%, chiếm 72%.
Về thị trường xuất khẩu, xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng 24% với kim ngạch xuất khẩu đạt 108,9 tỷ USD. Xuất khẩu sang EU cũng có diễn biến tương tự khi tăng 18,1%, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 0,9%. Xuất khẩu sang ASEAN cũng tăng tốc, đạt 33,7 tỷ USD, phản ánh mức tăng trưởng 13,4%.
Một động lực khác cho tăng trưởng năm 2024 là vốn đầu tư công.Năm 2024 là năm quan trọng trong việc tạo nền tảng hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Do đó, ngay từ đầu năm Chính phủ đã chỉ đạo sát sao các địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đặc biệt với những công trình, dự án trọng điểm quốc gia như: Dự án đường dây 500kV mạch 3, sân bay Long Thành, cao tốc Bắc – Nam.
Mặc dù có phần trì trệ trong những tháng đầu năm do những vướng mắc về quy trình rườm rà, thủ tục phức tạp mất nhiều thời gian, khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và chi phí vật liệu tăng, nhưng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã tăng tốc trong những tháng cuối năm khi riêng tháng 11 đã giải ngân được gần 76.000 tỷ đồng.
Theo đó, giúp nâng tổng lượng vốn giải ngân từ đầu năm đến hết tháng 11 đạt khoảng 572.000 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 73,5% kế hoạch năm. Tuy vậy, việc hoàn thành mục tiêu giải ngân 95% tổng số vốn vẫn còn là một thách thức khi thời gian còn lại của năm không còn nhiều.
Ngược lại, vốn đầu tư của tư nhân đã suy giảm từ quý I/2023 nhưng dần phục hồi từ quý II/2024, và đạt mức tăng 7,7% trong quý III/2024. Tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2024 đạt 7,1% so với cùng kỳ cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp trong nước đang trở nên mạnh mẽ hơn nhờ vào lãi suất cho vay thấp và nhu cầu thế giới gia tăng.
Tuy nhiên, động lực tăng trưởng từ tiêu dùng đang chậm lại. Trong 11 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 8,8% so với cùng kỳ và chỉ tăng 5,8% khi loại trừ yếu tố giá tăng, thấp hơn nhiều so với mức tăng trung bình 8% trong 5 năm trở lại đây (loại trừ năm 2021 – thời điểm giãn cách xã hội).
Trong đó, du lịch vẫn là điểm sáng khi Việt Nam thu hút hơn 15,8 triệu du khách quốc tế trong 11 tháng đầu năm, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra đại dịch COVID-19.
Năm vừa qua, Chính phủ đã thực hiện một số chính sách về thuế và cắt giảm chi phí nhằm kích cầu tiêu dùng như: giảm thuế VAT xuống 8% đối với một số mặt hàng đến giữa năm 2025; giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong ba tháng; tăng lương cơ sở 30%.
Tuy nhiên, tiêu dùng nội địa vẫn chưa cho thấy sự cải thiện rõ rệt trong năm 2024 do người tiêu dùng vẫn còn khá thận trọng trong việc chi tiêu trong thời kỳ kinh tế chịu nhiều biến động và rủi ro lạm phát vẫn hiện hữu.
Với các yếu tố trên, MBS dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2024 sẽ đạt 7,0% - 7,1%, trên cơ sở tăng trưởng sản xuất công nghiệp chậm lại trong quý IV, trên nền cao của năm trước, song khu vực dịch vụ sẽ phục hồi và trở thành đầu kéo trong quý cuối năm.
Tiếp nối kết quả kinh tế đầy ấn tượng trong năm 2024, các nhà phân tích từ MBS cũng kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng bền vững ở mọi khía cạnh trong năm tới. Trong đó, việc tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công cùng với các chính sách tài khóa và tiền tệ phù hợp được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phục hồi của tiêu dùng nội địa.
Những yếu tố hỗ trợ cho nền kinh tế bao gồm: Mức tăng trưởng cao hơn dự kiến của Mỹ hoặc Trung Quốc có thể thúc đẩy tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.
Ngược lại, Việt Nam vẫn phải đối mặt với các rủi ro tiềm tàng bao gồm: Nhu cầu toàn cầu yếu đi do sự phục hồi kinh tế chậm và căng thẳng địa chính trị tiếp diễn; Quy mô và tốc độ thay đổi chính sách dưới nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống Trump và nếu giá dầu hoặc giá lương thực tăng đột biến khiến lạm phát tăng cao hơn mục tiêu của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có thể chuyển mục tiêu từ kích thích kinh tế sang kiểm soát lạm phát.