Ngày 29-11, tại TP Cần Thơ, TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức hội nghị sơ kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2023-2024 và kế hoạch triển khai giai đoạn 2024-2025.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả triển khai kế hoạch thỏa thuận hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được ban hành từ tháng 3-2023.
Sau hợp tác, sản phẩm của miền Tây vào siêu thị ở TP.HCM
Ông Trần Ngọc Tam - chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - cho biết từ khi có thỏa thuận hợp tác với TP.HCM, tỉnh đã tiêu thụ được các sản phẩm là thế mạnh của mình tại TP.HCM, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, trong đó có một số sản phẩm đã vào kệ cửa hàng lớn, các siêu thị tại TP.HCM.
Qua đó giúp Bến Tre tiêu thụ hàng hóa được thuận lợi, đặc biệt là thế mạnh về cây kiểng, cây giống và sản phẩm OCOP.
Về du lịch, nhờ việc liên kết với TP.HCM mà du lịch Bến Tre phục hồi và phát triển nhanh, đến thời điểm hiện tại đã vượt qua thời kỳ trước dịch COVID-19 về lượng khách và doanh thu. Đặc biệt có hai doanh nghiệp du lịch lớn của TP.HCM là Saigontourist và Vietravel khảo sát mặt bằng, mở trụ sở để phát triển du lịch.
Báo cáo một năm rưỡi hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL, ông Quách Ngọc Tuấn - phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM - cho biết ở lĩnh vực kết nối cung cầu, xúc tiến đầu tư thương mại, năm 2023, có 322 đơn vị tham gia với 657 gian hàng, có 13/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL tham dự với 184 doanh nghiệp đăng ký tham gia cùng quy mô 328 gian hàng với các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Chợ hoa xuân "Trên bến dưới thuyền" là một trong 19 sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội tiêu biểu thường niên tại TP.HCM. Để chuẩn bị cho công tác tổ chức các hoạt động trên, quận 8 đã tổ chức xúc tiến, kết nối cung cầu tại 12 tỉnh, thành, tạo địa điểm cho thương nhân, nhà vườn đến trưng bày, kinh doanh sản phẩm hoa kiểng, trái cây phục vụ du khách.
Năm 2023, có 788 gian hàng, tiêu thụ 138 tấn hàng hóa, trái cây và 120.000 chậu hoa; năm 2024, có 745 gian hàng, tiêu thụ 95 tấn hàng hóa, trái cây và 90.000 chậu hoa các loại…
Đặc biệt, TP.HCM và các tỉnh đã phối hợp tham mưu điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho các dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM…
Đề xuất có không gian ĐBSCL tại TP.HCM
Với đề nghị "nói thẳng những yêu cầu của các tỉnh đối với TP.HCM" từ Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, lãnh đạo các địa phương đã nêu nhiều đề xuất.
Ông Hồ Văn Mừng, chủ tịch UBND tỉnh An Giang, kiến nghị TP.HCM quan tâm, bố trí các không gian để các tỉnh ĐBSCL giới thiệu tiềm năng, lợi thế và xúc tiến đầu tư. "Không gian này không chỉ là các hội nghị, diễn đàn mà là bố trí không gian bằng các địa điểm, trụ sở và cả trên không gian mạng", ông Mừng nói rõ hơn về đề xuất.
Ông Đồng Văn Thanh - chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - cũng bày tỏ "đồng tình với kiến nghị của An Giang là TP.HCM cần có không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm ĐBSCL để khách đến đây là biết ĐBSCL có gì. Nếu người ta cần xem nét văn hóa ĐBSCL thì có trình chiếu, giới thiệu cho họ xem, nếu họ có nhu cầu, muốn đi thì có tour tuyến để họ đi theo các tour tuyến mà chúng ta đã liên kết với nhau".
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa thì cho rằng TPHCM là đầu tàu, còn ĐBSCL có nguồn nhân lực, vừa qua có chương trình đào tạo Mekong 1.000 rất hiệu quả. Vì vậy, TP.HCM cùng hợp tác hoặc kiến nghị trung ương có chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như vậy để đưa ĐBSCL thoát khỏi vùng trũng về nguồn nhân lực.
Ông Nghĩa cũng đề nghị TPHCM khi tiếp đoàn khách hay nhà đầu tư nước ngoài thì cho kết hợp các tỉnh ĐBSCL, giới thiệu luôn về ĐBSCL, "như khu công nghiệp VSIP không chỉ của Cần Thơ mà của vùng để thực hiện, để tạo sức bật của vùng. Hoặc đi xúc tiến đầu tư ở nước ngoài thì TP.HCM và ĐBSCL cùng nhau đi để nâng tầm, gắn kết với nhau", ông Nghĩa đề nghị.
Hợp tác làm trước hệ thống giao thông
Nói về một năm rưỡi thực hiện liên kết hợp tác, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng đã đạt được kết quả bước đầu mà báo cáo chỉ thể hiện một phần, trong đó thấy được cách thức hợp tác "trong chung có riêng" (hợp tác với các tỉnh ĐBSCL nhưng có chương trình riêng từng tỉnh) có hiệu quả, việc này cần tiếp tục nghiên cứu để vận hành hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Ông Mãi cũng đồng tình với đề xuất có không gian ĐBSCL tại TP.HCM. "Chúng ta sẽ có tuần lễ hay ngày hội ĐBSCL tại TP.HCM và làm không chỉ rời rạc mảng du lịch hay thương mại mà làm tổng thể. Có tuần lễ ĐBSCL tại TPHCM để giới thiệu toàn diện và tiến hành các hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch cho ĐBSCL", ông nói.
Ông Mãi cho biết thành phố sẽ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư và sắp tới là Sở Du lịch làm đầu mối để phối hợp với các địa phương vùng ĐBSCL, đồng thời đề nghị các địa phương ở ĐBSCL cũng cần có địa chỉ để phối hợp với thành phố.
Ông Mãi cũng cho rằng việc hợp tác trong thời gian tới thì từ nay tới cuối năm 2025 việc làm trước hết là hợp tác kết nối hạ tầng trước, "dù rất tốn kém nhưng phải làm cơ bản trước".
"Từ nay tới cuối năm 2025 chúng ta phải cùng với Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện pháp lý để thúc đẩy mở rộng đường cao tốc từ TP.HCM - Trung Lương, mở rộng quốc lộ 1, quốc lộ 50B và nghiên cứu để triển khai hai tuyến đường quan trọng là đường ven biển và đường biên giới.
TP.HCM xác định sẽ chủ trì nghiên cứu, mời các tỉnh ĐBSCL tham gia. Ngoài ra sẽ cùng với Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện pháp lý dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, cố gắng khởi công trước năm 2030.
Trong năm sau, chúng ta cố gắng cùng với nhau để khởi động lại một số hạng mục quan trọng của giao thông đường thủy TP.HCM - ĐBSCL, nếu được thì đẩy mạnh kết nối sang Campuchia.
Việc này để phục vụ cho du lịch đường thủy và một số điểm logistics, kết nối trung tâm sơ chế ĐBSCL với trung tâm tinh chế ở TP.HCM, rồi ra cửa khẩu để xuất khẩu", ông Mãi nói thêm.