Doanh nghiệp

‘Bí mật’ của chuỗi bánh mì lớn nhất Việt Nam: Từ quán vỉa hè đến 1.000 cửa hàng được bắt đầu bằng 7,5 triệu đồng

Mới đây, anh Đoàn Văn Minh Nhựt - người đồng sáng lập ra thương hiệu bánh mì Má Hải đã có những chia sẻ về quá trình xây dựng thương hiệu trên chương trình Doanh nhân chính truyện của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online. 

Chuỗi cửa hàng Bánh mì Má Hải, bắt đầu từ việc kinh doanh trên vỉa hè tại TP. Hồ Chí Minh, cho đến nay, đã phát triển thành một thương hiệu bánh mì chả cá thành công theo mô hình chuỗi với hình ảnh nhận diện là màu cam đặc trưng trên nhiều con phố.

Giải thích về tên gọi Bánh mì Má Hải, anh Đoàn Văn Minh Nhựt - người đồng sáng lập ra thương hiệu bánh mì Má Hải cho biết Má Hải là một phép ẩn dụ. Sản phẩm đặc trưng của Bánh mì Má Hải là bánh mì chả cá. "Má Hải" ở đây có nghĩa là mẹ biển cả - người cung cấp tài nguyên thiên nhiên dồi dào, hải sản tươi ngon để làm ra những sản phẩm chả cá hảo hạng. Qua đó, Bánh mì Má Hải muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến người mẹ biển cả. 

Bên cạnh đó, "Má Hải" với chữ má nghĩa là mẹ thể hiện tâm niệm của những người tạo nên thương hiệu Bánh mì Má Hải đó là mang những sản phẩm đến tay người tiêu dùng với đầy tình yêu và sự tận tụy của người mẹ đối với con của mình.

80% ĐỐI TÁC NHƯỢNG QUYỀN CỦA BÁNH MÌ MÁ HẢI LÀ LAO ĐỘNG PHỔ THÔNG

Bánh mì Má Hải hiện có khoảng 1.000 đối tác nhượng quyền từ Bắc vào Nam với giá nhượng quyền là 7,5 triệu đồng. 

Anh Minh Nhựt chia sẻ, thực ra trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, trong 2 năm 2018-2019, Bánh mì Má Hải đã xây dựng được hệ thống nhượng quyền với hàng trăm đối tác với giá nhượng quyền thương hiệu hơn 22 triệu đồng. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 xảy ra, những đối tác của Bánh mì Má Hải gặp phải vô vàn khó khăn, thương hiệu cũng phải đối mặt với những thách thức lớn khi doanh số giảm sút nghiêm trọng, thậm chí có thời điểm doanh số hầu như bằng 0. Điều này dẫn đến Bánh mì Má Hải bắt buộc phải thay đổi.

Sau giai đoạn này Bánh mì Má Hải nhận ra phải linh động và không thể nào setup một gói nhượng quyền với chi phí đầu tư khá lớn trong khi đó mọi người đang thắt chặt các chi phí. Bánh mì Má Hải đã chủ động cắt giảm chi phí vận hành và setup để tinh gọn mô hình, tạo điều kiện cho các đối tác có thể dễ dàng tiếp cận mô hình kinh doanh này với giá thấp hơn. Thậm chí, anh Minh Nhựt cho biết Bánh mì Má Hải có thể chịu lỗ một phần trong việc setup. Sau khi khách hàng kinh doanh ổn định, Bánh mì Má Hải sẽ thu lợi nhuận từ việc cung ứng nguyên liệu. 

‘Bí mật’ của chuỗi bánh mì lớn nhất Việt Nam: Từ quán vỉa hè đến 1.000 cửa hàng được bắt đầu bằng 7,5 triệu đồng- Ảnh 1.

