Tài chính

Chủ tịch MB hé lộ con số tăng trưởng tín dụng, mong EVN ưu tiên thanh toán cho DN điện tái tạo

Chủ tịch HĐQT NHTM cổ phần Quân đội (MB) Lưu Trung Thái phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Nhật Bắc/VGP).

Tăng trưởng tín dụng hơn 11%

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội ngày 21/9, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết đến hết tháng 8, dư nợ tín dụng đạt khoảng 685.000 tỷ đồng, tăng trưởng 11,14% so với năm 2023. 

Tại hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng, thông tin tính đến ngày 16/9/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 7,26% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ đạt 5,73%).

Trong đó, khối ngân hàng cổ phần tư nhân tăng 8,48%, chiếm 45% thị phần, tăng cao nhất toàn hệ thống. 

Trong khi đó, đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng toàn ngành mới đạt 7,15%. Theo báo cáo tài chính, đến cuối quý II/2024, tăng tưởng tín dụng của MB đạt 9,4%, chủ yếu do tăng trưởng trong dư nợ cho vay khách hàng. Số dư trái phiếu giảm khoảng 4% so với cuối năm 2024. 

Ông Thái cũng cho biết dư nợ cho nhóm ngành ưu tiên theo định hướng của Chính phủ chiếm khoảng 65%. Ngân hàng cũng giải ngân mới 74.000 tỷ đồng cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

Cụ thể, 47% dư nợ tăng mới hay 32.700 tỷ đồng được phân bổ cho phân khúc bán lẻ, cho vay sản xuất kinh doanh (tăng trưởng ~20% so với năm trước).

MB đã bước đầu thực hiện triển khai cấp tín dụng ưu đãi cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung (tổng hạn mức tín dụng 1.000 nghìn tỷ đồng). Đồng thời, 19%, hay 13.000 tỷ đồng được phân bổ cho doanh nghiệp sản xuất & kinh doanh thiết bị điện tử, điện lạnh và phương tiện vận tải; công nghiệp chế biến, chế tạo, các lĩnh vực phụ trợ.

6% hay 4.000 tỷ đồng được MB cho vay lĩnh vực sản xuất và phân phối điện năng lượng, khí đốt và vận tải kho bãi công nghệ cao, theo định hướng ưu tiên chuyển dịch tín dụng xanh, tín dụng bền vững.

Ngoài ra, ông Thái cho biết ngân hàng cũng đã thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất cho vay từ 0,5 đến 1,45 điểm % so với năm 2023. Hiện nay, MB cho vay sản xuất kinh doanh lãi suất là 6,94%/năm, so với năm 2023 là 7,88%.

Trong quý IV/2024, ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng lãi suất ưu đãi với các khách hàng sản xuất kinh doanh có xếp hạng tín dụng tốt, phương án kinh doanh khả thi để hỗ trợ khách hàng, thúc đẩy phát triển kinh tế, Chủ tịch MB khẳng định.

Trong báo cáo phân tích cập nhật kết quả kinh doanh quý II/2024, Chứng khoán KB (KBSV) dự báo nhóm khách hàng cá nhân sẽ trở thành động lực cho tăng trưởng tín dụng của MB vào nửa cuối 2024. Trong giai đoạn 2024 - 2026, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng kỳ vọng duy trì khoảng 18 - 20% nhờ hệ sinh thái, tệp khách hàng lớn và tiếp nhận tổ chức tín dụng yếu kém. 

Ngoài ra, chất lượng tài sản sẽ được duy trì nhơ hiện tại trong nửa cuối năm khi áp lực nợ xấu từ nhóm khách hàng cá nhân tương đối lớn, còn khách hàng doanh nghiệp được kiểm soát tốt. Trong khi đó, NIM sẽ chịu áp lực khi lợi suất/tài sản sinh lời giảm. 

Đề xuất EVN ưu tiên thanh toán cho doanh nghiệp điện tái tạo

Trong phần tham luận, Chủ tịch Lưu Trung Thái đã đưa ra kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiên định với các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất cho vay, thực thi chính sách tiền tệ chủ động. 

Đồng thời, điều hành linh hoạt, thường xuyên quan tâm và tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, ngân hàng để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, phát triển kinh tế bền vững. 

Cụ thể hơn, ông Thái cho rằng cần có thêm các giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp để giảm áp lực vốn tín dụng trung, dài hạn vào hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, cần tăng cường thông tin truyền thông kịp thời để giữ vững tâm lý thị trường, nhà đầu tư trái phiếu.

Đồng thời, các cơ quan/bộ ngành địa phương đẩy nhanh tiến độ phê duyệt điều chỉnh/quy hoạch nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản.

  • TIN LIÊN QUAN
  • Chủ tịch MB tiết lộ tình trạng khoản nợ của nhiều ông lớn bất động sản: Novaland, Trung Nam,...

Chủ tịch MB cũng cho rằng phải tiếp tục thúc đẩy phát triển tài chính xanh, kinh tế xanh để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, cải thiện hiệu quả hoạt động cho ngành ngân hàng và các doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. 

Trong đó, ông mong muốn Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh thống nhất cơ chế giá điện – đặc biệt là các dự án chuyển tiếp – các dự án mới. Đồng thời, chỉ đạo EVN ưu tiên và đảm bảo tiến độ thanh toán cho các doanh nghiệp điện xanh, năng lượng tái tạo.

Trước đó, tại Hội nghị Nhà đầu tư Cập nhật kết quả kinh doanh và Triển vọng tăng trưởng 2024 vào tháng 8, ông Lưu Trung Thái đã có những chia sẻ về một trong những khách hàng lớn mảng năng lượng tái tạo là Trung Nam.

Ông Thái cho biết trong năm 2024, dư nợ của Trung Nam tại MB đã giảm thêm khoảng 2.000 tỷ đồng. Ông nhấn mạnh ngân hàng chỉ cho vay tập trung vào ba dự án điện mặt trời và cả ba đang vận hành đúng tiến độ và có giá FIT 7 là mức giá tốt trong giai đoạn này và dòng tiền đảm bảo trả nợ. Do đó, các khoản vay của Trung Nam không nằm trong các nhóm nợ xấu. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm