Sau phiên bán tháo trên thị trường chứng khoán chiều 25/4, cổ phiếu của Công ty cổ phần Xây dựng Cottecons (CTD) giảm còn 54.900 đồng. Không mất hết biên độ như một số mã cùng ngành nhưng nếu tính ba tuần trở lại đây, cổ phiếu này giảm đến 45%, xuống vùng giá thấp nhất một năm.
Trong phiên họp thường niên cùng ngày, một cổ đông Coteccons cho biết đã đầu tư cổ phiếu này trong ba năm và chỉ chưa đầy một tháng, khoản đầu tư đã "bốc hơi" 75% vì sử dụng đòn bẩy tài chính nên bị công ty chứng khoán bán giải chấp.
"Tôi chưa bán một cổ phiếu nào. Tôi tin tưởng chủ tịch nhưng cổ phiếu từ 100.000 về 54.000 đồng thì tin sao được nữa", cổ đông than phiền.
Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Hội đồng quản trị Coteccons nói "rất tiếc và rất xin lỗi" khi không chỉ cổ đông này mà nhiều nhà đầu tư khác cũng đang có trải nghiệm không vui với cổ phiếu CTD. Ông cho biết từ khi trở thành người đứng đầu công ty này, thường xuyên nhận được hàng trăm tin nhắn than phiền của cổ đông, thậm chí một số còn đe doạ, mỗi lúc cổ phiếu giảm sâu.
Theo ông Bolat, thị trường chứng khoán không dành cho những người lướt sóng ngắn hạn. Ông khuyên nhà đầu tư nhìn vào dài hạn bởi thị trường xây dựng đang sôi động trở lại và tự tin giá cổ phiếu sẽ tăng vào cuối năm.
Ngoài giá cổ phiếu, nhiều cổ đông Coteccons chưa hài lòng với mục tiêu tăng trưởng năm nay. Theo đó, công ty đặt kế hoạch doanh thu 15.010 tỷ đồng, tăng 65% so với năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 17%, đạt 20 tỷ đồng – thấp hơn những giai đoạn thị trường đóng băng.
"Cuối năm ngoái, ông Bolat nhấn mạnh Coteccons đã bước sang một trang mới đầy tham vọng nhưng kế hoạch kinh doanh 2022 thể hiện sự vô lý với thông điệp này", một cổ đông chia sẻ tại phiên họp thường niên chiều 25/4.
Một cổ đông khác phân tích, lợi nhuận này chỉ tương đương 0,1% doanh thu, trong khi các công ty cùng ngành đều đưa ra mức 1-2%. Bên cạnh đó, công ty có lượng tiền mặt hơn 3.000 tỷ đồng nên chỉ cần gửi tiết kiệm ngân hàng cũng có lợi nhuận trên 200 tỷ đồng một năm. Hai điều này cộng thêm các thông tin về hợp đồng chuyển tiếp (backlog) và ký mới đều khả quan nên mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận thấp nhất trong vòng 15 năm qua là "rất khó hiểu".
Ông Bolat cho biết đã đoán trước con số 20 tỷ đồng sẽ vấp phải sự phản ứng của cổ đông, nhưng đây là thực tế và ban lãnh đạo phải chấp nhận. Mục tiêu lợi nhuận đi lùi vì công ty đánh giá thị trường có nhiều yếu tố khó lường như dịch bệnh làm chậm dòng tiền của chủ đầu tư, giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, sự cạnh tranh quyết liệt khiến nhiều đối thủ sẵn sàng bỏ giá thấp để trúng thầu, ưu tiên các phúc lợi để giữ chân nhân sự...
Theo bà Cao Thị Mai Lê – Kế toán trưởng Coteccons, mục tiêu lợi nhuận còn tính đến việc trích lập dự phòng cho nợ xấu của 16 dự án từ 2019 để lại. Nếu không làm việc này, lợi nhuận mục tiêu là 115 tỷ đồng.
Bà Lê nói thêm, backlog năm ngoái là 25.000 tỷ đồng nhưng thời gian triển khai dự án, đặc biệt là những dự án cao tầng thường kéo dài 2-3 năm nên luôn có khoảng lùi lớn trong việc ghi nhận. Đây là mốc thời gian lý tưởng nếu dự án khởi công ngay, còn trường hợp chủ đầu tư vướng các thủ tục pháp lý, thời gian phải kéo dài hơn.
"Chúng tôi đã tính dự án nào chủ đầu tư có thể đúng tiến độ và cái nào chậm tiến độ khi xây dựng kế hoạch. Mục tiêu 2022 chỉ là những backlog khả thi", bà Lê chia sẻ, đồng thời thông tin thêm trong giai đoạn thấp điểm của ngành (quý I và quý II), công ty có thể hoàn thành 40% chỉ tiêu cả năm.
Theo ông Bolat, thông điệp "bước sang một trang mới" cuối năm ngoái không mâu thuẫn với mục tiêu tăng trưởng năm nay. Thời điểm phát ra thông điệp này, công ty mới hoàn thành giai đoạn ổn định sau những biến động về nhân sự thượng tầng kéo theo nhiều thay đổi khác ở bên dưới.
Sau khi xây lại nền móng, ông Bolat cho biết Coteccons vừa giữ mảng chủ lực là xây dựng dân dụng, vừa mở rộng sang các mảng khác như hạ tầng, năng lượng sạch và M&A các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Mục tiêu của công ty vào năm 2025 là doanh thu 3 tỷ USD và vốn hoá thị trường 1 tỷ USD.