Anh Đoàn Văn Minh Nhựt

Anh Minh Nhựt cũng chia sẻ thêm rằng 80% đối tác nhượng quyền của Bánh mì Má Hải hiện nay là lao động phổ thông, bao gồm những bà nội trợ, người mất việc do Covid-19 và đang tìm hướng đi mới. 20% còn lại là những bạn trẻ muốn tìm hiểu về kinh doanh qua mô hình nhượng quyền và những người đã có hệ thống kinh doanh sẵn như cafe hay cửa hàng tiện ích cũng có thể đầu tư vào Bánh mì Má Hải để tối ưu hóa thu nhập.

"Kinh doanh ẩm thực đường phố không có giới hạn cho bất kỳ đối tượng nào, chỉ cần bạn có đam mê và yêu thích kinh doanh. Tôi nghĩ với chi phí nhượng quyền 7,5 triệu đối với Bánh mì Má Hải là một khoản đầu tư hợp lý." - anh Minh Nhựt nói

BÍ KÍP KINH DOANH NHƯỢNG QUYỀN

Anh Minh Nhựt nhấn mạnh rằng, với việc kinh doanh nhượng quyền, không chỉ chi phí đầu tư phải hợp lý, mà đòi hỏi mô hình kinh doanh cần phải thực sự hiệu quả. Nếu một mô hình nhượng quyền, dù có giá rẻ hay được cung cấp miễn phí, mà không mang lại lợi nhuận, thì nó vô ích và không thể giúp mở rộng kinh doanh. Quan trọng là mô hình phải giúp các đối tác có thể tăng thu nhập và cảm thấy hài lòng với thu nhập đó. Điều này sẽ thúc đẩy việc mở rộng mô hình kinh doanh. Anh cũng kể lại có các đối tác nhượng quyền của Bánh mì Má Hải đã có thể hoàn vốn ngay trong tháng đầu tiên.

Về việc đảm bảo hiệu quả kinh doanh cho các đối tác nhượng quyền là một trong những bài toán Bánh mì Má Hải đặt lên hàng đầu. Điều này bắt nguồn từ việc Bánh mì Má Hải không thu lợi nhuận từ việc thiết lập điểm bán, mà chủ yếu từ việc cung ứng nguyên vật liệu. Do đó, sự thành công của các đối tác nhượng quyền là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với Bánh mì Má Hải. 

Để hỗ trợ hiệu quả cho các đối tác, Bánh mì Má Hải cung cấp nguyên vật liệu với giá cả hợp lý, ổn định, và đặc biệt là đảm bảo nguồn cung kể cả trong những mùa vụ khan hiếm. Thậm chí, kể từ trước đại dịch Covid-19 đến hiện tại, Bánh mì Má Hải đã không tăng giá sản phẩm đối với đối tác nhượng quyền. Ngoài ra, thương hiệu còn chú trọng việc bảo vệ và củng cố sự nhận diện, giúp mở rộng nhận diện thương hiệu và tạo lợi thế cạnh tranh cho các đối tác kinh doanh.

Về câu chuyện mặt bằng, anh Minh Nhựt chia sẻ giai đoạn đầu, Bánh mì Má Hải không có nhiều kinh nghiệm trong việc thiết lập và tìm kiếm mặt bằng. Các điểm bán lẻ đầu tiên không hiệu quả do mới bắt đầu kinh doanh và chưa có nhiều kinh nghiệm. Các điểm bán nằm gần khu vực đèn đỏ nên dù có lượng traffic khách hàng đông nhưng họ không dừng lại mua hàng vì khách hàng bị kẹt xe không thể ghé vào. Điều này khiến cho Bánh mì Má Hải phải đóng cửa điểm bán đó và chịu lỗ chi phí đầu tư. Tuy nhiên, sau này, Bánh mì Má Hải đã phát triển một bộ tiêu chí cụ thể để hướng dẫn các đối tác nhận quyền kinh doanh về cách chọn mặt bằng phù hợp để kinh doanh hiệu quả hơn, và đây cũng là một phần quan trọng mà thương hiệu có thể hỗ trợ khách hàng.

photo-1720030264858

 Về việc quản lý chất lượng, theo anh Minh Nhựt đây là một thách thức chung. Đối với Bánh mì Má Hải, thương hiệu kiểm soát chất lượng ngay từ khâu thiết kế mô hình và sản phẩm. Bánh mì Má Hải rất đơn giản, chỉ gồm vỏ bánh mì, nhân có chả cá, nước sốt và rau dưa. Điểm khác biệt nằm ở công thức chả cá và nước sốt. Thiết kế sản phẩm đơn giản giúp Bánh mì Má Hải dễ kiểm soát chất lượng nên dễ dàng nhân rộng mô hình kinh doanh.

