Doanh nghiệp

Chủ tịch REE: Cần siết quy định về người chịu trách nhiệm, tài sản thế chấp phải được định danh và có thanh khoản cao khi phát hành TPDN

Chiều 22/4 đã diễn ra Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đánh giá về vai trò của thị trường vốn, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (Mã: REE) nhận định thị trường vốn như là xương sống, là mạch máu của nền kinh tế.

Năm 2000, thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời là một kênh huy động vốn rất hiệu quả với khuôn khổ pháp lý chặt chẽ ra đời.

Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý chặt chẽ là vào thời điểm đó và vài năm sau đó. Nhưng đến thời điểm giờ có thể bổ sung hay cập nhật thêm lên, bởi vì những phát sinh từ thực tế rất nhiều.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần cơ điện lạnh (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Chủ tịch HĐQT REE cũng đồng tình với quan điểm của Thủ tướng về việc "không nên hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế, nhưng tất nhiên những ai cố tình làm hại thị trường thì phải được xử lý".

Khuôn khổ pháp lý cho việc doanh nghiệp huy động vốn qua thị trường trái phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đã khẳng định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp một cách rõ ràng và chặt chẽ.

Chủ tịch REE cho rằng bên cạnh vốn vay ngân hàng thì kênh huy động vốn qua phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp là hai kênh vô cùng quan trọng và hữu ích cho doanh nghiệp phục vụ cho phát triển công ty trong trung và dài hạn. Phát hành trái phiếu, cổ phiếu đều đòi hỏi tính minh bạch và các doanh nghiệp phải tự đặt mình trong khuôn khổ pháp lý và trách nhiệm rất cao.

Hơn ai hết, HĐQT công ty phải chịu trách nhiệm về công bố thông tin báo cáo định kỳ và giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn huy động được đặt đúng chỗ và phát huy hiệu quả. Cuối cùng thì câu trả lời phải bảo đảm trả lãi và vốn đúng hạn.

Về mặt luật định, bà Thanh kiến nghị cần có thêm các quy định chặt chẽ hơn về người chịu trách nhiệm và tài sản thế chấp phải được định danh cũng như có tính thanh khoản cao. Chế tài cũng cần được đặt ra đối với những trường hợp đã chệch hướng như thông tin đã được công bố. Về pháp lý, cần củng cố thêm trách nhiệm của các cơ quan kiểm toán, định giá và giám sát tài sản.

Nói tóm lại, các doanh nghiệp muốn phát triển liên tục thì rất cần nguồn vốn bổ sung liên tục, trong đó nguồn phát hành cổ phiếu và trái phiếu là rất dồi dào cần được tiếp tục củng cố và phát huy.

Sau 2 năm đại dịch, giờ đây đất nước đã bình thường trở lại, bước vào chu kỳ xây dựng và phát triển mới. Mặc dù phía trước còn nhiều vấn đề chưa xác định như xung đột vũ trang, địa chính trị và gián đoạn chuỗi cung ứng, sản xuất và dịch vụ..., Chủ tịch REE mong muốn Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, một môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch và bình đẳng để các doanh nhân có thể tiếp tục dấn thân cùng nhau xây dựng nền kinh tế nước nhà.

Với số vốn tích lũy được trên 16.000 tỷ, bà Thanh chia sẻ thêm rằng REE cũng quyết định nâng mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính, cân đối hợp lý việc huy động nguồn vốn vay, phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp để tiếp tục phát triển công suất trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, nước và môi trường.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm