FPT:
Chiều 3/7, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phối hợp với Viện Thành viên hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức hội nghị "Tăng cường năng lực quản trị công ty cho các doanh nghiệp niêm yết".
Trong bối cảnh chứng khoán Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của việc nâng hạng từ thị trường cận biên (frontier market) lên thị trường mới nổi (emerging market), khả năng quản trị hiệu quả doanh nghiệp là đề tài được bàn luận.
Bên cạnh định hướng của lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và VIOD, trong tọa đàm "Vai trò của hội đồng quản trị với chiến lược ESG và quản trị công ty", Chủ tịch một số công ty niêm yết trên sàn chứng khoán cũng chia sẻ các kinh nghiệm thực chiến để minh bạch thông tin, nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp.
Trước câu hỏi về lợi ích của doanh nghiệp niêm yết khi thị trường nâng hạng, ông Trương Gia Bình dẫn chứng câu chuyện khi làm việc cùng đối tác nước ngoài.
Chủ tịch FPT cho biết, khi nhắc đến nâng hạng thị trường, nhiều người ngay lập tức sẽ nghĩ đến nguồn vốn, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Khi FPT làm việc với các tập đoàn lớn, họ rất quan tâm đến tư cách của Tập đoàn. Tôi nhận được nhiều câu hỏi như: FPT là doanh nghiệp tư nhân hay niêm yết? Nếu đã niêm yết rồi thì ở đâu? Uy tín của thị trường Việt Nam ảnh hưởng trực tiếp đến FPT.
"Tóm lại, uy tín ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của FPT, chứ không chỉ đơn thuần là dòng vồn", người đứng đầu FPT nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Hà Thu Thanh – Chủ tịch HĐQT, Viện Thành viên HĐQT Việt Nam cho rằng, khi thị trường được nâng hạng, cánh cửa sẽ được mở ra và dòng vốn ngoại sẽ tràn vào. Nhưng không phải tất cả doanh nghiệp sẽ được phân bổ vốn như nhau. Nguồn vốn này chỉ đến với những công ty có khả năng quản trị minh bạch và tính hiệu quả của hoạt động này đã được đánh giá.
"Quản trị doanh nghiệp phải ngày càng tốt lên để nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tiệm cận nguồn vốn. Với doanh nghiệp đã có yếu tố đầu tư nước ngoài, nếu không nâng cao năng lực quản trị, khả năng giữ chân nhà đầu tư ngoại rất chông chênh", bà Thanh nói.
Là doanh nghiệp công nghệ, ông Bình cũng nêu ra mô hình quản trị doanh nghiệp dựa vào công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để nâng cao năng suất lao động. Tại FPT, công ty này đang thực hiện ba khía cạnh chuyển đổi là số, xanh và trí tuệ.
"Tôi yêu cầu tất cả các nhân viên FPT phải áp dụng trí tuệ nhân tạo để nâng cao năng suất lao động. Muốn quản trị được cần dùng đến công nghệ. Khi đã là công ty niêm yết, dưới con mắt của các nhà đầu tư và yêu cầu cao, không thể thiếu yếu tố này", ông Bình chia sẻ kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp.