Doanh nghiệp

Chủ tịch Digiworld: Công ty tự tin hoàn thành kế hoạch doanh thu năm, không lo ngại sự xuất hiện của Temu

Chiều 5/11, CTCP Thế Giới Số (Digiworld - Mã: DGW) đã tổ chức cuộc gặp gỡ với nhà đầu tư để chia sẻ về kết quả kinh doanh quý III và triển vọng cuối năm 2024.

Đặt mục tiêu quý IV lãi 150 tỷ đồng

Bước sang quý IV, công ty kỳ vọng đạt 6.800 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 40%, lợi nhuận sau thuế 150 tỷ đồng tăng 67% so với cùng kỳ. Nếu thực hiện được đúng lộ trình đặt ra, Digiworld sẽ hoàn thành được 100% kế hoạch doanh thu, thực hiện được khoảng 92% mục tiêu lợi nhuận.

Chủ tịch HĐQT Digiworld Đoàn Hồng Việt cho rằng, đây là kế hoạch có cơ sở, tự tin của ban lãnh đạo công ty. Trong trường hợp thị trường thuận lợi thì Digiworld có thể đạt kết quả cao hơn dự kiến.

Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC. * là kế hoạch.

Nhận định về bức tranh toàn cảnh, ông Việt cho rằng, thị trường tiêu dùng Việt Nam đã tạo đáy trong quý I và quý II, bước sang quý III và quý IV đã có tín hiệu phục hồi nhưng chưa mạnh mẽ. Năm 2025 có thể phục hồi tốt hơn.

“Sang năm tới, công ty chưa có kế hoạch kinh doanh chi tiết nhưng dự báo tăng trưởng 2 con số trên nền năm 2024 nhờ nhu cầu thị trường phục hồi. Bên cạnh đó, công ty sẽ ghi nhận đóng góp từ các sản phẩm mới, kênh phân phối mới”, Chủ tịch HĐQT Digiworld thông tin.

Về chiến lược M&A, ông Việt cho biết sẽ sẽ ưu tiên M&A trong các lĩnh vực như FMCG (hàng tiêu dùng nhanh), Office equipment (thiết bị văn phòng). Tuy nhiên, trong năm nay sẽ không có thương hiệu nào được công bố. Các deal (thương vụ) mà công ty theo đuổi nhanh thì sẽ được công bố vào năm 2025.

Sự xuất hiện của Temu có đáng lo ngại?

Tại cuộc trao đổi với các nhà đầu tư, khi được hỏi về Temu, ông Việt cho rằng, Temu là nền tảng bán hàng thương mại điện tử xuyên biên giới, tập trung tìm hiểu thị hiếu thị trường nhằm tung ra sản phẩm có giá trị nhỏ “với mức giá rất khủng bố”.

Temu thường hướng tới các đơn hàng dưới 1 triệu đồng và sẽ không phải đóng tiền thuế nhập khẩu. Theo ông Việt, điều này ảnh hưởng lớn đến các seller (người bán hàng) nhỏ ở Việt Nam và tạo ra sự bất công về chính sách thuế.

Ứng dụng Temu. (Ảnh: Lâm Anh).

Song, ông Việt cũng khẳng định với các nhà đầu tư rằng, sự xuất hiện của Temu không gây ảnh hưởng đến chiến lược của Digiworld vì công ty tập trung kinh doanh sản phẩm có giá trị cao, cần sự bảo hành và hậu mãi. "Khách hàng sẽ không chọn mua sản phẩm qua một nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới không biết sau này sẽ bảo hành ở đâu", ông nhấn mạnh.

Theo người đứng đầu Digiworld, thông qua việc này có thể thấy được tầm nhìn đúng đắn của công ty khi xây dựng các trung tâm bảo hành

Ông cho biết, công ty con B2X (vận hành hệ thống trung tâm bảo hành) hiện là miếng ghép chiến lược cho hệ sinh thái của Digiworld, giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững. Trong quý II, Digiworld đã nâng sở hữu tại B2X từ mức 49% lên 100% sau khi mua lại cổ phần từ B2X Care Solutions GmbH.

Theo ông Việt “tất cả hãng mới, hãng cũ đều cần đến mạng lưới trung tâm bảo hành nàycủng cố vị thế của Digiworld trong lĩnh vực nhập khẩu, phân phối các sản phẩm điện tử tiêu dùng, thiết bị kỹ thuật. Đây đều là những sản phẩm yêu cầu dịch vụ sau bán hàng (hậu mãi) tốt.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm