MBB:
Ngày 6/3/2024, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán MBB) tổ chức gặp mặt nhà đầu tư để thông tin về kết quả kinh doanh và động lực tăng trưởng năm 2024.
Chủ trì buổi gặp mặt, ông Lưu Trung Thái, chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) MB đã trả lời nhiều câu hỏi của nhà đầu tư.
Trả lời câu hỏi về cho vay bất động sản, các khoản vay của Novaland, SunGroup đang phân loại theo nhóm nào, ông Lưu Trung Thái đã cập nhật không chỉ khoản vay của 2 doanh nghiệp này mà còn toàn bộ thông tin về dư nợ cho vay bất động sản tại MB hiện nay.
Theo ông Thái, MB đã thiết lập hạn mức và kinh doanh cho vay bất động sản hàng năm, kiểm soát ở mức độ cho phép, tỷ lệ cho vay xoay quanh mức 8%. MB tập trung vào cho vay các dự án nhà ở ở các địa phương lớn, có nhu cầu cao và tập trung phân khúc có giá thành hợp lý, có số lượng khách hàng đông, song song đó phát triển khách hàng bán lẻ ở các dự án này.
"Hiện MB khá thận trọng với các dự án mới và thiết lập giới hạn, hạn mức chặt chẽ cho từng dự án, từng địa phương. MB khẳng định kiểm soát chặt chẽ cho vay với bất động sản", Chủ tịch MB cho biết.
Đối với dư nợ của Novaland và các công ty con, hiện MB phân loại nợ ở nhóm 1. Năm ngoái MB đã thu được gần 50% dư nợ của Novaland. Khả năng phục hồi ở các nhóm này tương đối khả quan.
Đối với dư nợ của SunGroup và các công ty liên quan cũng ở nhóm 1. MB tập trung vào các dự án là thế mạnh của họ bao gồm các dự án du lịch, có dòng tiền.
Ông Lưu Trung Thái cũng đánh giá, khó khăn nhất của các công ty bất động sản là quý 3 năm ngoái, nhưng đến thời điểm này ngân hàng tin tưởng rằng khó khăn đã đi qua.
Chia sẻ thêm về cơ cấu dư nợ của MB, theo bà Phạm Thị Trung Hà, tổng nợ xấu chỉ chiếm hơn 1% tổng dư nợ. Các khoản nợ được cơ cấu lại MB cũng thực hiện rất tốt và kiểm soát chặt chẽ theo quy định tại các Thông tư của NHNN. Năm 2023 nợ xấu toàn ngành có gia tăng, trong đó có MB. Câu chuyện này nằm ở nhiều nhóm khách hàng, trong đó có khách hàng cá nhân và SME và dàn trải ở nhiều mảng chứ không tập trung ở nhóm nào quá nhiều. "Chúng tôi bị liên đới nợ xấu trên CIC. Nợ xấu do MB kiểm soát vẫn rất tốt, MB tự phân loại chỉ ở mức rất thấp nhưng bị liên đới bởi nợ xấu ở ngân hàng khác nên nợ xấu tăng lên" – bà Hà nói.
Về bao phủ nợ xấu, quan điểm của MB khá thận trọng và cũng tuân thủ theo quy định, năm 2024 tỷ lệ bao phủ nợ xấu sẽ ít nhất là bằng năm 2023 và ở mức trên 100%.
Ông Lưu Trung Thái bổ sung thêm, việc bao phủ nợ xấu giảm là khó tránh khỏi. Năm 2023 nợ xấu toàn ngành ngân hàng cao gấp rưỡi và phải dùng dự phòng. Bản chất trích lập dự phòng cao sẽ ăn mòn lợi nhuận ngân hàng, năm 2024 MB sẽ duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức trên 100% như từng áp dụng trong các năm vừa qua.
Đáng chú ý tại buổi gặp mặt, nhà đầu tư đặt câu hỏi về mối quan hệ của MB với Vinfast. Chủ tịch MB không tiết lộ chi tiết, nhưng khẳng định đang không cho vay đối với Vinfast.
Chủ tịch MB cũng chia sẻ thêm một số vấn đề khác đang được nhà đầu tư quan tâm. Chẳng hạn với việc bán vốn ưu đãi cho nhà đầu tư là SCIC và Viettel với giá rẻ có ảnh hưởng đến MB không? Ông Lưu Trung Thái cho biết câu hỏi này đã nhận được rất nhiều trong các kỳ đại hội cổ đông và ông tái khẳng định MB luôn chú trọng đến lợi ích mà các cổ đông đóng góp cho ngân hàng, tất nhiên MB sẽ không bán với giá thấp. Việc có ảnh hưởng hay không thì ông khẳng định có ảnh hưởng, nhưng là ảnh hưởng tốt tới các cổ đông khác.
Về việc nhận sáp nhập ngân hàng OceanBank, ông Lưu Trung Thái cho biết ngân hàng cũng "đang sốt ruột" và kỳ vọng trong quý 2 sẽ thực hiện được.
Về bán vốn cho khối ngoại, MB hiện tại không tính đến. Còn việc tìm đối tác cho các công ty con thì MB vẫn đang thực hiện.
Về vấn đề phân phối lợi nhuận năm 2023, ông Lưu Trung Thái cho biết có chia cổ tức nhưng con số cụ thể bao nhiêu thì vẫn đang tính toán.
Dự kiến MB sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2024 vào tháng 4 (ngày 19/4/2024) tại Hà Nội.