Sau đó, thương hiệu cần phải xây dựng quy trình sản xuất cụ thể từ khi sản xuất đến khi đưa ra thị trường và phải hướng dẫn cụ thể cho khách hàng nhượng quyền khi đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Chất lượng cần được kiểm soát chặt chẽ trong suốt quá trình này.

Điểm cần lưu ý trong khâu sản xuất đó là phải lưu mẫu sản phẩm lại. Anh Minh Nhựt kể lại câu chuyện Bánh mì Má Hải đã từng gặp 1 trường hợp là cái đối tác giao vận gặp sự cố về xe nên dẫn đến nhiệt độ của sản phẩm bị kéo dài hơn và bị ảnh hưởng đến chất lượng. Khi mà sản phẩm đến tay người tiêu dùng, đối tác nhượng quyền của Bánh mì Má Hải phải giải trình với người tiêu dùng, may mắn, do Bánh mì Má Hải luôn lưu lại mẫu sản phẩm, ngày xuất kho, hạn sử dụng. Đó là lí do khâu kiểm soát quy trình quan trọng như vậy.

SAU KHI THAM GIA SHARK TANK

Bánh mì Má Hải tham gia Shark Tank mùa 5 và thành công gọi vốn với offer 5 tỷ cho 36% với sự đồng hành của Shark Louis, Shark Liên và Shark Linh.

‘Bí mật’ của chuỗi bánh mì lớn nhất Việt Nam: Từ quán vỉa hè đến 1.000 cửa hàng được bắt đầu bằng 7,5 triệu đồng- Ảnh 3.

 Anh Minh Nhựt chia sẻ, sau khi tham gia cuộc thi khởi nghiệp Start Wheel và Shark Tank, Bánh mì Má Hải đã nhận được nhiều sự quan tâm từ đối tác nước ngoài như Campuchia, Thái Lan, Hong Kong (Trung Quốc)... Tuy nhiên, hiện tại Bánh mì Má Hải đang tập trung nguồn lực vào việc phát triển thị trường nội địa cùng với chương trình an sinh khởi nghiệp cùng với các cơ quan ban ngành giải quyết vấn đề thất nghiệp hậu COVID. Mặc dù vậy, Bánh mì Má Hải vẫn giữ mối quan hệ với các đối tác quốc tế để trong tương lai gần có thể đưa bánh mì Việt Nam ra thế giới.

Định hướng của Bánh mì Má Hải trong thời gian tới đó là tiếp tục mở rộng hệ thống nhượng quyền đến 64 tỉnh thành. Đối với chiến lược phát triển quốc tế, Bánh mì Má Hải ưu tiên những khu vực có khẩu vị tương đồng với Việt Nam như Đông Nam Á, Đông Á trước khi mở rộng ra các thị trường xa hơn như các nước phương Tây.

Bánh mì Má Hải hiện nay đã có hơn 1.000 đối tác nhượng quyền, anh Minh Nhựt tiết lộ, trong tương lai, mục tiêu của Bánh mì Má Hải là mở rộng số lượng đối tác lên 10.000, tiếp tục hợp tác với các tổ chức đoàn thể và cơ quan địa phương để phát triển các chương trình an sinh lập nghiệp. Cùng với đó, Bánh mì Má Hải cũng đang hợp tác với các trường đại học để phát triển chương trình khởi nghiệp quốc gia, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Và mục tiêu xa hơn là đưa thương hiệu bánh mì Việt Nam ra thế giới. Đây là 3 hướng phát triển mà công ty bạn đang theo đuổi trong tương lai.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm