Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học ĐH Y khoa George Washington, công bố trên tạp chí y khoa Menopause. Kết quả cho thấy phụ nữ sau mãn kinh có chế độ ăn thực vật và tiêu thụ 86 g đậu nành nấu chín mỗi ngày đã giảm 88% số lượng các cơn bốc hỏa từ trung bình đến nặng. Sau 12 tuần, một nửa số phụ nữ trong nghiên cứu không còn xuất hiện cơn bốc hỏa quá nghiêm trọng.
Giáo sư Neal Barnard, người nghiên cứu chính, cho biết chế độ ăn này hiệu quả hơn dự đoán, tương đương với tác động của liệu pháp hormone. Nó cũng giúp giảm cân lành mạnh, dễ áp dụng. Người theo chế độ ăn này đã giảm trung bình 3,6 kg trong 12 tuần, trong khi nhóm không áp dụng chỉ giảm trung bình 0,2 kg.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy phụ nữ ở Nhật Bản và các nước có chế độ ăn truyền thống chủ yếu là thực phẩm từ thực vật như gạo, đậu nành và rau củ, thường rất hiếm xảy ra các cơn bốc hỏa. Tuy nhiên, khi chế độ ăn uống được Tây hóa, với việc tăng cường tiêu thụ sản phẩm từ sữa và thịt, các cơn bốc hỏa trở nên phổ biến hơn.
Barnard bắt đầu nghiên cứu tác động của chế độ ăn thuần chay với các cơn bốc hỏa sau khi nhận được lời chia sẻ từ một phụ nữ đã đọc cuốn sách Your Body in Balance của ông. Cuốn sách này khám phá tác động của chế độ ăn uống với hormone và sức khỏe.
"Bà ấy nói rằng phương pháp trong cuốn sách đã giúp khỏi các cơn bốc hỏa chỉ trong vài ngày. Điều này còn hiệu quả hơn cả những gì tôi đã hứa trong cuốn sách", Barnard nói. Người phụ nữ kể đã áp dụng chế độ ăn thuần chay, giảm dầu mỡ và thêm nửa cốc đậu nành nấu chín mỗi ngày.
Barnard và nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm chính phương pháp này trong một nghiên cứu ngẫu nhiên với 84 phụ nữ, mỗi người báo cáo có ít nhất hai cơn bốc hỏa từ trung bình đến nặng mỗi ngày. Trong đó, một nửa số phụ nữ sẽ tham gia chế độ ăn thuần chay ít chất béo và ăn nửa cốc đậu nành mỗi ngày, trong khi nhóm còn lại tiếp tục ăn như bình thường. Sau đó, họ sẽ ghi lại tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn bốc hỏa.
Sherri, người tham gia nghiên cứu, cho biết đã cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống, không còn phải chịu đựng các cơn bốc hỏa gây khó chịu nữa. Bà đã có thể dành nhiều thời gian hơn với 4 đứa con và cảm thấy tâm trạng tổng thể cũng tốt hơn.
"Tôi lo ngại sử dụng liệu pháp hormone nên rất chào đón việc thay đổi chế độ ăn uống", Sherri nói. Trước khi cân nhắc dùng thuốc, bà thử phương pháp này vì nó đơn giản, dễ thực hiện và có kết quả ngay lập tức.
Barnard cho biết một chế độ ăn thuần chay đơn thuần không có hiệu quả nhiều đối với các cơn bốc hỏa. Đậu nành và các chiết xuất từ đậu nành cũng không có tác động mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc kết hợp cả hai, bên cạnh tránh các thực phẩm có nhiều dầu như hạt, bơ và dầu thực vật, đã giảm đáng kể các cơn bốc hỏa.
"Chúng tôi không biết chính xác tại sao, nhưng việc tránh các thực phẩm nhiều dầu có vẻ hữu ích. Tất cả ba yếu tố đều đóng vai trò quan trọng", Barnard nói.
Đậu nành có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư vú nhờ vào sự hiện diện của các isoflavone tự nhiên như genistein, daidzein và glycitein, những chất phytoestrogen có estrogen nguồn gốc từ thực vật. Trong nghiên cứu này, chế độ ăn sử dụng đậu nành nấu chín, chứa hàm lượng isoflavone cao hơn so với edamame (đậu nành non trong vỏ), sữa đậu nành hoặc đậu phụ.
Barnard giải thích rằng các isoflavone trong đậu nành có tác dụng như các loại thuốc tự nhiên giảm các cơn bốc hỏa. Ông lưu ý rằng sữa đậu nành hoặc đậu phụ đều là thực phẩm lành mạnh, nhưng chúng không có tác động mạnh mẽ như đậu nành nấu chín.
Ông cho biết dù chưa rõ ràng về toàn bộ lợi ích của chế độ ăn từ thực vật, nhưng chất xơ cao và ít chất béo đóng vai trò quan trọng. Chúng thường điều chỉnh tác động của estrogen và đã được phát hiện là hiệu quả với chứng đau bụng kinh. Nhiều khả năng, phụ nữ ưa thích chế độ ăn thực vật có mức estrogen thấp hơn và ít biến đổi hơn khi vào thời kỳ mãn kinh. Hơn nữa, chế độ ăn từ thực vật cũng giúp giảm cân, từ đó cũng giảm các cơn bốc hỏa.
Marta, người tham gia nghiên cứu, đã không thể tìm được giải pháp nào khác. Bà cho biết các cơn bốc hỏa của mình rất nặng trước khi tham gia nghiên cứu. Bà gần như phải chịu chúng mỗi giờ, cùng chứng đổ mồ môi ban đêm. Sau áp dụng chế độ ăn này, bà thấy sức khỏe cải thiện, có nhiều năng lượng và ngủ ngon hơn vào ban đêm. Các cơn bốc hỏa giảm đi đáng kể.
"Tôi sẽ không quay lại chế độ ăn kiểu Mỹ vì cảm thấy sức khỏe đã được kiểm soát", Marta nói.
(Theo South China Morning Post)