Tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp diễn ra mới đây, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã nêu một số đề xuất, theo Báo Chính phủ.
Trong đó, liên quan đến vấn đề an sinh, trọng tâm là nhà ở xã hội, đại diện Tập đoàn này đề xuất Chính phủ có cơ chế chỉ định nhà đầu tư để rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục. Bởi theo ông Vượng, hạn chế lớn nhất hiện nay đối với nhà ở xã hội là việc chủ đầu tư bị khống chế lợi nhuận định mức 10%.
"Các doanh nghiệp bất động sản triển khai hoạt động này với lợi nhuận 10% thì không thể làm được, vì chỉ tồn đọng vốn 1-2 năm hoặc bán chậm 1-2 năm là sẽ lỗ, trong khi nhà ở xã hội mang tính đóng góp, không phải là kinh doanh", vị này nói.
Đồng thời, đại diện Vingroup đề nghị Chính phủ cho phép công tác chuẩn bị đồng thời các loại quy hoạch, quy hoạch chung và phân khu, quy hoạch chi tiết và liên khu đoàn. Bởi khi đó sẽ rút ngắn được 6-9 tháng cho công tác này.
Vị này cũng đề nghị Chính phủ cho tăng tiêu chuẩn của nhà ở xã hội, tức là phải có hầm để xe, phải có khu vui chơi cho trẻ em cũng như các tiện ích khác… Bên cạnh đó, trong nhóm nhà ở xã hội, cũng cần dành riêng khu cho cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, quân đội…
Báo cáo của Bộ Xây dựng tổng hợp số liệu từ 53/63 địa phương cho biết, quý II/2024 trên địa bàn cả nước có 9 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai. Trong đó, có ba dự án đã và đang hoàn thành với quy mô 1.120 căn; một dự án quy mô 395 căn được khởi công xây dựng và một số dự án mới làm lễ động thổ, ra mắt. Số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 5 dự án với quy mô 2.876 căn.
Nửa đầu năm 2024, cả nước có 8 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với quy mô 3.136 căn, còn cách rất xa mục tiêu đề ra. Theo đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn nhà xã hội, mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn. Riêng năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng khoảng 130.000 căn.
Về việc triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, tính đến nay mới giải ngân được 1.344 tỷ đồng, trong đó 1.295 tỷ đồng cho các chủ đầu tư vay, 49 tỷ đồng cho người mua nhà vay.
Trước đó, Tập đoàn Vingroup và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng đề xuất một chương trình tín dụng mới dành cho người mua nhà ở xã hội.
Cụ thể, đối tượng vay theo đề xuất của Vingroup và Techcombank là những cá nhân đủ điều kiện mua nhà ở xã hội theo danh sách do chủ đầu tư dự án xác minh và cung cấp.
Vingroup và Techcombank đề xuất mức lãi vay dành cho người mua bằng với mức lãi vay mua nhà ở xã hội được Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng theo từng thời kỳ, hiện mức lãi suất này khoảng 4,8%/năm và cố định trong 5 năm đầu tiên.
Mức cho vay mua nhà ở xã hội tối đa lên đến 100% giá trị hợp đồng mua bán nhà ở xã hội. Thời hạn cho vay khoảng 30 năm, tài sản đảm bảo cho khoản vay mua chính là các dự án nhà ở xã hội.
Để thực hiện được chương trình cho vay ưu đãi trên, Vingroup và Techcombank kiến nghị NHNN xem xét cấp bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng so với tăng trưởng tín dụng thông thường để tổ chức tín dụng chủ động mở rộng kinh doanh nhằm tạo ra thu nhập bù đắp phần chênh lệch lãi suất đã bỏ ra để hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội.