Tại ĐHĐCĐ bất thường 2023 lần 2 diễn ra vào chiều ngày 17/10, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC), cho biết ở ĐHĐCĐ thường niên 2023 hồi cuối tháng 6, HĐQT chưa kịp trình kết quả kinh doanh kiểm toán năm 2022 vàĐHĐCĐ bất thường lần 1 không đủ điều kiện tổ chức.
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, Xây dựng Hòa Bình đạt 14.149 tỷ đồng doanh thu và lỗ sau thuế 2.567 tỷ đồng trong năm 2022. Phần chênh lệch số liệu giữa báo cáo tự lập và kiểm toán đã được công ty giải trình đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và công ty đã công bố thông tin.
Tại đại hội hôm nay, Xây dựng Hòa Bình trình kế hoạch kinh doanh định hướng 2024 - 2028, kế hoạch kinh doanh chi tiết 2024 cùng một số kết quả về công tác tái cấu trúc toàn diện.
Trong thời gian chưa đầy 5 tháng, hoạt động tái cấu trúc đã được thực hiện quyết liệt, tập trung vào những giải pháp quan trọng do Tổng Giám đốc Lê Văn Nam đề xuất, bao gồm: Tái cấu trúc tài chính, tái cấu trúc nguồn nhân lực, tái cấu trúc sản phẩm và thị trường, tái cấu trúc hệ thống quản lý, tái cấu trúc các công ty thành viên và công ty liên kết.
Chủ tịch Lê Viết Hải cho biết hoạt động tái cấu trúc tài chính tuy chưa tiến hành đúng như kế hoạch và kỳ vọng của ban điều hành nhưng bước đầu đã đạt được một số kết quả.
Thứ nhất, công ty đã ký kết thỏa thuận nguyên tắc với một tập đoàn đầu tư và phát triển quốc tế nhằm hợp tác chiến lược và hỗ trợ việc mở rộng kinh doanh quốc tế của Xây dựng Hòa Bình, bao gồm đầu tư trực tiếp và chỉ định thầu nhiều dự án quy mô lớn đã được lên kế hoạch.
"Các điều kiện thỏa thuận đầu tư cần được bảo mật cho đến khi hợp đồng chính thức được ký kết. Việc trao đổi thông tin và đánh giá hiện đang được thực hiện để hoạt động phát hành cổ phiếu được thực hiện trước ngày 31/12/2023", ông Hải thông tin thêm.
Thứ hai, Xây dựng Hòa Bình có dư nợ ở 14 ngân hàng tại ngày 31/12/2022 nhưng tính đến ngày hôm qua (16/10), công ty đã tất toán công nợ 1.327 tỷ đồng ở 7 ngân hàng, hiện tổng dư nợ giảm về 4.756 tỷ đồng.
Thứ ba, Xây dựng Hòa Bình đã hoàn thành thu về công nợ, lãi trả chậm, chi phí phát sinh hơn 304 tỷ đồng từ CTCP Tập đoàn FLC sau gần ba năm thu hồi kể từ khi phán quyết có hiệu lực vào tháng 11/2020.
Thứ tư, tính đến ngày 16/10, đã có 99 nhà cung cấp, nhà thầu ký biên bản thỏa thuận hoán đổi công nợ bằng cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cp. “Có thể nói, đây là thành công đáng nói nhất của Hòa Bình trong giai đoạn khó khăn”, ông Lê Viết Hải nói.